Hướng tới 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô:

Sự hoà quyện văn hóa Thăng Long- Hà Nội truyền thống và hiện đại

PGS.TS LÊ QUÝ ĐỨC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý và cả người dân bình thường khi nói về văn hóa Thăng Long - Hà Nội đều dùng những khái niệm có tính khái quát “Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn vật”. Các khái niệm đó đã nói đến nguồn vốn văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. Chỉ cần điểm qua một số yếu tố của nguồn vốn văn hóa (cũng là nguồn lực văn hóa) đã đủ thấy tiềm năng cho công nghiệp văn hoá Thủ đô lớn đến mức nào.

Bề dày nguồn vốn văn hoá truyền thống 

Thăng Long - Hà Nội là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc bộ - vùng diễn ra nhiều lễ hội nhất của cả nước. Lễ hội diễn ra quanh năm, đặc biệt là hai mùa xuân và thu, thời điểm nông nhàn của cư dân sản xuất nông nghiệp. Các lễ hội của Thăng Long - Hà Nội trong xã hội truyền thống có thể chia làm 3 loại: lễ hội liên quan đến sản xuất nông nghiệp (thờ cúng các vị thần nông nghiệp: thần đất, thần nước, thần núi, thần mây, thần mưa, thần mặt trời, thần sông nước...); lễ hội tôn vinh các anh hùng dân tộc, anh hùng làng xã có công đánh giặc, mở đất, giữ nước; lễ hội tôn giáo thờ các thần linh của các tôn giáo và các thần linh của tín ngưỡng dân tộc. 

Sự hoà quyện văn hóa Thăng Long- Hà Nội truyền thống và hiện đại  - ảnh 1
Lễ hội nổi tiếng của làng Triều Khúc còn duy trì và phát huy đến ngày nay.

Lễ hội của Thăng Long - Hà Nội có tầm ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh không chỉ của người dân ở đây mà còn có sự lan tỏa trong tinh thần của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ và ra cả nước. Có những lễ hội diễn ra trong không gian rộng lớn và thời gian kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng như lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức).

Theo tài liệu của Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thăng Long - Hà Nội có 1095 lễ hội lớn nhỏ, chiếm 13,79% lễ hội cả nước. Trong đó, 1070 lễ hội dân gian, 23 lễ hội tôn giáo, 2 lễ hội lịch sử; 04 lễ hội do cấp Thành phố quản lý (gồm lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội đền Đồng Nhân, lễ hội Thánh Gióng và lễ hội Chùa Hương). 

Lễ hội có vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đối với phát triển kinh tế, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch và dịch vụ, thu hút khách tham quan du lịch đến các lễ hội và các thiết chế văn hóa tâm linh. Lễ hội là dịp thúc đẩy sự tiêu thụ các hàng hóa dịch vụ và tiêu dùng các sản phẩm khác: ăn, ở, mặc, đi lại. Chẳng hạn, lễ hội Chùa Hương kéo dài từ ngày 6 tháng Giêng âm lịch đến ngày 15 tháng 3 âm lịch, thu hút từ 30 - 40 vạn người tham gia. Lễ hội đã tạo ra công ăn, việc làm cho hàng vạn người của huyện Mỹ Đức, tiêu thụ một khối lượng hàng hóa, dịch vụ và nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng. Nếu chúng ta biết tổ chức, khai thác lễ hội tốt, hàng nghìn lễ hộ sẽ đem lại một nguồn lợi kinh tế đáng kể. 

Phong tục, tập quán của người Thăng Long - Hà Nội truyền thống cũng như hiện đại rất phong phú và sinh động đã góp phần làm nên lối sống người Thăng Long - Hà Nội, đất kinh kỳ (Kẻ Chợ). Trong phần này, chúng tôi chỉ nói đến một số phong tục, tập quán làm nên lối sống thanh lịch, tình nghĩa của cư dân Thăng Long - Hà Nội đã và đang góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô với tư cách là một nguồn lực văn hóa. 

Phong tục, tập quán đặc trưng, tiêu biểu của người Thăng Long - Hà Nội là thanh lịch. Nói như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: “Do thu hút tinh hoa khắp miền đất nước, người Hà Nội đã tập trung được nhiều đức tính tốt đẹp của dân tộc mà đặc biệt là tính thanh lịch”4. Tính thanh lịch biểu hiện trong đời sống thành phong tục, tập quán, nếp sống thanh lịch “một lối sống đầy tính văn hóa”.

