Sự hoà quyện giữa truyền thống - văn hiến trong không gian sáng tạo đương đại tại Bảo tàng Hà Nội
(PNTĐ) - Nhân Lễ hội thiết kế sáng tạo 2024, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra chương trình Tọa đàm “Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại”. Tọa đàm có sự hiện diện của các chuyên gia, các nhà văn hóa, các nhà quản lý; chia sẻ về những nét độc đáo của văn hóa Hà Nội được thể hiện trong mạng lưới các không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội.
Ngày 12/9/2024, UBND Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch số 266/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024 - 2025. Thực hiện kế hoạch này, ngày 15/10/2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ban hành văn bản số 734/KH-SVHTT về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo. Những động thái tích cực này cho thấy sự chuyển mình của thành phố đối với việc xây dựng và phát triển các không gian văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô.
Buổi tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả, khách mời: TS. Nguyễn Quang, kiến trúc sư, nhà quy hoạch và quản lý đô thị với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm quy hoạch và quản lý đô thị/nông thôn, phát triển hạ tầng, nhà ở cho người thu nhập thấp, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản, kế hoạch đầu tư đa ngành, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương; Ths Phạm Minh Quân, nhà nghiên cứu nghệ thuật, giảng viên Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa; Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội; GS.Viện sĩ Họa sĩ Ngô Xuân Bính, tác giả của không gian triển lãm gốm nghệ thuật “Hiện Linh”.
Qua các ý kiến của các vị chuyên gia, các nhà quản lý cho thấy được phần nào những giá trị độc đáo của văn hóa Hà Nội qua mạng lưới không gian sáng tạo đang được triển khai. Qua đó, hiểu hơn những giá trị này và quy mô của mạng lưới không gian sáng tạo Thủ đô, hướng đến Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024-2025. Cùng với đó là những nhận định về sự chuyển dịch của dòng chảy văn hóa Hà Nội và những yếu tố có tác động lớn nhất đến sự chuyển dịch này.
Các diễn giả đã phân tích, đánh giá về những thay đổi cơ bản về định hướng văn hóa Thủ đô khi Kế hoạch số 266/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội được triển khai. Đồng thời, bàn luận về những yếu tố truyền thống trong không gian sáng tạo và nhận thức của người trẻ. Các diễn giả đã giúp công chúng thấy rõ hơn về sự kết nối giữa thế hệ trẻ và văn hóa truyền thống của Hà Nội thông qua các hoạt động sáng tạo, đưa ra các kiến nghị làm sao để các hoạt động trong không gian sáng tạo của bảo tàng giúp lan tỏa giá trị văn hóa Thủ đô ra các vùng miền khác, và thậm chí là quốc tế.
Với bối cảnh Hà Nội ngày càng phát triển, làm sao để giữ được nét truyền thống trong không gian sáng tạo mà không bị “hòa tan” bởi các yếu tố hiện đại. Qua những chia sẻ của các vị chuyên gia, toạ đàm cho thấy những giá trị văn hoá của Hà Nội đang thực sự được làm sống dậy qua các không gian sáng tạo nhờ sự kết hợp giữa những giá trị truyền thống và yếu tố hiện đại.
Các diễn giả cũng chỉ ra rằng, không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô. Cùng với đó là những thách thức đối với Bảo tàng Hà Nội để tăng cường sức hấp dẫn của các hoạt động sáng tạo và thu hút nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Và khi Di sản văn hóa của Hà Nội không ngừng phát triển, Bảo tàng Hà Nội có định hướng gì trong việc cập nhật và làm mới không gian sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của công chúng trong tương lai.
Nằm trong chuỗi kế hoạch hoạt động của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo, sáng ngày 10/11/2024 sẽ diễn ra Triển lãm gốm nghệ thuật “Hiện Linh” của GS.VS Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính tại không gian sáng tạo ngoài sân vườn của Bảo tàng Hà Nội.
Triển lãm giới thiệu gần 200 tác phẩm gốm điêu khắc lần đầu được ra mắt của GS.VS Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính với những cách thể hiện, công nghệ mới chưa xuất hiện tại bất kỳ một cuộc triển lãm nào tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất trong chuỗi các hoạt động tại không gian sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội, hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.
Triển lãm nhận được sự bảo trợ và đồng hành của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội; được các nhà chuyên môn, nghệ sĩ tên tuổi đánh giá cao như: nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, họa sĩ lão thành Lê Ngọc Hân…
Hoạt động lao động sáng tạo nghệ thuật mà đặc biệt với các tác phẩm gốm điêu khắc lần này của GS.VS Họa sĩ Ngô Xuân Bính cũng chính mạch nguồn không ngừng nghỉ mà họa sĩ muốn gửi gắm trong suốt nhiều năm qua, nhằm mục đích góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của gốm Việt; nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông ngàn đời xưa; gắn kết, lan tỏa các giá trị truyền thống và hiện đại; tạo dựng không gian sáng tạo mới, đưa mỹ thuật đến gần với đời sống.
Triển lãm gốm “Hiện Linh” chính thức khai mạc vào ngày 10/11/2024 đến hết ngày 31/12/2025 tại Bảo tàng Hà Nội. Không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội với những hoạt động quy mô, ấn tượng như triển lãm “Hiện Linh” sẽ đem đến những điểm nhấn từ việc tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống được thông qua những không gian sáng tạo đương đại.