NSND Hoàng Dũng: Trở về giữa yêu thương!

Chia sẻ

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng đã đi xa nhưng những cống hiến của ông cho nghệ thuật nước nhà sẽ sống mãi trong lòng công chúng và những người yêu nghệ thuật.

Ông Phương trong Ông Phương trong "Trở về giữa yêu thương" là vai diễn cuối cùng của NSND Hoàng Dũng

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đã qua đời ngày 14/2/2021, hưởng thọ 65 tuổi. NSND Hoàng Dũng, tên đầy đủ là Hoàng Tiến Dũng, sinh năm 1956, tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội năm 1978, sau đó về công tác tại Đoàn Kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Suốt cuộc đời gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội, ông từng giữ cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 2002, Giám đốc Nhà hát từ năm 2007 đến khi về hưu năm 2017. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) năm 2007.

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, NSND Hoàng Dũng đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau ở cả sân khấu, điện ảnh, lẫn truyền hình. Trên sân khấu kịch, ông có thể đảm đương nhiều vai diễn thuộc các thể loại khác nhau như: vai hài, vai bi, vai chính, vai phụ...

NSND Hoàng Dũng nổi lên từ nhân vật PGĐ Chính trong vở “Tôi và chúng ta” của Đoàn Kịch Hà Nội. Sau đó là loạt vai diễn ấn tượng như: vai Cả Khoa trong “Cát bụi”, bác sĩ trong “Bình minh đó trái tim anh”, thầy Khóa trong “Thầy khóa làng tôi”, Lãm trong “Hà Nội đêm trở gió”, Hai Hùng trong “Ăn mày dĩ vãng”, Bá Nhỡ trong “Tiếng đàn vùng mê thảo”…

Không chỉ khẳng định khả năng diễn xuất, NSND Hoàng Dũng còn là đạo diễn dàn dựng nhiều vở diễn sân khấu. Sau khi nghỉ hưu, ông cộng tác với Nhà hát Kịch Việt Nam dựng vở “Nguồn sáng trong đời” - kịch bản của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Trong lĩnh vực điện ảnh, tuy tham gia không nhiều nhưng các vai diễn của NSND Hoàng Dũng lại rất đáng nhớ như vai Khổng trong phim “Tướng về hưu”. Gần đây, vai Vĩnh Nghị trong phim “Gái già lắm chiêu V”- vai diễn điện ảnh cuối cùng của nghệ sĩ - phim hiện vẫn chưa công chiếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ở lĩnh vực truyền hình, NSND Hoàng Dũng tham gia khoảng 20 phim, số lượng cũng không quá nhiều so với sản nghiệp của một diễn viên, song đều là những vai diễn ấn tượng như: vai Thái, một trùm ma túy trong phim “Cuồng phong”, ông thể hiện xuất sắc vai diễn hai mặt của một “ông trùm” ma túy đa nghi sống trong vỏ bọc một doanh nhân có trách nhiệm với xã hội; vai Chủ tịch tỉnh Đinh Xuân Ân trong phim “Đàn trời”. Ông đặc biệt “gây bão” với vai Phan Quân trong “Người phán xử”. “Người phán xử” Phan Quân đến nay được xem là vai diễn phim truyền hình hay nhất của NSND Hoàng Dũng. Với vai Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa trong phim “Sinh tử”- một vai diễn khó vì vừa phải thể hiện sự tham vọng quyền lực, nhiều toan tính của Chủ tịch tỉnh, lại vừa là một ông bố trách nhiệm, giàu tình thương, dùng mọi cách để bảo vệ con trai…

Ông Phương trong “Trở về giữa yêu thương” là vai diễn cuối cùng của NSND Hoàng Dũng, phim đang phát sóng trên VTV1. Khi đang quay phim, ông phải nhập viện điều trị. Ban đầu ông bị đau lưng, lan xuống chân khiến đi lại khó khăn. Khi ra mắt phim “Trở về giữa yêu thương”, NSND Hoàng Dũng phải nhờ người dìu lên sân khấu.

Trong nghề, NSND Hoàng Dũng là một diễn viên chuyên nghiệp, diễn mà như không diễn, vào vai nhân vật rất đời, rất thật và lột tả được đầy đủ tính cách, nội tâm của nhân vật… Không chỉ giỏi nghề, NSND Hoàng Dũng còn là một người nghệ sĩ có nhân cách đáng kính, được nhiều thế hệ nghệ sĩ yêu mến, kính trọng. Ông mất đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với khán giả và đồng nghiệp.

Theo NSND Công Lý, NSND Hoàng Dũng là người mà anh vô cùng tôn trọng từ nghề nghiệp đến cách sống. Anh kể: “Tôi cũng ảnh hưởng từ anh Dũng rất nhiều. Hầu như những vai diễn tôi đạt Huy chương Vàng đều là từ các vở diễn do anh Dũng dàn dựng”.

NSND Hoàng Cúc bày tỏ: “Có nhiều điều để nhắc về Dũng, nhiều vai đóng đinh mà chỉ có Dũng là thăng hoa hết gần 50 năm khóc cười cho bao số phận... Vẫn thấy văng vẳng đâu đây tiếng đàn mê thảo”.

Theo di nguyện của NSND Hoàng Dũng những ngày cuối đời: Đám tang của ông được tổ chức giản dị, kín đáo, không bi lụy. NSND Hoàng Dũng đã tận hiến không biết mệt mỏi đến những ngày cuối đời. Ông đã “sống giữa yêu thương” và sẽ “trở về giữa yêu thương” của gia đình, đồng nghiệp và khán giả.

NGUYÊN VŨ

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.