Phong tục, tập quán thanh lịch bộc lộ trong ngôn ngữ, cử chỉ, trang điểm, ăn mặc, giao tiếp, đi đứng, làm việc đều được chăm chút, cân nhắc, chỉnh tề, không buông tuồng, tùy tiện. “Đó là sản phẩm (văn hóa) đồng thời là động lực để người Thăng Long - Hà Nội sáng tạo ra những thành tựu rực rỡ về mọi mặt”5 như Nguyễn Vinh Phúc đã khẳng định. 

Ngày nay, Thủ đô Hà Nội đang phấn đấu thành một Thủ đô văn minh, hiện đại, giầu đẹp vì hòa bình, thiết nghĩ, phong tục, tập quán thanh lịch trong truyền thống vẫn được bảo tồn và phát huy như một nguồn lực tinh thần cao đẹp. 

Phong tục kết bạn, kết chạ của nhiều làng ở vùng nông thôn Thăng Long - Hà Nội xưa đến phong tục kết nghĩa giữa Hà Nội với các địa phương thời chiến tranh chống Mỹ và ngày nay là phong trào giao ước thi đua giữa Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước cũng là một sức mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. 

Sự hoà quyện văn hóa Thăng Long- Hà Nội truyền thống và hiện đại  - ảnh 2
Văn hoá truyền thống là sức mạnh của công nghiệp văn hoá Thủ đô.

Tập quán tốt đẹp của người Thăng Long - Hà Nội có ý nghĩa to lớn đối với cá nhân và cộng đồng cũng rất phong phú. Có ý nghĩa nhất là tập quán “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Biết ơn và tôn vinh người có công với quê hương, đất nước. Tục thờ cúng tổ tiên trong các gia đình, dòng họ, thờ cúng thần hoàng làng, tổ nghề, thờ những anh hùng dân tộc, những người có công đối với cộng đồng. Những phong tục, tập quán tốt đẹp “thuần phong, mỹ tục” đã và đang được phát huy trong đời sống cư dân Thủ đô để giáo dục đạo đức nhân sinh, để nâng cao lòng tự hào về truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội, từ đó góp phần giáo dục các giá trị cuộc sống, hoàn thiện nhân cách người Hà Nội hiện đại, văn minh, thanh lịch. 

Mảnh đất của văn chương, nghệ thuật 

Từ cuối thế kỷ XIX, một học giả phương Tây đã nhận xét về văn chương, nghệ thuật của Thăng Long - Hà Nội “là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, về kỹ thuật, thương nghiệp, sự giầu có, dân số đông đúc, lịch duyệt và học vấn” (De la Liraye - Paris 1884). 

Có thế nói văn chương của Thăng Long - Hà Nội là văn chương của cả nước được sáng tạo ở Thăng Long - Hà Nội và văn chương của chính người Thăng Long - Hà Nội, trải qua hàng chục thế kỷ đã tạo nên một kho tàng to lớn về tác giả, tác phẩm, về công chúng tiếp nhận và sự phát triển cao về nội dung và hình thức. 

Về văn chương dân gian, Thăng Long - Hà Nội có hàng nghìn tác phẩm đủ các thể loại: truyện thần thoại, truyện cổ tích, thần tích, các giai thoại, truyện tiếu lâm và ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, truyện thơ dài... Nội dung văn chương dân gian hết sức phong phú phản ánh lịch sử dựng nước, giữ nước, hình thành phát triển của vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, văn chương dân gian còn phản ánh đời sống lao động, sản xuất, đấu tranh xã hội, tâm hồn, tình cảm của nhân dân. Trong văn chương dân gian còn chứa đựng những tri thức, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm ăn, buôn bán của người nông dân, người thị dân.

Văn chương dân gian như một cuốn bách khoa thư về con người và xã hội của Thăng Long - Hà Nội trải qua lịch sử mấy nghìn năm qua. Ngày nay, văn chương dân gian vẫn được tiếp tục sáng tạo trong đời sống đô thị, vẫn được trao truyền trong nhân dân. Bởi văn chương dân gian vẫn còn có ý nghĩa tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục con người, thỏa mãn nhu cầu tinh thần cho nhân dân.

Văn chương dân gian cũng góp phần vào phát triển kinh tế một cách trực tiếp và gián tiếp: góp phần trao truyền kinh nghiệm sản xuất, quảng bá thương hiệu ngành nghề, động viên, khích lệ sự sáng tạo và niềm tự hào về con người và mạch đất Thăng Long - Hà Nội. Chẳng hạn, một câu thành ngữ “Giò Chèm, nem Vẽ”, “Cốm Vòng, chả Vọng” hay câu ca dao “Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây” đã nói đến thương hiệu và niềm tự hào về các sản phẩm của Thăng Long - Hà Nội. 

Sự hoà quyện văn hóa Thăng Long- Hà Nội truyền thống và hiện đại  - ảnh 3
Biểu diễn Chầu văn trên phố cổ- ảnh: TTXVN 

Về văn chương bác học, Thăng Long - Hà Nội là nơi sống và sáng tác của hầu hết các nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc trong mọi thời đại. Đồng thời cũng là nơi xuất bản, truyền bá các tác phẩm văn chương bác học nhiều triều đại phong kiến ở nước ta (Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc) và đặc biệt là thời cận, hiện đại của nước ta. Một vài con số thống kê sau đây, tuy chưa đầy đủ nhưng cũng đã nói lên mức độ phong phú, đa dạng văn chương bác học ở Thăng Long - Hà Nội: Thời Lý còn lại đến nay chừng 80 tác giả với khoảng 150 tác phẩm; Thời Trần với trên dưới 150 tác giả với hơn 1000 tác phẩm; Thời Lê với 300 tác giả để lại vài nghìn tác phẩm, riêng thời Lê sơ (thế kỷ XV) với 150 tác giả và hơn 1000 tác phẩm. 

Các tác giả nổi tiếng có thể kể đến Vạn Hạnh thiền sư, Lý Thái Tổ, Lý Nhân Tông, Không Lộ thiền sư (thời Lý); Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn (thời Trần); Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Thánh Tông, Lý Tử Tấn (thời Lê sơ); Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ (thời Mạc); Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương (thời Hậu Lê); Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan... (thời Nguyễn). Giá trị của văn chương thời đó còn mãi với thời gian, thấm sâu vào tâm thức người Thăng Long - Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô anh hùng và vì hòa bình hiện nay. 

Từ khi người Pháp thống trị nước ta, người Hà Nội đã tiếp nhận một nền văn chương mới, với tài năng sáng tạo những văn nghệ sĩ sống trên đất Hà Nội đã tạo ra một kho tàng thơ ca mới và tiểu thuyết hiện đại. Hàng chục những tên tuổi trong làng văn chương thời đó mãi mãi là niềm tự hào của người Thăng Long - Hà Nội như: Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, nhóm Tự lực văn đoàn... 

Sau cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hà Nội đã tập hợp được một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu, họ đã sáng tạo ra một nền văn chương cách mạng “tiên phong chống đế quốc”. Họ là những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hoặc công tác, sinh sống lâu dài ở Hà Nội, tiêu biểu như: Tố Hữu, Xuân Thủy, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Quang Dũng, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Lưu Quang Vũ (thơ); Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh... 

Các tác phẩm văn chương cách mạng, hiện đại đã phản ánh và góp phần xây dựng nên phẩm chất của con người Việt Nam nói chung và con người Hà Nội hiện nay - chủ nhân của Thủ đô anh hùng của chúng ta. 

Thăng Long xưa là thành phố “đứng đầu vương quốc về nghệ thuật” bởi sự đa dạng của các ngành nghệ thuật truyền thống vừa dân gian vừa bác học. Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ rõ nền nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội đã phát triển khá phong phú từ triều đại nhà Lý thế kỷ XI. 

- Âm nhạc với các làn điệu dân ca, hát chèo, hát ca trù, trống quân, sa mạc, chèo tàu... đến nhã nhạc cung đình đã ra đời từ thời Lý, Trần, Hồ, Lê khá phổ biến trong dân gian và cả tầng lớp quý tộc. 

- Múa được ghi lại từ thế kỷ XII: múa rối nước, rối que và rối bóng, múa Con đĩ đánh bồng (Triều Khúc), múa Bà Bông (Phú Xuyên), múa Cờ (hội Gióng), múa sư tử, múa Rồng... Người ta đã thống kê Thăng Long - Hà Nội có tới 50 điệu múa. 

