Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Nam Phong
Chia sẻ

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.

Những tác phẩm đồng hành cùng lịch sử kháng chiến chống Mỹ

Điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm với những tác phẩm không chỉ mang giá trị nghệ thuật, mà còn là bản trường ca hùng tráng về lòng yêu nước, tinh thần hy sinh và khát vọng độc lập dân tộc. Trong suốt những năm tháng chiến tranh khốc liệt, phim ảnh không đơn thuần chỉ là phương tiện giải trí mà trở thành một mặt trận tuyên truyền, một công cụ ghi lại lịch sử sống động, phản ánh chân thực tâm tư, tình cảm và cuộc chiến của cả một dân tộc.

Một trong những bộ phim tiêu biểu cho dòng phim chiến tranh giai đoạn này là “Cánh đồng hoang” (1979) của đạo diễn Hồng Sến. Tác phẩm đã đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam và mang về giải thưởng quốc tế lớn tại Moskva. Không có những trận đánh hoành tráng, nhưng với câu chuyện về hai cha con sống trên đồng nước trong vùng bị Mỹ rải chất độc màu da cam, bộ phim đã lặng lẽ khắc họa nỗi đau chiến tranh từ góc nhìn nhân bản sâu sắc.

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào  - ảnh 1
Phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng.

Không thể không nhắc đến “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984) – bộ phim được giới phê bình quốc tế đánh giá là một trong những phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Dưới bàn tay đạo diễn Đặng Nhật Minh, câu chuyện về một người phụ nữ quê mùa che giấu tin chồng hy sinh để giữ gìn nụ cười cho người cha già đã trở thành biểu tượng cho sự hy sinh thầm lặng, cho nỗi đau riêng hòa vào nỗi đau chung của dân tộc. Trong phim có phân cảnh phiên chợ âm dương, và câu nói của nhân vật Nam (chồng của nhân vật Duyên) gây ám ảnh: “Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc/ Chỉ có những người còn sống mới có thể làm được điều đó/ Anh đã làm xong phần việc của mình rồi/ Cái còn lại mãi mãi là cái không bao giờ nhìn thấy được”. Những câu nói đầy triết lý ấy của một người đã hy sinh trên chiến trường, chính là điều mà NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh muốn gửi gắm qua phân cảnh này…

Trong dòng phim chiến tranh chống Mỹ, không thể không kể đến các bộ phim như: “Biệt động Sài Gòn” - bộ phim dài tập hiếm hoi khai thác cuộc chiến đấu ngầm trong lòng thành phố – nơi những chiến sĩ biệt động vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt;  “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1972) của đạo diễn Hải Ninh, hay “Em bé Hà Nội” (1974) của Hải Ninh – những tác phẩm lay động lòng người, phản ánh sự tàn khốc của chiến tranh từ góc nhìn của phụ nữ và trẻ thơ. “Em bé Hà Nội” với hình ảnh cô bé mồ côi lang thang giữa thành phố đổ nát sau trận bom B-52 đã trở thành một biểu tượng xúc động về nỗi đau chiến tranh. Trong khi đó, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” lại khắc họa cuộc sống và tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân vùng giới tuyến. Ngoài ra còn một số bộ phim luôn khiến khán giả tự hào như: “Biệt động Sài Gòn”, “Mẹ vắng nhà”, “Nổi gió”, “Chung một dòng sông”… Mỗi tác phẩm đều rất đặc sắc, như một cuốn sử bằng ngôn ngữ điện ảnh. 

Đặc biệt, những bộ phim chiến tranh trong giai đoạn này thường được sản xuất trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, kỹ thuật còn đơn sơ. Tuy nhiên, với tinh thần sáng tạo không mệt mỏi và lòng yêu nước sâu sắc, các đạo diễn, biên kịch, diễn viên đã tạo nên những tác phẩm “đồng hành cùng lịch sử”.

Mạch nguồn phim chiến tranh đang trở lại đầy tự hào

Bước sang thời bình, điện ảnh Việt Nam dần chuyển mình mạnh mẽ, với nhiều đề tài đa dạng, gần gũi hơn với đời sống hiện đại. Tuy nhiên, dòng phim chiến tranh – dù không còn chiếm vị trí trung tâm – vẫn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Không chỉ là ký ức cần gìn giữ, những tác phẩm chiến tranh trong bối cảnh mới còn là lời nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay về một thời cha anh đã sống, chiến đấu và hy sinh.

Những bộ phim chiến tranh trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây ghi dấu ấn có thể kể đến: “Mùi cỏ cháy” (2011) của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười và Vũ Đình Thân, tác phẩm dựa trên cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, về chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Phim “Đừng đốt” dựa trên cuốn nhật ký cùng tên của Đặng Thùy Trâm, được nữ bác sĩ viết từ năm 1968 cho tới trước hai ngày khi chị hy sinh vào năm 1970, do Đặng Nhật Minh đạo diễn (2009); “Người viết huyền thoại” (2013) do Bùi Tuấn Dũng đạo diễn khai thác chân dung Thiếu tướng Đinh Đức Thiện – người đã góp phần làm nên tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn kỳ diệu, bảo đảm hậu cần cho toàn chiến trường miền Nam; “Đường thư” (2005) do Bùi Tuấn Dũng đạo diễn, là bộ phim đi sâu vào những khía cảnh nhỏ nhặt trong nhiệm vụ và cuộc sống của người, đặc biệt là quân bưu.

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào  - ảnh 2
Một cảnh trong phim “Mưa đỏ”.

