Những tài năng mới từ cuộc thi “Giọng hát hay sinh viên Hà Nội mở rộng” 2022

Chia sẻ

(PNTĐ) -Cuộc thi Giọng hát hay sinh viên mở rộng lần thứ 8 của Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương vừa tổ chức đêm chung kết vào cuối tuần qua. Từ gần 10 năm nay, cuộc thi Giọng hát hay sinh viên mở rộng đã là sân chơi dành cho các bạn trẻ đang theo học tại các trường cao đẳng đại học trên địa bàn Hà Nội.

11 gương mặt lọt vào đêm chung kết lần thứ 8 này đều còn rất trẻ có độ tuổi từ 1995 đến 2001, đến từ hai “cái nôi” đào tại âm nhạc chuyên nghiệp là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và “trường chủ nhà”. Cũng tương tự như cuộc thi Sao Mai toàn quốc, cuộc thi này được chia làm 3 bảng Dân gian, Thính phòng và Nhạc nhẹ. Những người cầm cân này mực trong ban giám khảo của cuộc thi này đều là những nghệ sĩ hoạt động âm nhạc có uy tín như: NSND Quang Thọ, NSƯT Mai Tuyết, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng hai giảng viên của trường là Trưởng khoa Thanh nhạc - Piano Đỗ Hương Giang (từng đoạt Giải Nhất Cuộc thi Giọng hát hay HN) và ca sĩ Đoàn Thúy Trang (Giấc mơ màu nắng). Cũng từ đây, nhiều gương mặt triển vọng được nhìn thấy. 

Ở phong cách thính phòng là cuộc tranh tài của 3 thí sinh  Phạm Thị Quỳnh Lan, Trịnh Thị Quỳnh Anh và Lê Hữu Kiệt. Ở phong cách này, Quỳnh Lan chiếm được cảm tình của ban giám khảo cũng như khán giả khi chọn hai tác phẩm đúng chất thính phòng là “Em nhớ chăng” (Nhạc: Eric Serra, lời Việt: An Hiếu) trong khi cách thể hiện cũng chững chạc, bản lĩnh. Quỳnh Anh có chất giọng tốt, giọng hát ổn định và có sự truyền cảm. Hữu Kiệt sở hữu chất giọng khá tình cảm và giàu cảm xúc trong khi thể hiện. Có lẽ chính vì xúc động quá không kiềm chế được mà trong lúc thể hiện ca khúc “Cảm ơn mẹ” (Đức Trịnh) đã bị một lỗi thể hiện đành chấp nhận giải Ba, trong khi giải Nhì thuộc về Quỳnh Anh. Nữ học viên cao học tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN Quỳnh Lan giành giải Nhất. 

Những tài năng mới từ cuộc thi “Giọng hát hay sinh viên Hà Nội mở rộng” 2022 - ảnh 1
Quỳnh Lan- Giải Nhất phong cách thính phòng

Dòng dân gian cho thấy các thí sinh có sự tập trung và dành thời gian cũng như công sức cho các tiết mục dự thi, như trường hợp thí sinh Hoàng Anh Tú có tiết mục mashup giữa hát văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” (thơ Nguyễn Duy) với “Quê mẹ” (Trần Mạnh Hùng) sử dụng cùng lúc hai dàn nhạc điện tử và dân tộc lên tới hơn 10 người; trong khi tiết mục “Xẩm Chợ Đồng Xuân” của Trịnh Thị Trang Nhung có một dàn nhạc xẩm cùng với hơn 10 diễn viên tái hiện cảnh một trong những chợ sầm uất nhất, nổi tiếng nhất Hà Nội trên sân khấu. Đặng Thị Thùy Dương với giọng hát nhẹ nhàng đằm thắm, với khuôn mặt khả ái thu hút được cảm tình với khán giả khi thể hiện hai tác phẩm “Cung đàn Thúy Kiều” (Ngọc Thịnh) và “Lời ca gửi Noọng” (Nguyễn Tài Tuệ); trong khi Thái Thị Huệ thể hiện “Tây Thiên huyền thoại (Nguyễn Tú Huỳnh) và “Em vẫn chờ anh” (Mai Cường). Phần thể hiện giữa hai bài của Thái Thị Huệ và Trang Nhung không đồng đều cho nên chung cuộc hai giọng ca này cùng giành giải Ba, trong khi Thùy Dương giành giải Nhì và giải Nhất thuộc về Anh Tú. 

