“Thương nhớ mười hai” - nