Mùa vải chín

Chia sẻ

PNTĐ-Tiếng chim tu hú sẽ còn vang mãi những mùa hè, những mùa vải. Nhưng người thân của nữ sĩ và những người yêu thơ sẽ mãi nhớ đến bài thơ Tiếng chim tu hú của Anh Thơ...

 
Mùa vải chín - ảnh 1
 
Mồng Một đầu tháng tôi ra chợ đã thấy có hàng bán vải. Những chùm vải quả to đều, vỏ đỏ rất đẹp. Tôi mua ngay một chùm về thắp hương quả đầu mùa, cầm chùm vải tôi nhớ đến bài thơ Tiếng chim tu hú của nữ sĩ Anh Thơ, một trong những bài thơ hay của bà...
 
Bỗng tiếng chim tu hú
Đưa từ vườn vải xa
Quả bắt đầu chín lự
Ngọt như nỗi nhớ nhà
 
Ở các vùng trung du trồng nhiều vải, nghe tu hú kêu là biết vải đã chín. Hà Nội không có chim tu hú nên khi nhìn thấy sau xe đạp của người bán rong chở đầy các chùm quả mới biết đã vào mùa vải.
 
Nữ sĩ Anh Thơ sinh năm 1919. Năm 1939 Tự lực văn đoàn tổ chức cuộc thi thơ trong toàn quốc. Anh Thơ - người con gái tỉnh Bắc Giang dự thi với tập thơ Bức tranh quê được nhận giải thưởng của Tự lực văn đoàn. Mộng Tuyết - người con gái đất Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) với tập thơ Phấn Hương rừng được nhận giấy khen tặng. Hai người con gái ấy coi như những người làm thơ đầu tiên thời bấy giờ rồi đến Tương Phố, Mộng Sơn, Vân Đài, Ngân Giang, Cẩm Lai...
 
Năm 1941 tập thơ Bức tranh quê được NXB Đời nay in trên giấy dó lụa thượng hạng rất đẹp được các báo trong Nam ngoài Bắc khen ngợi rất nhiều. Năm 1942 Anh Thơ in chung với nhà thơ Bàng Bá Lân tập thơ Xưa. Cùng năm này nữ sĩ còn in cuốn tiểu thuyết Răng đen là hình ảnh người mẹ răng đen má hồng của tác giả đảm đang quán xuyến gia đình nhà chồng, nuôi chồng ăn học và chăm sóc đàn con nhưng không may đã sớm qua đời. Cuốn tiểu thuyết của nữ sĩ lúc đó rất được người đọc đón nhận. Thời kỳ ấy nước ta còn dưới ách thống trị của Pháp và Nhật, đời sống nhân dân rất khó khăn cực khổ, cảnh đau buồn trước mắt gây nhiều xúc động cho các nhà thơ nhưng không viết ra được, có viết cũng bị kiểm duyệt không được in nên đành đưa thi hứng về người xưa, cảnh cũ: Ông Đồ, Lều chõng đi thi, Tiếng chuông chùa, Vườn xưa...
 
Anh Thơ may mắn gặp được cách mạng, nhà thơ đã thoát ly gia đình đi hoạt động ở Lạng Sơn, Cao Bằng... Tiếp đến cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống Pháp, mười năm nhà thơ chưa về quê. Bài thơ Tiếng chim tu hú nói lên tình cảm của người con gái tham gia chiến đấu vẫn luôn nhớ quê nhà.
 
Nắng hè đỏ hoa gạo
Nước sông Thương trôi nhanh
Trên đường đê bước rảo
Gió nam giỡn lá cành
Bỗng tiếng chim tu tú
Đưa từ vườn vải xa
Quả bắt đầu chín lự
Ngọt như nỗi nhớ nhà...
 
Bài thơ còn nói lên tâm sự thầm kín của người con gái, phải nén tình cảm riêng tư song lại rất thấu hiểu tình thương của người cha:
 
Cha già thêm tóc bạc
Chống gậy bước lên đồi
Thương một mùa vải đỏ
Má hồng con đang tươi

Có chàng qua chạm ngõ
Bỗng khói lửa ngút trời
Con đi đêm súng nổ
Vải rụng bến sông trôi

Rời tiếng chim tu hú
Vang suốt những mùa hè
Con đi dài thương nhớ
Mười năm chửa về quê
Mọi sự thành dang dở.
 