- Diễn xướng: nghệ thuật chèo ra đời từ rất lâu trong các làng xã vùng Thăng Long, nghệ thuật Tuồng được tiếp nhận từ thời Trần vào Thăng Long. 

- Tranh, tượng ở Thăng Long - Hà Nội cũng phát triển rất sớm gắn với sự phát triển của Phật giáo. Sử sách đã ghi lại việc triều đình Lý - Trần cho vẽ tranh Phật, đúc tượng Phật, vẽ tranh chân dung các công thần có công chống giặc. Thời nhà Mạc, nhà vua sai vẽ tranh chân dung các vương công, tôn thất hoàng tộc. 

Tranh dân gian Hàng Trống với đề tài lịch sử: Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi... đạt trình độ cao, đặc sắc không thua kém tranh Đông Hồ. 

Sau này, khi người Pháp đưa nền hội họa hiện đại vào nước ta, mở trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, Hà Nội là trung tâm của nền mỹ thuật Đông Dương, nhiều họa sĩ nổi tiếng xuất hiện như Trương Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn... đã để lại một kho tàng tác phẩm nổi tiếng trong nước và quốc tế. 

Sự hoà quyện văn hóa Thăng Long- Hà Nội truyền thống và hiện đại  - ảnh 4
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam- nơi lưu giữ nhiều tác phẩm của các danh hoạ Hà Nội-  trung tâm của nền mỹ thuật Đông Dương

Nghệ thuật đúc, tạc tượng của Thăng Long - Hà Nội cũng đạt đến trình độ cao với đề tài tôn giáo tín ngưỡng có các tượng Phật, thượng thần thánh tại các đền, chùa ở nội và ngoại thành. Chẳng hạn, tượng các vị La Hán ở chùa Tây Phương, tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, tượng vua Lê ở Hồ Gươm... 

Nghệ thuật khảm trai, khảm xà cừ, dát vàng, gò đồng, nghệ thuật làm con rối, nghệ thuật nặn tò he rất đặc sắc. Nghệ thuật làm đồ gốm trang trí các công trình kiến trúc tại các đài, các cung điện trong Hoàng thành Thăng Long - một di sản văn hóa của thế giới. 

Ngày nay, nền nghệ thuật gốm trang trí đã phát triển với bức tranh gốm dài gần 400m trên đê sông Hồng đuợc ghi vào kỷ lục guinness của thế giới. Nghệ thuật gốm, sứ trang trí cùng với nền nghệ thuật điêu khắc, hội họa đã đạt được những giá trị mới trên con đường phát triển. 

Về kiến trúc Thăng Long - Hà Nội truyền thống và hiện đại cũng cần được ghi nhận. Các công trình thành quách, đài, các, đình, chùa, đền, miếu, khá phong phú. 

Di sản văn hóa tinh thần của Thăng Long - Hà Nội như một nguồn lực văn hóa quan trọng đó là các tri thức truyền thống (tri thức bản địa), công nghệ truyền thống của các nghề thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ. Trên đất Thăng Long - Hà Nội có khoảng 1350 làng nghề, phố nghề với 200 nghề truyền thống tinh xảo. 

Có thể nói, tất cả các di sản văn hoá phi vật thể truyền thống hoà với văn hoá, nghệ thuật đương đại là nền tảng để tạo thành nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí sẽ góp phần to lớn cho sự phát triển kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực xã hội của Thủ đô Hà Nội. 

Tin cùng chuyên mục

Tiết lộ lý do ca sĩ Phương Linh “ở ẩn” một thời gian dài

Tiết lộ lý do ca sĩ Phương Linh “ở ẩn” một thời gian dài

(PNTĐ) - Bước ra từ chương trình Sao Mai Điểm Hẹn 2005 với vị trí Á quân dòng nhạc nhẹ, Phương Linh nhanh chóng trở thành giọng ca được chú ý. Thế nhưng đến năm 2012, khán giả dường như thấy vắng bóng Phương Linh tại các sân khấu âm nhạc và cả phòng trà. Nhiều đồn đoán được đưa ra nhưng ít ai biết được rằng cô phải đối diện với việc bị tràn dịch khớp gối.
 Hà Nội phấn đấu 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa

Hà Nội phấn đấu 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa

(PNTĐ) - Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và những năm tiếp theo: 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 65% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; 75% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa…