Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử

LÝ THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hằng năm, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung được tổ chức long trọng tại hai địa điểm: xã Dạ Trạch (nay là xã Phạm Hồng Thái) – nơi có đền Hóa – Dạ Trạch, và xã Bình Minh – nơi có đền Đa Hòa (thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đây còn được ví như lễ hội của tình yêu, là một trong những lễ hội trọng điểm của tỉnh, mang đậm sắc màu văn hóa dân gian Vùng đồng bằng Bắc Bộ và gắn liền với truyền thuyết về Chử Đồng Tử – một trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Theo truyền thuyết, Chử Đồng Tử là chàng trai đánh cá nghèo, con ông Chử Cù Vân. Hai cha con chỉ có một chiếc khố dùng chung. Khi cha mất, vì lòng hiếu thảo, Chử Đồng Tử đã chôn cả chiếc khố theo cha, còn mình thì trần mình ngâm nước sông, bắt cua cá kiếm sống. Nhân duyên kỳ ngộ đã cho chàng gặp và kết duyên với nàng công chúa Tiên Dung – con gái vua Hùng Vương thứ 18. Họ sống một cuộc đời giản dị nhưng hạnh phúc.

Trên đường đi chữa bệnh, hai vợ chồng gặp Tây Sa – con nhà gia giáo, giỏi nghề bốc thuốc. Tiên Dung liền ngỏ ý mời nàng về làm thiếp cho Chử Đồng Tử. Ba người sau đó cùng chu du, cứu giúp nhân dân khắp nơi.

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử - ảnh 1
Nghi thức lấy nước trên sông tại Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Một hôm, trời tối chưa tìm được nơi nghỉ, họ cắm gậy xuống đất, úp nón làm chỗ tá túc. Bất ngờ nửa đêm, nơi đó bỗng hóa thành cung điện nguy nga, người hầu tấp nập. Hay tin, vua cha nghi ngờ hai người làm phản, liền cho quân trấn áp. Nhưng Tiên Dung không chống lại phụ vương. Đêm ấy, một cơn cuồng phong nổi lên, cuốn cả lâu đài cùng ba người bay về trời. Nơi cung điện từng hiện ra sau này biến thành đầm nước, gọi là đầm Nhất Dạ – nghĩa là “một đêm”, tại khu vực xã Dạ Trạch ngày nay.

Xưa kia, lễ hội đền Dạ Trạch là hội hàng tổng (Tổng Vĩnh), quy tụ tám làng trong vùng. Sau thời gian gián đoạn từ năm 1942 do chiến tranh, đến năm 1989, khi đền Hóa được công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, lễ hội mới được khôi phục theo nghi thức truyền thống.

Lễ hội tổ chức ba năm một lần, kéo dài từ mồng 10 đến 12 tháng 2 âm lịch. Những năm không mở hội lớn, người dân vẫn duy trì hội lệ với quy mô nhỏ hơn, nhưng luôn giữ trọn lòng thành kính với Đức Thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân – công chúa Tiên Dung và công chúa Tây Sa.

Từ trước Tết, các gia đình trong xã đã bận rộn chuẩn bị cho lễ hội. Người trẻ góp mặt trong đội múa rồng, khiêng kiệu; người cao tuổi lo tế lễ, hậu cần, khánh tiết… Ai cũng háo hức, coi việc góp phần vào lễ hội là niềm vinh dự lớn.

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử - ảnh 2
Lấy nước là một trong những nghi lễ nghiêm trang và linh thiêng tại lễ hội

Sáng sớm mồng 10, nghi lễ rước nước mở đầu lễ hội được tổ chức trang trọng. Đoàn rước từ đền Hóa tiến ra sông Hồng với đội múa rồng dẫn đầu, theo sau là đội trống, đội cờ, bát bửu, chấp kích, đội múa bồng, cùng các kiệu: kiệu chóe nước, kiệu “Bế ngư thần quan” (tượng cá đầu rồng), và đặc biệt là kiệu rước gậy úp nón – tượng trưng cho uy linh Thánh Chử. Các cô gái mặc áo dài truyền thống đi hộ giá kiệu, tạo nên một khung cảnh đầy màu sắc lễ nghi.

Ra đến sông, chỉ kiệu chóe và đôi rồng được đưa xuống thuyền. Giữa màn sương sớm, cuộc rước hóa thành màn trình diễn du thuyền sống động với cờ hội và tiếng trống vang vọng, gợi lại khung cảnh huyền thoại ngày Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử bên bãi Tự Nhiên. Dường như mọi ánh mắt dõi theo đều bị cuốn về khoảnh khắc định mệnh của tình yêu ấy.

Giữa lòng sông, nghi lễ lấy nước diễn ra trang nghiêm: Hai cụ cao niên thả một vòng vải đỏ tượng trưng cho sự thanh lọc, rồi dùng gáo dừa sơn đỏ múc chín gáo nước thiêng đổ vào chóe. Đoàn rước quay về trong sự chào đón của dân làng – mỗi nhà đều đặt bàn lễ nhỏ nghênh đón.

Chóe nước được rước vào hậu cung, cụ chủ tế làm lễ đón “hiện thân” của Đức Thánh và Nhị vị phu nhân qua hình ảnh ba thanh niên – một trai hai gái chưa lập gia đình, mặc áo lụa, tay cầm hương và hoa. Sau nghi lễ này, các vật linh như kiệu, tượng ông Bế, nón – gậy… được đặt ra sân chờ đến nghi thức “phát du” – rước Thánh đi du hành. Tiếng trống hội nổi lên, hòa với tiếng reo vui báo hiệu lễ hội chính thức khai mạc.

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử - ảnh 3
Múa rồng là một trong những nét đặc sắc tại lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Ngày 11, lễ tế chính được tổ chức. Ngoài đội tế của làng Yên Vĩnh, ban tổ chức còn mời nhiều đội tế từ các xã trong huyện và tỉnh về: đội tế nữ xã Tứ Dân, Tân Dân, Hàm Tử, Từ Hồ, Đức Nhuận, Vân Nghệ… Lễ vật dâng Thánh là cỗ chay, trong đó không thể thiếu đôi bánh xôi hình tròn và hình vuông – biểu tượng của trời và đất.

Buổi chiều và các tối trong lễ hội là thời gian của trò chơi dân gian: chọi gà, đấu cờ, đi cầu kiều, đập niêu, bắt vịt… cùng các chương trình văn nghệ: hát chèo, trống quân, ca trù, quan họ… làm rộn rã không khí, thu hút đông đảo du khách.

Cùng thời điểm là lễ hội đền Đa Hòa tại xã Bình Minh. Tuy cùng thờ Đức Thánh và Nhị vị phu nhân, nhưng từ xưa đến nay, hai lễ hội vẫn độc lập, mỗi nơi mang bản sắc riêng. Nếu đền Đa Hòa có nghi thức rước Thành hoàng các làng về bái yết, thì đền Dạ Trạch lại không thực hiện nghi thức đó. Bởi theo quan niệm dân gian nơi đây, các vị thần bản địa đều đã “quy tụ” dưới trướng Thánh Chử, tạo nên một cuộc diễu hành linh thiêng không cần liên minh các thần linh.

Ngoài các nghi lễ truyền thống, lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung còn đặc sắc bởi điệu múa “Đĩ đánh bồng” hấp dẫn: Những chàng trai hóa thân thành nữ, trong trang phục sặc sỡ, đội khăn mỏ quạ, khoác trống cơm nhảy múa, cười duyên dáng, “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng”, khiến không khí thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử - ảnh 4
Điệu múa “Đĩ đánh bồng” luôn mang đến cho người xem nhiều cảm xúc thích thú, ấn tượng

Du khách về trẩy hội còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ như bơi chải, hát trống quân, đập niêu đất, đi cầu kiều…; thưởng thức đặc sản chỉ vùng đất Khoái Châu mới có: Món ngon từ gà Đông Tảo, miến dong từ củ dong giềng vùng bãi bồi sông Hồng, cam, bưởi ngọt đậm; và dạo chơi trong khung cảnh nên thơ trữ tình của dải đất ven sông Hồng…

Hội tan mà người vẫn chưa nỡ rời. Tiếng trống chiêng như còn vang vọng, sắc cờ, sắc áo vẫn còn in trong mắt, tiếng cười giòn giã còn nguyên vẹn. Đến hẹn lại lên, mùa xuân sau, ta lại cùng đi trẩy hội Đồng Tử – Tiên Dung.

Tin cùng chuyên mục

SIC Tech Day - Đưa công nghệ đến gần với thế hệ trẻ Việt Nam

SIC Tech Day - Đưa công nghệ đến gần với thế hệ trẻ Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 12/4, Trường Đại học sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức ngày hội công nghệ SIC Tech Day với chủ đề "GEN - dẫn lối đam mê công nghệ". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình phát triển nhân tài công nghệ- Samsung Innovation Campus (SIC) 2024-2025 nhà mình lan tỏa tinh thần sáng tạo và đưa công nghệ đến gần với thế hệ trẻ Việt Nam.