Sức bật mới của Sân khấu Thủ đô

Chia sẻ

Đúng vào dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, sân khấu Thủ đô bùng nổ nhiều tác phẩm mới và hoạt động sôi nổi sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội tưng bừng hoạt động trở lại.

Trại Hoa vàng của Nhà hát Tuổi Trẻ (Ảnh: NH)Trại Hoa vàng của Nhà hát Tuổi Trẻ (Ảnh: NH)

Ấn tượng những vở diễn mới

Lễ giỗ tổ sân khấu và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam tưng bừng tuần qua đã đánh dấu sự phục hồi hoạt động sân khấu của Thủ đô. Ngay sau đó, đồng loạt các chương trình nghệ thuật phục vụ thiếu nhi nhân dịp tết Trung thu tại các điểm diễn như Rạp xiếc Trung ương, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Múa rối Trung Ương, Nhà hát Múa rối Thăng Long… diễn ra làm sân khấu Thủ đô “nóng” trở lại. Song song với đó, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội tổ chức từ 26/9 - 4/10 tiếp tục “khuấy động” đời sống sân khấu Thủ đô với 13 vở diễn đặc sắc. Có thể nói, sau thời kỳ sân khấu “ngủ đông” quá lâu do Covid-19, lúc này bao nhiêu năng lượng đều đang được “bung” ra...

Một số vở diễn mới ra mắt vào tháng 10 đã thực sự tạo nên những bất ngờ. Đó là vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” được chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện. “Trại hoa vàng” là vở đầu tay của nữ đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết. Với ưu thế là ca sĩ, cựu thành viên của nhóm nhạc “Con gái”, Ánh Tuyết đã mang tới một hình thức thể hiện sân khấu mới lạ, hấp dẫn cho giới trẻ khi chọn hình thức nhạc kịch cho vở. Một không gian tràn ngập màu sắc rực rỡ, lung linh hoa lá, bên cạnh đó là sự trẻ trung, sôi động của âm nhạc và vũ đạo. “Trại hoa vàng” cũng đã được Thành đoàn Hà Nội “để mắt” tới, dự kiến đưa vào một dự án tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại các trường THCS, THPT trên địa bàn Thủ đô trong năm 2020.

Cùng thời điểm, vở “Trương Chi - Mị Nương” của Nhà hát Kịch Hà Nội, vở diễn đầu tay mà nhạc sĩ Phùng Tiến Minh làm đạo diễn, cũng là một điểm nhấn. Vở diễn là sự tổng hợp giữa các loại hình kịch nói, hát, múa, câu chuyện xưa nhưng góc nhìn và dàn dựng lại mang hơi thở đương đại khá hấp dẫn, thỏa mãn yếu tố nghe, nhìn cho khán giả. Sân khấu quay hiện đại của Rạp Công Nhân đã được ê kíp sáng tạo vở khai thác triệt để mang lại một hình thức sân khấu mới lạ, hấp dẫn, giúp khán giả cảm nhận rõ hơn về sự chuyển đổi không gian, thời gian một cách ấn tượng.

Đặc biệt, vở “Cây gậy thần”(Chử Đồng Tử và Tiên Dung) - vở diễn đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và xiếc đã khởi động, hứa hẹn là “bom tấn” của sân khấu Thủ đô. Vở diễn là kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, NSND Triệu Trung Kiên (cải lương) và NSND Tống Toàn Thắng (xiếc) là đồng đạo diễn. Kỳ vọng của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam ở tác phẩm này là tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và thử nghiệm để thu hút công chúng đến với sân khấu nhiều hơn...

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) cũng đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm trong thời gian tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thú vị là dàn diễn viên của “Những người khốn khổ” sẽ có cả các diễn viên nước ngoài tại Việt Nam. Việc thực hiện “Những người khốn khổ” sẽ tạo nên một dấu ấn cho nhà hát kịch Việt Nam nói riêng và sân khấu Thủ đô nói chung.