Tuy nhiên, cũng có thể thấy ở những năm này, các phim chiến tranh không được sản xuất liên tục, đôi khi khán giả đón nhận không được mặn mà khiến dòng phim chiến tranh hơi ảm đạm, gây tiếc nuối. Phải đến hồi năm ngoái khi bộ phim “Đào, phở và Piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn gây “sốt” trong khán giả mọi thế hệ, và thời điểm này là phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên gây “chấn động” mạng xã hội, đã cho thấy một sự chuyển mình rất bất ngờ của phim chiến tranh. Phim “Địa đạo” lấy cảm hứng từ hệ thống địa đạo Củ Chi huyền thoại – đã tái hiện cuộc sống chiến đấu dưới lòng đất, nơi những con người nhỏ bé đã làm nên kỳ tích lớn lao. Sử dụng công nghệ làm phim hiện đại, kỹ xảo chỉn chu, ngôn ngữ điện ảnh trẻ trung, bộ phim đã tiếp cận được cả thế hệ khán giả mới, đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng qua một cách kể chuyện sinh động và kịch tính hơn.

Chính cơn sốt của “Địa đạo” khiến khán giả đang háo hức chờ đợi bộ phim chiến tranh tiếp theo có tên “Mưa đỏ” của nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền. Những ngày gần đây, teaser hé lộ những cảnh đầu tiên của bộ phim khiến khán giả không khỏi hồi hộp chờ đợi vì hình ảnh quá công phu, thể hiện đến tột cùng sự tàn khốc của chiến tranh nơi thành cổ Quảng Trị, nơi phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Đây là dự án phim chiến tranh có quy mô lớn nhất do Điện ảnh quân đội thực hiện trong 10 năm trở lại đây. Điểm đặc biệt của phim là phim trường được tái hiện lại chân thực phỏng theo di tích thành cổ Quảng Trị. Dự kiến phim sẽ được công chiếu vào đúng dịp Quốc khánh 2/9/2025, hứa hẹn góp phần “thổi bùng” lên dòng phim cách mạng, thu hút khán giả mọi thế hệ. Nam diễn viên Phương Nam vào vai nhân vật Tạ cho biết, khi tham gia bộ phim, những điều “Mưa đỏ” mang lại còn vượt qua cả sự tưởng tượng của anh về trận chiến tại thành cổ Quảng Trị. Đó là những cảm nhận về tình đồng chí, đồng đội, sự gắn bó, tri kỷ của các nhân vật, đời sống tinh thần rất đỗi lạc quan của người lính. “Và hơn hết, còn có một giá trị to lớn mà tôi cảm nhận được, đó là tình yêu nước mãnh liệt, niềm tự hào về Tổ quốc và dân tộc”- nam diễn viên bày tỏ.

Với những thành quả trong thời gian gần đây, có thể thấy dòng phim chiến tranh Việt Nam hôm nay không còn chỉ là tái hiện, mà đang từng bước hiện đại hóa cả nội dung và hình thức thể hiện. Dù tiếp cận bằng góc nhìn mới, đề tài chiến tranh vẫn luôn mang trong mình sứ mệnh: Không để ký ức bị lãng quên, không để sự hy sinh bị mờ nhạt trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Đó cũng là một phần trách nhiệm lịch sử của điện ảnh Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hoa hậu Lương Thùy Linh tái hiện hình ảnh phụ nữ kiên cường qua tà áo bà ba Nam bộ

Hoa hậu Lương Thùy Linh tái hiện hình ảnh phụ nữ kiên cường qua tà áo bà ba Nam bộ

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Hoa hậu Lương Thùy Linh đã thực hiện một bộ ảnh đặc biệt với tà áo dài trắng tinh khôi và áo bà ba Nam Bộ xưa, nhằm tái hiện lại hình ảnh người phụ nữ miền Nam – những bà, mẹ, chị đã âm thầm góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương trong những năm tháng chiến tranh.
Ra mắt MV “Việt Nam đón mừng Vesak” chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2025

Ra mắt MV “Việt Nam đón mừng Vesak” chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2025

(PNTĐ) - MV ”Việt Nam đón mừng Vesak” là tâm huyết mà nhạc sĩ – ca sĩ Diệu Đan đã ấp ủ và thực hiện gấp rút trong thời gian 5 ngày. Cảnh quay chính của MV được ghi hình tại 2 địa điểm chính là chùa Quán Sứ và chùa Tam Chúc (Tỉnh Hà Nam), và một số cảnh quay tại các chùa, tự viện ở khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Minishow “Linh Bộ Đội” – Hành trình nối dài ngọn lửa Rock Đỏ và tình yêu Tổ quốc

Minishow “Linh Bộ Đội” – Hành trình nối dài ngọn lửa Rock Đỏ và tình yêu Tổ quốc

(PNTĐ) - Sau 15 năm kể từ ngày phát hành album Bộ Đội – dự án đầu tiên tại Việt Nam Rock hóa nhạc đỏ – Thái Thùy Linh sẽ trở lại sân khấu với một đêm nhạc đặc biệt mang tên Linh Bộ Đội. Minishow sẽ diễn ra vào ngày 3/5 tại Polygon Music, Hà Nội, ngay sau đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước.
OPlus trẻ hóa nhạc đỏ, sáng tác về Bác Hồ với tâm thế người trẻ

OPlus trẻ hóa nhạc đỏ, sáng tác về Bác Hồ với tâm thế người trẻ

(PNTĐ) - Dự án âm nhạc mang tên #VN1945 của nhóm Oplus vừa ra mắt đã nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của khán giả với cách hát nhạc cách mạng mới mẻ, trẻ trung. Đặc biệt, tâm nguyện thực hiện một dự án có mở đầu nhưng không có… kết thúc, nối dài mãi tình yêu nhạc đỏ của nhóm được đông đảo nghệ sĩ, khán giả hưởng ứng.