Khi con ra đi mái tóc cha mới điểm bạc, mười năm mong đợi mái tóc cha bạc thêm nhiều. Cha nén lòng cho con lên đường theo lý tưởng, lặng lẽ theo con ra tận bờ đê, bước chân cha vẫn vững vàng rắn rỏi, nay lên đồi phải chống gậy. Cha thương con duyên phận lỡ làng. Mười năm. Chàng trai năm xưa sang chạm ngõ đã gia đình êm ấm. Con gái cha mải mê nhiệm vụ cách mạng quên tuổi xuân thì... Hiểu tình thương của cha nhưng con vẫn phải đi xa, đi nữa. Thời kháng chiến người ta thường dùng câu “Bao giờ kháng chiến thành công” mới trở về hoặc mới lập gia đình. Trong bài thơ này nhà thơ không hẹn như thế mà nói lên sự làm việc hết mình, quên việc riêng để thực hiện việc chung:
 
Tu hú ơi tu hú
Kêu chi hoài vườn xanh
Ta còn đi đi nữa
Như dòng sông trôi nhanh

Nhắn với chim tu hú
Cha già vui đợi mong
Mười năm trong khói lửa
Má con dù nhạt hồng
Nhưng bao nhiêu em gái
Đẹp lên mùa vải chín ven sông
 
Bài thơ Tiếng chim tu hú Anh Thơ viết năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, quân xâm lược Pháp phải rút hết về nước. Miền Bắc không còn bóng giặc.
 
Là một đảng viên, một cán bộ cách mạng, nữ sĩ Anh Thơ vẫn say mê lao động sáng tác, vừa làm việc quên mình đóng góp cho quê hương đất nước dù má đã nhạt hồng, song nữ sĩ vui vì lứa các em gái sau này sẽ được tươi đẹp, hạnh phúc hơn xưa.
 
Tiếng chim tu hú sẽ còn vang mãi những mùa hè, những mùa vải. Nhưng người thân của nữ sĩ và những người yêu thơ sẽ mãi nhớ đến bài thơ Tiếng chim tu hú của Anh Thơ dù nữ sĩ đã đi xa hơn 10 năm!

Lý Thị Trung

Tin cùng chuyên mục

Báo Nhân Dân và “một chạm” đặc biệt lan tỏa tình yêu đất nước

Báo Nhân Dân và “một chạm” đặc biệt lan tỏa tình yêu đất nước

(PNTĐ) - Chỉ với một chạm điện thoại, tình yêu đất nước sẽ ngày càng lan tỏa, đó là thông điệp từ dự án “Yêu lắm Việt Nam", kết hợp công nghệ kết nối không dây (NFC) và dữ liệu số mà báo Nhân Dân công bố ngày 17/4 tại Hà Nội. Dự án còn nhằm quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch trên mọi miền tổ quốc.
Mong Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa sớm được triển khai

Mong Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa sớm được triển khai

(PNTĐ) - Chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, nơi có làng nghề bánh gai Đặng Giang, làng sản xuất chiếu tre Dư Xá nức tiếng bày tỏ mong Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa sớm được triển khai. Khi đó, với vai trò là Hội Phụ nữ, chị sẽ tích cực bắt tay vào công tác kết nối thương mại, văn hóa, thành lập hợp tác xã sản xuất bánh gai để bảo tồn nghề truyền thống và giúp bà con làm kinh tế bền vững.
Tiếng vọng từ quá khứ, đối thoại với hiện tại

Tiếng vọng từ quá khứ, đối thoại với hiện tại

(PNTĐ) - Hội thảo khoa học “Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức ngày 9/4 là cuộc đối thoại học thuật sâu sắc về vai trò, giá trị và sức sống của văn học kháng chiến chống Mỹ trong dòng chảy văn học dân tộc.
Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách Hồi giáo

Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách Hồi giáo

(PNTĐ) - Du lịch thân thiện với du khách Hồi giáo (Du lịch Halal) đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một phân khúc tiềm năng trong ngành du lịch toàn cầu. Dự báo đến năm 2030, du lịch Halal sẽ đóng góp 334,5 tỷ USD vào ngành du lịch thế giới (MarkWide Research). Hà Nội cũng đang có nhiều kỳ vọng vào tiềm năng thu hút du lịch gắn với Halal trong tương lai gần.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa tạo giá trị phát triển bền vững cho Hà Nội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa tạo giá trị phát triển bền vững cho Hà Nội

(PNTĐ) - Dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa (Thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô) được Thành phố Hà Nội công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý... trên nhiều lĩnh vực và người dân. PGS.TS, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, nhấn mạnh rằng đây là bước đi tạo nên giá trị bền vững trong phát triển cho Hà Nội.