Sân khấu, nghệ sĩ đang dốc sức tạo “đột phá”

Dù phía trước còn nhiều khó khăn, sân khấu phía Bắc đang cho thấy một sức bật mới. NSƯT Phạm Chí Trung (Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) chia sẻ: “Tôi mừng vì các bạn diễn viên trẻ trong hoàn cảnh khó khăn vẫn kiên trì bám nghề, yêu nghề. Chính vì thế, Nhà hát phải có trách nhiệm bật sáng lên những ngọn đèn sân khấu. Mới khởi động lại, số lượng khán giả có phần chững nhưng nhờ chủ trương hỗ trợ kinh phí tổ chức biểu diễn các chương trình của Bộ VHTT& DL và sự tham gia của các nhà tài trợ mà nhiều chương trình đã được tổ chức miễn phí để kéo khán giả trở lại thói quen xem nghệ thuật”.

NSƯT Phạm Chí Trung cũng cho biết, các nghệ sĩ cũng rất nóng lòng mong sân khấu “sáng đèn” nên nhiều nghệ sĩ đã có danh như: Bảo Thanh, Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Duy Nam… tuy “đắt show” phim, sự kiện nhưng luôn sẵn lòng sắp xếp thời gian để được sống trong các vai diễn của Nhà hát.

Cố gắng xoay sở để sân khấu có thể luôn “sáng đèn” đòi hỏi những nỗ lực lớn của các nhà hát và nghệ sĩ trong giai đoạn này. NSƯT Trần Lực, Trưởng đoàn kịch Lucteam chia sẻ: “Dịch bệnh tác động đến mọi ngành, sân khấu càng khó khăn hơn bởi lâu nay đã rất vất vả trong việc cạnh tranh khán giả với các loại hình nghệ thuật giải trí khác. Chỉ có nghệ sĩ mới giải quyết được vấn đề khó khăn của sân khấu, phải tự làm mới mình để theo kịp khán giả”.

NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: “Việc “góp gạo thổi cơm chung” giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong vở diễn "Cây gậy thần" là một bước nhằm tạo đột phá cho sân khấu. Bởi, kéo được khán giả đến với sân khấu lúc này chỉ có tác phẩm chất lượng, đặc sắc”.

LƯƠNG NHI

Tin cùng chuyên mục

Vở kịch nói “Đối mặt” - một tác phẩm sân khấu mang nhiều giá trị nghệ thuật và ý nghĩa chính trị sâu sắc

Vở kịch nói “Đối mặt” - một tác phẩm sân khấu mang nhiều giá trị nghệ thuật và ý nghĩa chính trị sâu sắc

(PNTĐ) - Trong không khí hào hùng của tháng Tám lịch sử - mùa Thu Cách mạng, chào mừng 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025), 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật vở kịch nói “Đối mặt” - một tác phẩm sân khấu mang nhiều giá trị nghệ thuật và ý nghĩa chính trị sâu sắc.
Sức hút từ những gameshow “sao về quê”

Sức hút từ những gameshow “sao về quê”

(PNTĐ) - Gia đình Haha, Sao nhập ngũ, 2 ngày 1 đêm… loạt gameshow đưa nghệ sĩ về trải nghiệm đời sống thường nhật ở thôn quê đang trở thành món ăn tinh thần được khán giả đón nhận mạnh mẽ. Không phải mô hình mới nhưng vẫn trở thành xu hướng, vì sao “sao về quê” lại gây nghiện?
 Văn hóa, du lịch, thể thao 6 tháng đầu năm: Nhiều điểm sáng, chuyển biến tích cực

Văn hóa, du lịch, thể thao 6 tháng đầu năm: Nhiều điểm sáng, chuyển biến tích cực

(PNTĐ) - Sáng 17/7, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL và trực tuyến tới 34 điểm cầu tại 34 tỉnh, thành trên cả nước.
“Bút sắc, lòng son” – Trưng bày xúc động về ý chí người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù Hỏa Lò

“Bút sắc, lòng son” – Trưng bày xúc động về ý chí người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù Hỏa Lò

(PNTĐ) - Sáng 16/7, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Bút sắc, lòng son” nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), hướng tới chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025),