Kinh nghiệm phát triển văn hoá Việt từ “Làn sóng Hallyu” Hàn Quốc

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc được nâng lên thành “Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” vào năm 2001 và “Đối tác hợp tác chiến lược” năm 2009, các sự kiện này là kết quả của sự hợp tác lâu dài, bền vững của cả hai nước, trong đó không thể không kể đến hợp tác văn hóa song phương.

Sự thịnh hành những giá trị văn hóa của Hàn Quốc ở nước ngoài

"Hallyu" (Làn sóng văn hóa Hàn Quốc) đặc biệt quen thuộc với người dân Việt Nam ở mọi lứa tuổi. Sự lan toả mạnh mẽ của làn sóng này đã giúp Việt Nam có những cơ hội để đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa quốc gia. Việt Nam có nhiều cơ hội và thực tế cũng đã học tập theo trào lưu Hallyu và đã có những đóng góp trong ngành công nghiệp văn hóa.

“Sở dĩ Hàn Quốc đạt được thành tựu như vậy là do chính phủ Hàn Quốc có sự quan tâm và các tập đoàn kinh tế, các công ty giải trí đến chiến lược văn hóa. Hàn Quốc quan tâm đến chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm gắn với Hallyu, từ K-movie, K-pop, họ đang bắt đầu hướng đến game online, truyện tranh, phim hoạt hình”, PGS. TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT-DL) cho biết.

Kinh nghiệm phát triển văn hoá Việt từ “Làn sóng Hallyu” Hàn Quốc - ảnh 1
Giao lưu văn hóa góp phần tăng cường mối quan hệ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.

Không chỉ vậy, Hàn Quốc còn chú ý để có những sách lược, chiến lược cụ thể cho từng quốc gia, từng khu vực theo từng giai đoạn tương ứng.

“Ví dụ như với Việt Nam, Hàn Quốc chú ý những chính sách cụ thể trong việc xoa dịu vết thương chiến tranh trong quá khứ. Họ quan tâm mở những khóa giảng dạy văn hóa Việt cho nhân viên quản lý người Hàn cũng như văn hóa Hàn cho nhân viên người Việt tại những công ty Hàn Quốc ở Việt Nam để hai bên hiểu nhau hơn”, PGS. TS Phạm Lan Oanh chia sẻ.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng chú trọng tổ chức những lớp tập huấn giới thiệu về Hàn Quốc cho các lãnh đạo địa phương Việt Nam cũng như các giáo viên phổ thông Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều rất đặc biệt trong chiến lược sử dụng “quyền lực mềm” nhằm lan tỏa Hallyu. Phó Viện trưởng VICAS chỉ ra: “Những khảo sát điều tra của họ định hướng cho Hallyu từ những điều rất đơn giản như họ biết giới trẻ Việt Nam thích các ngôi sao nam dễ thương, trong khi giới trẻ Singapore lại thích vẻ đẹp nam tính. Như vậy Hallyu đi song song nhưng không đồng phục”.

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể học tập để tạo ra “Làn sóng Việt” của riêng mình, chủ động giới thiệu với thế giới bằng con đường truyền bá văn hóa, góp phần đa dạng hóa ngành công nghiệp văn hóa của mình. PGS. TS Phạm Lan Oanh đánh giá: “Với nền tảng văn hóa đa dạng, phong phú, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng lộ trình để quảng bá về đất nước, con người và văn hóa thông qua các thế mạnh về ẩm thực, thời trang. Chúng ta cũng cần ý thức sâu sắc, mạnh mẽ và huy động sức mạnh tổng hợp, quan niệm đúng và thực hiện hiệu quả hợp tác trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Công việc này phải đến từ tầm cao nhất ở các tổ chức chính phủ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường, viện (văn hóa, kinh tế, giáo dục, học thuật). Chúng ta còn đang thiếu những nghiên cứu, khảo sát để hoạch định chính sách”.

Việt Nam - Thị trường nhạc số non trẻ

Không thể phủ nhận rằng những năm gần đây nền âm nhạc Việt Nam có những sự phát triển mạnh mẽ. Các sản phẩm âm nhạc có sự kết hợp giữa ca sĩ Việt Nam với nghệ sĩ quốc tế liên tiếp được ra mắt, nhiều ca khúc Việt tạo được tiếng vang với loạt thành tích ấn tượng trên các nền tảng trực tuyến, thậm chí là lan toả tới nhiều quốc gia khác. Có thể kể đến như Sơn Tùng M-TP đã từng mời được rapper người Mỹ nổi tiếng Snoop Dogg tham gia vào sản phẩm âm nhạc "Hãy trao cho anh", hay mới đây là Đức Phúc hát cùng nhóm nhạc nam huyền thoại 911 trong ca khúc "I do"...Bên cạnh đó, các ca khúc như "triệu view" như "See tình" của Hoàng Thùy Linh hay "Hai phút hơn" của Pháo x Masew… liên tục được nghệ sĩ châu Á cover lại.

Ngành công nghiệp âm nhạc ở châu Á đã tăng trưởng ở mức hai con số trong năm thứ ba liên tiếp, vượt xa tốc độ tăng trưởng chung trên toàn thế giới.

Tổng doanh thu từ thị trường châu Á chiếm 22,9 % thị trường âm nhạc toàn cầu, theo số liệu mà Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI – International Federation of the Phonographic Industry) công bố tháng 4/2023. Tại Đông Nam Á nói riêng, Thái Lan là thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất, doanh thu đạt mốc hơn 100 triệu USD vào năm 2022, trong đó 90% là đến từ các nền tảng phát trực tuyến.

