“39 đoản thiền để thấy“: Hành trình chữa lành bằng thiền định

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tiếp nối chuyến hành trình của “39 câu hỏi cho người trẻ” và “39 cuộc đối thoại cho người trẻ”, tác giả Phan Đăng tái ngộ cùng độc giả trong cuốn sách mới, với âm hưởng sâu lắng và đầy chiêm nghiệm – “39 đoản thiền để thấy”.

Nhắc đến “thiền”, nhiều người thường mang suy nghĩ chủ quan rằng thiền hướng đến việc buông bỏ, buông lơi mục tiêu, xa rời cuộc sống. Họ sợ hành thiền khiến mình đánh mất năng lực suy nghĩ, trở nên thờ ơ, lãnh đạm. Tuy nhiên trên thực tế, thiền mang đến sự chủ động trong suy nghĩ; thiền không hề xa rời cuộc sống mà còn giúp chúng ta dung nhập sâu sắc hơn vào thế giới xung quanh, cảm nhận đời sống một cách sâu sắc hơn. Lí giải cho cụm từ “đoản thiền”, Huyền Cơ Thích Viên Như đã viết: “Đoản thiền là một căn nhà có nhiều cánh cửa, nếu không có thời gian dạo khắp, bạn có thể mở bất cứ cánh cửa nào, trong bạn sẽ hiện ra một thế giới thân quen mà có thể vì lí do nào đó trước đây bạn không nhận ra nó, tuy nhỏ nhưng bao la từ một cái nhìn.”

“39 đoản thiền để thấy“: Hành trình chữa lành bằng thiền định - ảnh 1
“39 đoản thiền để thấy" là những đoản văn, ghi lại cảm nhận của tác giả bằng con mắt thiền

Là những đoản văn, ghi lại cảm nhận của tác giả bằng con mắt thiền, “39 đoản thiền để thấy” tập hợp những suy tư tưởng chừng vụn vặt, nhưng đầy sâu lắng về cuộc đời và con người của tác giả Phan Đăng. Tựa như một nốt lặng đầy suy tư trong bộn bề cuộc sống hiện đại, tác giả Phan Đăng đã gửi vào cuốn sách “39 đoản thiền để thấy” những gợi mở sâu sắc để giúp người đọc tập trung hơn vào hiện tại, trân trọng từng khoảnh khắc của đời sống.

Phan Đăng là một trong những cái tên khá quen thuộc trong lòng các bạn đọc yêu thích thể thao cũng như khán giả truyền hình. Anh từng viết và xuất bản một số cuốn sách như “39 câu hỏi cho người trẻ”, “39 cuộc đối thoại cho người trẻ”, “Ở trong đầu trí thức”, “Những góc nhìn đời: Tôi thấy – nghe – và nghĩ”.

Với giọng viết giản dị, sâu lắng và đầy chiêm nghiệm, cuốn sách gợi mở những triết lí sâu sắc, những bài học mới mẻ về cuộc đời, khéo léo để lộ những điều vĩ đại đằng sau những cái đời thường, góp phần dẫn dắt người đọc hướng đến một lối sống bình tĩnh hơn, một góc nhìn cảm nhận cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn hơn. 39 đoản thiền tựa như 39 cánh cửa, mà mỗi cánh cửa lại dẫn dắt chúng ta bước vào một chuyến hành trình diệu kì với nhiều ngã rẽ khác nhau: khi thì ta hóa thân thành một chiếc lá nhỏ bé, lúc lại là một đóa hoa khiêm nhường, hay đơn giản như dung nhập vào một cơn gió vô hình để ngắm nhìn đời sống.

Đối với Phan Đăng, hành trình đi từ “39 câu hỏi cho người trẻ” “39 cuộc đối thoại cho người trẻ” đến 39 đoản thiền để thấy” là một hành trình đi từ ngoài vào trong, nơi anh tìm thấy chính mình.

Nói về cơ duyên đến với thiền định, Phan Đăng chia sẻ cuộc đời anh từng trải qua hai biến cố lớn: “Chuyện thứ nhất cách đây khoảng gần 8-9 năm, tôi bị tổn thương sâu sắc bên trong. Tổn thương ấy khiến cho dạ dày tôi có nguy cơ chảy máu liên tục phải nằm triền miên trong bệnh viện. Thời gian nằm viện, tôi nhớ ra những tác phẩm kinh điển lúc đọc kiểu ‘tầm chương trích cú’ và quyết định phải thực hành. Tôi bắt đầu thực hành thiền định, thiền tuệ”. Phan Đăng khẳng định anh từ “một con vẹt tầm chương thành nhà thực hành”: “Đây là trải nghiệm màu nhiệm, không phải theo nghĩa tâm linh, tôn giáo siêu hình”, Phan Đăng nói.

“Biến cố thứ hai là trong quá trình ‘tầm chương trích cú’, tôi bị ‘bệnh nặng’ tới mức trong đầu bao giờ cũng phải truy cứu là sự vật này, bông hoa, cơn mưa kia… thì Aristotle, Đức Phật nói gì? Tôi quay cuồng đi tìm các triết gia lý giải về mọi sự vật, hiện tượng đọc được. Cho đến một ngày, tôi tự vấn: ‘Mình nói gì, nhìn thấy gì ở cơn mưa? Tại sao cứ phải là Aristotle hay Đức Phật nói? Sau khi chìm đắm trong đầu của người khác, đầu mình nghĩ gì, rung động gì?’. Từ hai cơ duyên đó, tôi mới có thể đi sâu vào thiền”, Phan Đăng chia sẻ.

“39 đoản thiền để thấy“: Hành trình chữa lành bằng thiền định - ảnh 2
Tác giả Phan Đăng

Tựu trung lại, mọi con đường đều dẫn ta hướng về bản ngã, cùng ta tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi lớn của đời người: Kiếm tìm hạnh phúc nơi đâu? Hạnh phúc chẳng phải điều gì rất đỗi xa hoa, mà chính bản thân chúng ta đã biến nó thành một thứ xa xỉ. Hạnh phúc cũng không hề khó tìm như ta nghĩ, chỉ cần ta trân trọng con người bên trong mình, trân trọng những điều giản dị xung quanh.

Khi được hỏi cảm nhận thế nào là hạnh phúc sau khi đi sâu vào thiền, Phan Đăng cho rằng: “Nếu 16 năm trước tôi nghĩ hạnh phúc chỉ là sự thoả mãn. 8 năm trước tôi nghĩ hạnh phúc là sự cống hiến. Có thời điểm tôi nghĩ hạnh phúc khi được sống là chính mình. Thì sau khi đi qua 3 trải nghiệm về hạnh phúc: sự thoả mãn, sự cống hiến và được là mình, bây giờ tôi mới nhận ra, hạnh phúc là năng lực làm chủ con người bên trong”.

Phan Đăng lưu ý: “Năng lực làm chủ con người bên trong giúp ta làm chủ các bất như ý. Bất như ý có ập đến thì bên trong ta vẫn tĩnh lặng, bất toại nguyện có ập đến thì cũng chỉ buồn chút xíu thôi chứ không sụp đổ”.

Chúng ta từng bỏ rơi con người bên trong mà chỉ nhìn bên ngoài. Tìm kiếm sự thoả mãn ở bên ngoài giống như một khu vườn bị bỏ hoang lâu năm, khi bão đến vườn sẽ sập. Nhưng khi thiền, chúng ta quay vào bên trong, chăm sóc “em bé” bên trong mình”
Phan Đăng

Trong “39 đoản thiền để thấy”, độc giả bắt gặp một Phan Đăng vẫn sắc sảo và minh bạch, nhưng trầm tĩnh, thận trọng và chậm rãi hơn như một người giàu trải nghiệm. Thêm vào đó, “39 đoản thiền để thấy” còn gây ấn tượng với sự hòa quyện giữa những hình ảnh minh họa đặc sắc của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn và tư tưởng của tác giả Phan Đăng. Những bức họa đơn giản mà nhiều hàm ẩn, liên kết chặt chẽ với câu chuyện mà tác giả Phan Đăng gửi gắm.

“39 đoản thiền để thấy“: Hành trình chữa lành bằng thiền định - ảnh 3

Đánh giá về cuốn sách, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Đây không phải là một cuốn sách thông thường. Đây là con đường của một người đi tìm chính mình để xác thực mình và xác lập mình trong cái thế giới của chính cá nhân mình. Đấy là con đường khó nhất và cũng chính là con đường duy nhất để tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống”.

Tin cùng chuyên mục

“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng

“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng

(PNTĐ) - Tại không gian thân thuộc của Nhà xuất bản Kim Đồng, triển lãm “Gặp tôi trong tương lai” chính thức khai mạc, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình xây dựng những nội dung sách thiếu nhi sáng tạo, mang đậm tinh thần bình đẳng giới và tôn vinh quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp của trẻ em.
“Gặp tôi trong tương lai” - Hành trình kể chuyện bằng sách thiếu nhi

“Gặp tôi trong tương lai” - Hành trình kể chuyện bằng sách thiếu nhi

(PNTĐ) - “Gặp tôi trong tương lai” là một sáng kiến do The Initiative of Children’s Book Creative Content (ICBC) khởi xướng, với sự đồng hành của ECUE-VGEM và Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng. Chương trình nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Investing in Women (Đầu tư cho Phụ nữ) - một sáng kiến của Chính phủ Australia.
“Khi bà nội mặc Bikini“: Cuốn sách phát hành nhân dịp kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam

“Khi bà nội mặc Bikini“: Cuốn sách phát hành nhân dịp kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam

(PNTĐ) - Trong một thế giới mà phụ nữ lớn tuổi thường bị đóng khung trong hình ảnh của sự hiền hậu, lặng lẽ và cam chịu, tiểu thuyết “Khi bà nội mặc bikini” của tác giả Đài Loan Bành Tố Hoa mang đến một cái nhìn đầy tươi mới, đậm tinh thần nữ quyền - vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ.
Cánh cửa dẫn vào chiều sâu văn hóa Nhật Bản

Cánh cửa dẫn vào chiều sâu văn hóa Nhật Bản

(PNTĐ) - Ngôn ngữ luôn là một trong những biểu hiện rõ ràng và đặc sắc nhất của văn hóa một dân tộc. Với Nhật Bản – quốc gia nổi tiếng bởi sự dung hòa giữa truyền thống và hiện đại – hệ thống chữ viết Kanji không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là kho tàng phản ánh sự tiếp biến văn hóa trong lịch sử dài hàng nghìn năm.