Phim Thái sư Trần Thủ Độ: Chờ đợi, thất vọng và… hy vọng

Chia sẻ

PNTĐ-Cuối cùng thì bộ phim tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí và ồn ào một thời gian dài trên dư luận cũng đã được lên sóng, sau gần 3 năm “đắp chiếu”...

 
Chờ đợi
 
Phim truyền hình dài hơn 30 tập “Thái sư Trần Thủ Độ” được chờ đợi “xem cho biết”, vì đó là bộ phim ngốn nhiều tiền của Nhà nước nhất từ trước tới nay. Khoản kinh phí khổng lồ khoảng 2 tỉ đồng/tập phim khiến ai cũng phải dừng lại một chút để suy nghĩ, so sánh với những bộ phim truyền hình giá bèo bọt hiện nay. Nhưng, sự chờ đợi còn bởi ở Việt Nam rất hiếm phim dài tập về lịch sử được đầu tư công phu như thế.
 
Có ý kiến cho rằng, giá như phim được chiếu đúng thời điểm khi cả nước còn đang tưng bừng chào đón và sống trong không khí hào hùng của 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, thì biết đâu sẽ được đón nhận dễ dàng hơn? Đến thời điểm này, người xem đón nhận nó như mọi bộ phim truyền hình khác, ngoại trừ đây là phim truyền hình về đề tài lịch sử. Và cũng chính lúc này người xem xem với tinh thần khắt khe hơn, soi xét kỹ hơn và… tìm ra nhiều sạn hơn.
 
Phim Thái sư Trần Thủ Độ: Chờ đợi, thất vọng và… hy vọng - ảnh 1
Cảnh trong phim giống hệt phim Trung Quốc
 
Thất vọng!
 
Không phải chỉ đến bây giờ, “Thái sư Trần Thủ Độ” mới khiến nhiều khán giả thất vọng, mà ngay từ ngày còn trên phim trường, những hình ảnh của phim đã khiến khán giả xôn xao khi trang phục, cảnh sắc quá giống… phim Tàu. Phần lớn sự giống này nằm ở những cảnh quay trong triều đình. Toàn bộ màu sắc, phục trang của vua, hoàng hậu, quan quân đều na ná những bộ phim dã sử Trung Quốc.
 
Thế nên, nếu chỉ đi lướt qua màn hình, hẳn là nhiều người sẽ nhầm to đó là phim Trung Quốc. Cũng là mũ cánh chuồn đó, nếu để nguyên thì không sao, nhưng trang hoàng thêm kim tuyến vàng vàng là lại giống “người ta” rồi. Đặc biệt là áo nâu sồng đơn sơ của người dân thường khơi gợi lại chút quá khứ của cha ông xưa. Ngay cả cách ngồi trong cung cũng hơi hướng Trung Quốc, Hàn Quốc với chiếc bàn nhỏ trước mặt. May mắn là những cảnh quay ngoại cảnh thì trang phục và hồn núi sông của Việt Nam hiện lên rõ rệt hơn và dễ chịu hơn.
 
Bộ phim quy tụ khá nhiều diễn viên gạo cội, diễn xuất cũng ổn nhưng đặt vào trong bối cảnh triều chính, khán giả có cảm giác như đang xem kịch, toàn bộ các yếu tố tâm lý bị đẩy lùi, trong khi đã là phim, thì điều hấp dẫn khán giả chính là những diễn biến tâm lý sâu sắc. Mặc dù, mở đầu phim có dòng chữ “Lịch sử phụ thuộc vào cách nhìn”, tức là nhà làm phim có thể có những cách nhìn khác biệt, và có thể để nhân vật được “sống” đúng đời sống tâm lý của họ, nhưng, sự khô cứng trong câu chuyện, diễn xuất, ngay cả lời thoại cũng bị “giao thoa” giữa lịch sử và hiện đại,  đã khiến phim nhận nhiều “đá” của những người yêu điện ảnh.

Hy vọng…  
 
Trên nhiều diễn đàn, công chúng yêu điện ảnh đã bình luận rất nhiều về bộ phim này, chứng tỏ họ có quan tâm, có xem và mong muốn được bày tỏ những suy nghĩ về một bộ phim có nội dung lịch sử như  “Thái sư Trần Thủ Độ”. Và điều này cũng chứng tỏ thêm rằng, khán giả Việt có quan tâm đến phim lịch sử Việt, nhất là những vấn đề có nhiều góc nhìn lịch sử khác nhau. Đây rõ ràng là một hy vọng cho phim ảnh đề tài lịch sử khi đi tìm khán giả cho mình.
 
Lịch sử nước ta có hàng nghìn năm xây dựng, bảo vệ và phát triển. Bề dày đó cùng hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện dã sử là nguồn đề tài phong phú, giàu có để các nhà làm phim tha hồ sử dụng. Các bộ môn nghệ thuật truyền thống trên vẫn khai thác và khai thác mãi cũng chưa hết các đề tài lịch sử, thì chắc chắn không có lý do gì phim ảnh không tiếp tục “xông” vào mảng đề tài hấp dẫn này…
 
Diên Vĩ

Tin cùng chuyên mục

Carnaval Hạ Long 2025: Đêm hội của di sản

Carnaval Hạ Long 2025: Đêm hội của di sản

(PNTĐ) - Tối qua (1/5), Chương trình Carnaval Hạ Long 2025 với chủ đề 'Kết nối Di sản - Tiên phong tỏa sáng' diễn ra tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Sự kiện thu hút hàng vạn người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Hành trình kiến tạo bản sắc và khát vọng đổi mới

Hành trình kiến tạo bản sắc và khát vọng đổi mới

(PNTĐ) - Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị – hành chính của cả nước mà còn là trái tim văn hóa, nơi nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc. Trong hành trình đó, văn học, nghệ thuật Thủ đô đã khẳng định vai trò đặc biệt trong việc bồi đắp tâm hồn, định hình bản sắc con người Hà Nội, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.