Không hạn chế nguồn lực xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 26/6, tại kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) với sự nhất trí cao sự cần thiết của việc ban hành luật.

Xem xét quy định các loại hình, khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể 

Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quangcho rằng, dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của Luật hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những bất cập trong thực tiễn, ngoài ra dự thảo Luật đã lựa chọn luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật, làm tăng tính khả thi của Luật.

Không hạn chế nguồn lực xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - ảnh 1
Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang)

Về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (Điều 9), dự thảo Luật quy định các di sản văn hóa phi vật thể được hình thành, trao truyền trong quá trình lịch sử và thích ứng của cộng đồng chủ thể với môi trường tự nhiên, xã hội bao gồm 6 loại hình. Trong khi xuyên suốt từ Thông tư số 04 ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến Nghị định số 39 ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định về biện pháp quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách của UNESCO ghi danh và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đều quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 7 loại hình di sản. Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định các loại hình cũng như khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể trong dự thảo Luật đảm bảo phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành.

Về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (Điều 10), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nêu rõ cơ sở và sự phù hợp của mốc thời gian kiểm kê như dự thảo Luật. Vì theo đại biểu, với quy định mốc thời gian như vậy, trường hợp khi Luật có hiệu lực, từ năm 2025 các địa phương sẽ kiểm kê, đến năm 2030 lại tiếp tục kiểm kê, vậy Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tổng kiểm kê vào thời điểm nào, có đủ nhân lực để thực hiện kiểm kê hay không hay vẫn chỉ giao cho các địa phương thực hiện kiểm kê để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch?

Liên quan đến chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể (Điều 13), để đảm bảo tính khả thi của Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định cụ thể các tiêu chí, tiêu chuẩn được hỗ trợ các chính sách đãi ngộ của nhà nước, tránh trường hợp áp dụng tùy nghi. 

Bổ sung quy định quản lý đối với các di tích nằm giáp ranh giới giữa hai địa phương

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cho biết, dự thảo luật quy định nội dung về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu mang tính định hướng chính sách. Quy định như vậy sẽ rất khó khi triển khai trong thực tiễn, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách, cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ di sản của đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo luật.

Không hạn chế nguồn lực xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - ảnh 2
Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) 

Tại Điều 8 dự thảo luật quy định 13 hành vi nghiêm cấm, đại biểu cho rằng, bên cạnh các hành vi cấm được quy định tại dự thảo luật, có thể còn có các hành vi khác mà dự thảo luật chưa quy định. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một quy định tại Điều 8: “Các hành vi khác gây thiệt hại ảnh hưởng đến hoạt động di sản văn hóa”.

Tại Điều 28 của dự thảo luật, dại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định khoảng cách tối thiểu của các công trình xây dựng có khả năng ảnh hưởng đến di tích để có cơ sở thẩm định, đánh giá các hoạt động công trình xây dựng.

Dự thảo luật cũng quy định đầy đủ công việc quản lý bảo vệ khu vực 1 và 2 của di tích, tuy nhiên thực tiễn cho thấy hiện nay có khá nhiều di tích có giáp ranh giữa các hai địa phương với nhau. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định quản lý đối với các di tích nằm giáp ranh giới giữa hai địa phương.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan thống nhất việc lập một quy hoạch di tích đối với trường hợp di tích có khu vực bảo vệ một phần hoặc toàn bộ di tích của khu vực quốc gia rừng đặc dụng, bảo tồn khu biển để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Bổ sung tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công việc liên quan đến lĩnh vực lịch sử 

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, Điều 88 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm khuyến khích mở rộng việc tổ chức, cá nhân được tham gia và không hạn chế nguồn lực xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Không hạn chế nguồn lực xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - ảnh 3
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công việc liên quan đến lĩnh vực lịch sử cùng với các tổ chức, cá nhân như các hội trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ như dự thảo đã quy định tại khoản 1, Điều 88 đủ điều kiện tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Vì vậy, ngoài Hội Khoa học và công nghệ thì Hội Khoa học lịch sử từ Trung ương đến địa phương đã và đang tham gia tích cực các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như khi tiến hành các công việc giám định di vật, cổ vật. Tại Điều 39 dự thảo có quy định yêu cầu chuyên môn khi giám định có liên quan đến lịch sử niên đại của di vật, cổ vật, cho nên cần xem xét bổ sung nội dung này. 

Về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là những nhóm nhiệm vụ tu bổ, phục hồi, chống nguy cơ xuống cấp di sản mà còn phải quan tâm đến nhiệm vụ, giải pháp phát huy tốt nhất giá trị di sản, đồng thời thực hiện đầy đủ và trách nhiệm các biện pháp được cam kết về bảo vệ di sản văn hóa.

Quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân mở bảo tàng 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thời gian qua và tạo hành lang pháp lý kịp thời bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Không hạn chế nguồn lực xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - ảnh 4
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) 

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa góp ý, thứ nhất, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh và một số khái niệm liên quan đến di sản văn hóa nhưng chưa được giải thích, làm rõ trong dự thảo Luật như: “di sản hỗn hợp”, “di sản thiên nhiên, “di sản địa chất”,…

Thứ hai, về hoạt động của bảo tàng và chính sách đối với bảo tàng tư nhân được quy định tại Chương 5 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, đây là Chương mới, các nội dung có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của bảo tàng. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, hiện nay, chính sách cho bảo tàng ngoài công lập của nước ta đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và xu hướng phát triển, hành lang pháp lý đã có nhưng chưa rõ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến điều kiện, tiêu chí xếp hạng những bảo tàng ngoài công lập.

Đồng thời, các bảo tàng tư nhân gặp khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ và thiếu đội ngũ làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép hoạt động của bảo tàng ngoài công lập tại khoản 2 Điều 64 vẫn còn chung chung. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân mở bảo tàng đồng thời tạo sự thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý.

Tin cùng chuyên mục

Phường Xuân La (Tây Hồ) đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”

Phường Xuân La (Tây Hồ) đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”

(PNTĐ) - Chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Xuân La (23/11/1964 – 23/11/2024), ngày 23/11, phường Xuân La (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”. Đây là phường đầu tiên của quận Tây Hồ về đích “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”.