Siết chặt quản lý phim Việt “ xé rào” đi thi

Chia sẻ

Thời gian gần đây, nhiều bộ phim Việt Nam chưa được cấp phép phổ biến đã được nhà sản xuất đưa ra nước ngoài “thi chui” tại các liên hoan phim, thậm chí “ẵm” nhiều giải thưởng. Những nhà làm phim này bất chấp quy định pháp luật, chấp nhận chịu phạt sau khi đi thi quốc tế.

Ảnh: Phim Vị gây đau đầu trước tình trạng “xé rào” đi thi quốc tếẢnh: Phim Vị gây đau đầu trước tình trạng “xé rào” đi thi quốc tế
“Xé rào” đi thi

Vị, Ròm… là những bộ phim trong thời gian qua đã bị cơ quan quản lý Nhà nước “tuýt còi” vì những lý do như chưa được cấp phép phổ biến vẫn ra nước ngoài tham dự liên hoan phim. Gây xôn xao dư luận là lệnh cấm phim Vị được phổ biến tại Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, quyết định này được ban hành vì tác phẩm không phù hợp với văn hóa Việt Nam, vi phạm điều cấm của Luật Điện ảnh. Trước đó, phim Vị cũng đã bị Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VHTTDL) xử phạt 35 triệu đồng khi tự ý tham dự Liên hoan Phim Berlin 2021 khi chưa được cấp phép phổ biến. Cũng ở Liên hoan này, Vị đã đoạt giải Đặc biệt ở hạng mục Encounters - hạng mục dành cho phim đầu tay, quan điểm mới của Liên hoan Phim Berlin.

Chính việc có giải tại Liên hoan Phim Berlin nhưng về trong nước lại không được cấp phép phổ biến đã khiến Vị là một bộ phim được nhắc đến nhiều trong những ngày qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia điện ảnh thì ở bất cứ sân chơi nào, các tác phẩm tham gia cũng đều cần tuân thủ pháp luật. Trong khi đó, Luật Điện ảnh hiện hành quy định “phim tham dự LHP quốc tế, hội chợ phim quốc tế, những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh, hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình”. Việc tự ý “xé rào” của Vị đương nhiên bị cơ quan quản lý “tuýt còi”, chưa kể những thông điệp, ẩn ức, hình ảnh trong phim được Hội đồng thẩm định đánh giá không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Hình ảnh Việt Nam được đưa ra ngoài thế giới không phải là một vóc dáng hùng cường, tươi sáng mà rất u tối, bế tắc.
Trước phim Vị, phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy cũng gây xôn xao vì chuyện đi dự thi ở nước ngoài khi chưa được cấp phép phổ biến trong nước. Đơn vị sản xuất Ròm là Công ty CP sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film) đã gửi tác phẩm tới Liên hoan Phim Quốc tế Busan 24, trong khi một tuần sau đó mới đưa Ròm trình duyệt với Cục Điện ảnh. Tại Liên hoan Phim này, Ròm đã giành giải thưởng cao nhất - New Currents. Sau đó, trải qua nhiều công đoạn, cuối cùng thì Ròm cũng đã được cấp phép phổ biến.

Đáng nói là, Vị, Ròm không phải là những trường hợp đặc biệt của điện ảnh Việt Nam. Ngày càng nhiều nhà làm phim độc lập tự gửi phim dự giải quốc tế khi chưa có giấy phép phổ biến theo quy định của Luật Điện ảnh, cho nên rất dễ xảy ra tình trạng phim đoạt giải ở xứ người, nhưng về nước không được chiếu.

Theo giới chuyên môn, lý do của tình trạng này là hiện nay, nhiều LHP quốc tế tuyển phim trực tiếp với các cá nhân, đơn vị mà không thông qua cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là Cục Điện ảnh. Chính vì thế, không ít đơn vị sản xuất, đạo diễn mang phim đi dự thi, công bố ở nước ngoài trước, sau đó mới về nước xin cấp phép phổ biến và phân loại phim. Nhiều đơn vị sản xuất, đạo diễn còn “xé rào” với suy nghĩ, “đem chuông đánh xứ người” vẻ vang mới quay về là một “chiêu” PR gây tiếng vang hoàn hảo. Tuy nhiên, việc vi phạm pháp luật là điều không thể dung thứ, nhất là với những sản phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục.

Nâng cao tính răn đe

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nêu quan điểm, phim được đưa ra ngoài biên giới cần được sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng để đảm bảo rằng bộ phim không xúc phạm dân tộc, đất nước, không xúc phạm thể chế. “Vì sự khác biệt văn hoá cho nên một bộ phim được phổ biến ở quốc gia này lại không được phép phổ biến ở đất nước khác là bình thường. Ví dụ như phim có ý xúc phạm tôn giáo có thể làm bùng nổ những mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế, gây thiệt hại cho cả hai phía”- bà Nhã nói.

Phim Vị bị cấm chiếu không chỉ bởi cảnh khỏa thân chiếm dung lượng lớn tới hơn 30 phút, mà còn ở chỗ hình ảnh phụ nữ Việt Nam hiện lên nhếch nhác, bệ rạc một cách khó hiểu. Phim có nhiều hình ảnh phản cảm gây ức chế. Sự mạnh mẽ, vươn lên của người Việt Nam không hề thấy trong phim, chỉ thấy sự bế tắc, yếu ớt, đáng thương. Theo một số ý kiến của các thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, nếu Vị được cấp phép thì chắc chắn tỉ lệ phản đối từ khán giả còn cao hơn rất nhiều khi phim bị cấm chiếu. Vấn đề đặt ra ở đây là, một bộ phim được giải ở liên hoan phim nước ngoài, trong khi không được cấp phép phổ biến trong nước đã cho thấy những bất cập cần khắc phục.

Một cách sòng phẳng thì việc được giải ở một hạng mục của liên hoan phim quốc tế không có nghĩa là Vị đáp ứng đủ tiêu chí luật định để được công chiếu trong nước, nhất là khi những yếu tố về thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống đã không được đảm bảo.

Trên thực tế, nhiều giải thưởng tại một số liên hoan phim Âu, Mỹ muốn khuyến khích điều khác lạ, những góc tối, góc khuất ở các nền điện ảnh khác. Vị dù được giải đặc biệt ở hạng mục Encounters, dành cho phim đầu tay, quan điểm mới của Liên hoan Phim Berlin. Tuy nhiên giải phim xuất sắc lại thuộc về tác phẩm khác. Giải thưởng đặc biệt của Hội đồng giám khảo dành cho Vị chỉ tương đương giải khuyến khích.

“Có nhiều phim được giải quốc tế chưa chắc được hội đồng trong nước đánh giá cao, bởi mỗi nền văn hóa có giá trị chuẩn mực khác nhau”- ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh nói. Mặt khác, tác phẩm của các nhà làm phim độc lập, với quan điểm mới mẻ trong điện ảnh, dù được trao giải tại các hạng mục ở một số liên hoan phim quốc tế thì cũng cần được đón nhận một cách phù hợp với bối cảnh, tâm lý cuộc sống Việt Nam.

Trước thực tế này, nhiều ý kiến nhấn mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng siết chặt bằng các biện pháp quản lý. Hiện nay, theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định: Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi phổ biến phim chưa được phép phổ biến. Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả quy định buộc tiêu hủy băng, đĩa hoặc những vật liệu chứa nội dung phim đối với hành vi này; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi. Tuy nhiên, mức xử phạt này được đánh giá là chưa đủ sức nặng và tính răn đe.

Trong khi đó, nhìn sang một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... các hành vi vi phạm như phát hành và chiếu phim chưa có giấy phép; thay đổi nội dung phim sau khi có giấy phép phổ biến, phát hành và phổ biến; cung cấp phim chưa được cấp phép phổ biến tham gia liên hoan phim... đều có mức xử phạt rất nặng. Hoặc, tùy mức độ vi phạm, ngoài xử phạt hành chính còn có thể đình chỉ hoạt động nghề nghiệp, tiêu hủy thiết bị sản xuất để tăng tính răn đe. Đây là những kinh nghiệm thiết thực mà Việt Nam nên học tập

 SONG MY

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.