Những tài năng mới từ cuộc thi “Giọng hát hay sinh viên Hà Nội mở rộng” 2022 - ảnh 2
Hoàng Anh Tú giải Nhất dòng dân gian 

Cuộc thi thực sự bùng nổ khi tới phần dự thi của 4 thí sinh dòng nhạc nhẹ. Có một điều khá thú vị, 4 giọng hát này chia ra làm 2 phong cách rõ rệt: Vũ Tiến Dũng và Nguyễn Thị Thu Hường thiên về âm nhạc giải trí, trong khi Vũ Thùy Linh và Phạm Tống Khang đúng chất nhạc nhẹ dành cho các cuộc thi. Phạm Tống Khang thể hiện chững chạc, bản lĩnh và rất nghệ sĩ cả hai tác phẩm “Con cò” (Lưu Hà An, “Lặng thầm một tình yêu” (Thanh Bùi) thì Vũ Thùy Linh đón nhận những luồng ý kiến trái chiều khi thể hiện “Trên đỉnh phù vân” (Phó Đức Phương) khi có ý kiến cho rằng xuất sắc, đầy chất lửa, thì lại có ý kiến cho rằng thiếu phần tinh tế. Trong khi bài thứ hai “Để Mị nói cho mà nghe” thì lại nhận được những lời khen ngợi từ NSND Quang Thọ. Chung cuộc Tống Khang giành giải Nhất, Thùy Linh giải Nhì, 2 giải Ba thuộc về hai thí sinh còn lại. 

Những tài năng mới từ cuộc thi “Giọng hát hay sinh viên Hà Nội mở rộng” 2022 - ảnh 3
Tống Khang- giải Nhất dòng nhạc nhẹ 

Có thể nói 11 gương mặt chung kết hoàn toàn có thể trở thành những nghệ sĩ bổ sung cho đời sống âm nhạc trong tương lai. Nhất là những giọng hát như Phạm Tống Khang, Hoàng Anh Tú, Vũ Thùy Linh, Đặng Thị Thùy Dương Vũ Tiến Dũng... Nghệ sĩ Đỗ Hương Giang, thành viên BGK chia sẻ: “Lẽ ra chung kết có 15 thí sinh nhưng cuối cùng chỉ còn 11, trong khi để giữ chất lượng chuyên môn cho cuộc thi ban tổ chức quyết định không bổ sung những tấm vé vớt mà vẫn giữ nguyên con số 11 này”. Lý do thiếu hụt thí sinh so với kế hoạch là bởi lẽ ra chung kết đã được tổ chức trong năm 2021 nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên tới thời điểm này mới có thể thực hiện được. Song, hiện tại đã có môt số em không thể tham gia được do đã tốt nghiệp và chuyên vào Nam hoạt động hay đang có những việc đặc biệt không thể tham gia. 

PGS.TS. Đào Đăng Phượng, hiệu trưởng ĐH SP Nghệ thuật trung ương gửi lời cảm ơn tới các cấp chính quyền, ngành y tế và toàn xã hội đã có kế hoạch chống dịch tốt nên mới có điều kiện để tổ chức chung kết cuộc thi trực tiếp như thế này. Đồng thời ông cũng khẳng định “cuộc thi là sân chơi bổ ích cho những sinh viên đam mê ca hát của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đây cũng là dịp để các thí sinh rèn luyện bản lĩnh, tài năng, là khởi đầu để các em trưởng thành và tự tin bước tới những sân khấu lớn hơn trong nước, khu vực và trên thế giới.

P.V

Tin cùng chuyên mục