Kinh nghiệm phát triển văn hoá Việt từ “Làn sóng Hallyu” Hàn Quốc - ảnh 2
Đức Phúc và 911 trình diễn ca khúc Em đồng ý. Ảnh:BTC

Trong khi đó, giá trị của thị trường nhạc số của Việt Nam là 23 triệu USD, một con số khá khiêm tốn so với Thái Lan, Philippines (70 triệu USD) và Singapore (34 triệu USD).

Tuy nhiên, với sự bùng nổ của internet và điện thoại thông minh, hình thức nghe nhạc trên các trang web trực tuyến cũng dần phổ biến hơn tại Việt Nam. Sự xuất hiện của các nền tảng phát nhạc trực tuyến quốc tế như Apple Music hay Spotify đã dần dần tạo ra thay đổi trong thói quen nghe nhạc của người dùng - nghe nhạc có trả phí.

Đánh giá về Việt Nam, ông Shridhar Subramaniam – chủ tịch Chiến lược và phát triển thị trường tại châu Á và Trung Đông của hãng Sony Music Entertainment (SME) cho rằng đây là một thị trường còn non trẻ nhưng thú vị và đang phát triển nhanh chóng.

Hướng đi mới cho phát triển

Hàn Quốc nổi tiếng với ngành công nghiệp giải trí. Các thế hệ thần tượng Kpop gen 2, gen 3, gen Z chính là minh chứng mạnh mẽ. Sau hai thập kỉ phát triển, các công ty quyền lực nhất xứ Hàn bắt đầu mở rộng thị trường sang các nước châu Á. Nhiều công ty giải trí Hàn Quốc nhận được sự quan tâm lớn từ các bạn trẻ châu Á, trong đó có Việt Nam.

YeaJi Kwon, blogger nổi tiếng người Hàn Quốc cho rằng, những xu hướng âm nhạc hay phim ảnh tại Hàn Quốc đều được Việt Nam theo dõi rất sát sao và học hỏi. Đơn cử sau chương trình "Show me the money” khép lại, có rất nhiều rapper và ca sĩ hip-hop underground trở nên nổi tiếng. Thị hiếu âm nhạc chuyển dần sang R&B.

“Mọi người vẫn yêu thích các idols (thần tượng), nhưng R&B đã trở nên phổ biến hơn. Ở Việt Nam, điều này trước đây hiếm, nhưng gần đây ngày càng có nhiều nghệ sĩ chơi thể loại này, và nhìn chung, sở thích của mọi người dường như đang chuyển dịch theo hướng này. Nhưng người Việt Nam, theo ý kiến cá nhân của tôi, không nên vội vàng nắm bắt nhanh các xu hướng mới nhất, mà ngược lại, hãy kiểm tra kỹ xem nó có phù hợp với mình không", blogger YeaJi Kwon nhận xét.

Hiện nay Hàn Quốc mở rộng phạm vi tuyển dụng, nhất là các quốc gia Singapore, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Việc tổ chức tuyển dụng thực tập sinh nước ngoài để các nhóm nhạc dễ dàng xâm nhập thị trường bởi đại diện quốc gia. Ngoài thực tập đào tạo idol, còn có nhiều vị trí trong các công ty giải trí dành cho các bạn yêu thích.

“Thời gian gần đây, các ông lớn trong ngành giải trí như Big Hit, SM, Cube, FNC, RBW đã tổ chức các buổi tuyển chọn thực tập sinh. Đây chính là cơ hội dành cho các bạn trẻ có định hướng phát triển trong môi trường chuyên nghiệp tại Hàn”, PGS. TS Phạm Lan Oanh nêu rõ.

Đối với Việt Nam, gần đây có nhiều bạn trẻ chủ động tham gia vào showbiz Hàn Quốc. Một số tên tuổi đã tạo nên tiếng vang. Về xu hướng này, PGS. TS Phạm Lan Oanh đánh giá rằng, nhiều bạn trẻ chọn học những khóa đào tạo ngắn với tư cách thực tập sinh. Sau đó trở về nước để hoạt động giải trí khi đã được trang bị kỹ năng, tư duy của nghệ thuật.

Kinh nghiệm phát triển văn hoá Việt từ “Làn sóng Hallyu” Hàn Quốc - ảnh 3
Soobin Hoàng Sơn từng có quãng thời gian làm thực tập sinh ở Hàn Quốc.

“Trong đó, nổi tiếng tại Việt Nam có thể nhắc đến Soobin Hoàng Sơn, Suni Hạ Linh hay Liz Kim Cương. Việc được làm thực tập sinh tại các công ty giải trí lớn của Hàn là xu hướng mới có những ưu điểm như giúp các học viên được làm quen với môi trường đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng thanh nhạc, vũ đạo, phát triển hình thể, khả năng giao tiếp của bản thân và ngoại ngữ. Quá trình luyện tập lâu dài và nghiêm khắc của các công ty giải trí này sẽ giúp các tài năng của họ được đưa vào khuôn khổ, góp phần xây dựng lối sống chuẩn mực, có tính kỷ luật khi bước vào môi trường chuyên nghiệp. Việc luyện tập bền bỉ còn giúp rèn luyện các vấn đề đạo đức qua từ những hành vi ứng xử hằng ngày của các thực tập sinh”.

Tin cùng chuyên mục

5 năm thi hành Luật Thư viện: Tạo chuyển biến tích cực cho văn hóa đọc Thủ đô

5 năm thi hành Luật Thư viện: Tạo chuyển biến tích cực cho văn hóa đọc Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 22/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện nhằm đánh giá công tác thi hành Luật trên địa bàn Thủ đô; thảo luận đưa ra giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành Luật, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai Luật Thư viện.