Lễ hội Trung thu Hà Nội:

Kỳ vọng trở thành đặc sản du lịch văn hóa của Thủ đô?

ĐÀO VŨ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Lễ hội Trung thu 2022 của Hà Nội diễn ra tại nhiều địa điểm cùng hoạt động phong phú đem đến niềm vui và sự háo hức cho người dân Thủ đô. Nhiều người tin rằng, trong tương lai rất gần, lễ hội Trung thu có thể trở thành một đặc sản du lịch của Thủ đô…

Kỳ vọng trở thành đặc sản du lịch văn hóa của Thủ đô? - ảnh 1
Không gian nhộn nhịp của phố cổ mùa Trung thu 2022 Ảnh: TG

Lễ hội trung thu truyền thống “hồi sinh”
Sau hai năm đại dịch, lễ hội Trung thu tại Hà Nội đã bắt đầu khá sớm trong khoảng 2 tuần nay với nhiều hoạt động tưng bừng, sôi nổi tạo nên một tinh thần phấn chấn cho người dân Thủ đô. Dường như, không khí này là một sự bù đắp cho người dân sau 2 mùa trăng ảm đạm bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

 Nổi bật mùa trăng năm nay là lễ hội Trung thu phố cổ 2022 do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức từ ngày ngày 1/9 đến ngày 10/9 (tức 6/8 đến15/8 âm lịch) trong không gian chợ Trung thu truyền thống Hàng Mã, khu vực chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy, phố Bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Hồ Gươm, các tuyến phố trong khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội và tại các điểm di sản văn hóa trong khu phố cổ Hà Nội như Ngôi nhà di sản - 87 phố Mã Mây, đình Kim Ngân phố Hàng Bạc…

Tại đây, có rất nhiều hoạt động Trung thu hấp dẫn, hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu truyền thống như: mặt nạ, đèn kéo quân, múa rối cạn, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian. Lễ hội Trung thu phố cổ 2022 thường xuyên gây… ách tắc cả mấy khu phố vì lượng người dân và cả du khách đổ về vui Trung thu sớm rất đông đảo, nhất là dịp cuối tuần. 

Điểm đến hấp dẫn thứ hai của Lễ hội mùa trăng Hà Nội năm nay diễn ra tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long với chủ đề “Đèn thu lung linh” vào các ngày 2, 3, 4 và 10/9. Điều thú vị của sự kiện này chính là đã bày ra trước mắt trẻ thơ và du khách một thế giới các loại đèn trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ…

Đặc biệt là một số loại đèn Trung thu đầu thế kỷ XX được làm theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục hồi lại theo các nguồn tư liệu. Gây ấn tượng là chiếc đèn kéo quân khổng lồ thu hút rất đông người dân, du khách tới chiêm ngưỡng, chụp hình. Bên cạnh đó, các em nhỏ sẽ được trải nghiệm làm bánh dẻo trung thu; làm đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cù; tô, vẽ mặt nạ giấy bồi; làm diều giấy… 

Sự kiện đã mang đến cho trẻ em, người dân cũng như du khách những câu chuyện, những dấu ấn về Tết Trung thu truyền thống hết sức gần gũi, hấp dẫn và đáng nhớ. Cùng với Lễ hội Trung thu phố cổ, “Đèn thu lung linh” đã cùng nhau khắc họa nên vẻ đẹp của Tết Trung thu truyền thống ở Hà Nội, tạo nên sức hút văn hóa của Thủ đô.

Bên cạnh việc tôn vinh văn hóa truyền thống qua các lễ hội Trung thu, Hà Nội cũng cho thấy một sự lan tỏa văn hóa với một số sự kiện cho mùa trăng, tiêu biểu là Lễ hội "Bánh Trung thu và trái cây 3 miền" tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam từ ngày 7-10/9. Nét văn hóa truyền thống của mùa Trung thu cũng được tôn vinh tại đây khi sẽ dành không gian lớn để trưng bày tranh dân gian, sản phẩm thủ công và mặt nạ.

Các em thiếu nhi đến tham gia lễ hội Trung thu 2022 có cơ hội trải nghiệm thực tế làm ra các sản phẩm Trung thu truyền thống như: Làm lồng đèn, vẽ mặt nạ từ giấy bồi, nặn tò he Xuân La, làm phỗng đất làng Hồ, sáng tạo từ lá dừa, làm bút tre, làm các loại bánh truyền thống của các vùng miền.  

Khởi sắc nhiều hy vọng vào Du lịch văn hóa
Tết Trung thu có nguồn gốc lâu đời và là một trong những ngày lễ lớn được mong chờ trong năm. Tại Việt Nam, dấu tích của ngày lễ Trung thu được tìm thấy trên hoa văn mặt trống đồng Ngọc Lũ trong nền văn hóa Đông Sơn. Ngoài ra, trên bia đá ở chùa Đọi xây dựng từ thời vua Lý (năm 1121) có ghi Tết Trung thu là một lễ truyền thống diễn ra tại kinh thành Thăng Long.

Vào ngày này người dân vui chơi, nghỉ ngơi thưởng trăng sau kỳ thu hoạch được mùa. Cho đến nay, lễ hội Tết Trung thu được tổ chức còn biểu trưng cho sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương đến trẻ em - những mầm non của đất nước. 

Quan sát mùa Trung thu nhộn nhịp được tổ chức tại Hà Nội năm nay, Th.s Phạm Lê Trung (giảng viên khoa Du lịch, ĐH Văn Hóa Hà Nội), tỏ ra lạc quan vui mừng về một tương lai gần mùa Trung thu sẽ trở thành mùa du lịch mang tính đặc sản của Hà Nội, mặc dù, theo anh, hiện tại vẫn chỉ là những hoạt động mang tính thường niên, chủ yếu phục vụ nhu cầu khám phá chụp hình, thiên về thương mại, kích thích mua bán trao đổi hơn là cảm thụ văn hóa truyền thống. Với dấu ấn của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, đã từng có những mùa Tết Trung thu được ghi trong sử sách trong lịch sử, Hà Nội có bản sắc văn hóa Tết Trung thu truyền thống rất riêng, dễ dàng thu hút du khách thập phương tới tham quan, du lịch.

“Để lễ hội Trung thu trở thành một sản phẩm du lịch như một số địa phương đã từng thành công như Tuyên Quang, Hà Nội cần có kế hoạch cụ thể, nghiên cứu kỹ và đưa ra các hoạt động hấp dẫn, trong đó, bao gồm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị cốt lõi của Tết Trung thu. Qua đó, thấy rõ vai trò của Tết Trung thu đối với người dân Thủ đô” - Th.s Phạm Lê Trung nêu ý kiến. 

Đồng quan điểm trên, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho rằng việc xây dựng bản sắc văn hóa Trung thu truyền thống của Hà Nội là điều cần thiết. Theo ông, muốn khôi phục di sản thành công thì đầu tiên phải hiểu về di sản. Sự hiểu ấy phải thông qua nhiều nguồn, mà sách vở chỉ là một phần.

Quan trọng là phải tìm được các nhân chứng, các nghệ nhân biết nghề, yêu nghề và nhất là có lương tâm nghề nghiệp. Có như vậy, Trung thu Hà Nội mới tạo nên bản sắc riêng, khẳng định văn hóa lâu đời mang tính cốt lõi được. Đó cũng là cách ông tiếp cận và cho ra mắt các sản phẩm đèn trung thu cổ truyền phục dựng được trưng bày tại sự kiện “Đèn thu lung linh” tại Hoàng thành Thăng Long. 

Các hoạt động Tết Trung thu hướng về truyền thống, phục dựng lễ hội Trung thu xưa như thành phố và nhiều tổ chức đã và đang làm hiện nay được người dân rất hoan nghênh, đón nhận. Qua đó giúp bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đem đến cho các cháu thiếu nhi một không gian vui chơi bổ ích, một cơ hội tìm hiểu văn hóa cha ông, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch cho Hà Nội. 

“Thông qua sự phục dựng các sản phẩm văn hóa truyền thống dịp này, chúng tôi như được đi xuyên thời gian, trở về với bản ngã dân tộc, thích thú và đắm chìm trong nó, thêm yêu Thủ đô và mong có thêm nhiều cơ hội để trải nghiệm tinh hoa dân tộc, không chỉ có dịp đặc biệt như thế này” - nhà biên kịch Nguyễn Mỹ Hạnh bày tỏ sự thích thú trước không gian văn hóa Trung thu truyền thống đậm đà của Hà Nội năm nay. Chị cũng như nhiều người dân bày tỏ, nếu phát huy tốt bản sắc văn hóa Trung thu truyền thống như hiện nay, chắc chắn Hà Nội sẽ rất nhanh thành công trong việc trở thành điểm đến thu hút mùa Trung thu như nhiều Thủ đô lớn của các nước châu Á khác.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.