Không có chuyện ấn “Hoàng đế chi bảo” bị bán ra nước ngoài một lần nữa
(PNTĐ) - Đó là khẳng định của Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa trong cuộc họp báo sáng nay (24/3) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo đó, trước thông tin nhà sưu tập người Việt ông Nguyễn Thế Hồng đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", ông Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản văn hóa cho biết, Cục Di sản văn hóa chưa thể công bố thông tin chính thức bởi quá trình đàm phán, thương lượng và tiến hành thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra.
"Hiện nay chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin cụ thể vì phải thực hiện cam kết giữa các bên và tiến hành thủ tục để đưa ấn vàng hồi hương theo đúng quy định pháp luật của Pháp cũng như Việt Nam", ông Thành nói.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cho biết thêm chuyến hồi hương mang tính lịch sử của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ sớm có kết quả trong giai đoạn tháng 4-6/2023.
Cục phó Cục Di sản văn hóa cũng khẳng định dù ấn này thuộc sở hữu của cá nhân, cũng sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa.
“Thông tư số 19 (năm 2012) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định, danh mục di vật cổ vật không được đưa ra nước ngoài bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9 năm 1945 trong đó bao gồm ấn tín”, ông Trần Đình Thành nói.
Do đó, theo ông Thành, việc tư nhân sở hữu ấn vàng nếu tiếp tục đưa ra nước ngoài với mục đích trưng bày, giới thiệu quảng bá văn hóa Việt Nam hay phục vụ công tác tu sửa hiện vật nếu xuống cấp, công nghệ chúng ta chưa làm được thì thông tư 19 sẽ phục vụ việc đó. Nếu đưa ra vì mục đích khác thì thông tư sẽ ngăn chặn việc đưa ra nước ngoài.
"Chúng tôi cam kết, bảo đảm với các quy định của văn hóa, việc chủ sở hữu có thể là tư nhân với ấn vàng phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật chặt chẽ nếu đưa ra nước ngoài. Còn lại hoàn toàn chịu sự quản lý của thông tư 19", ông Thành cho biết.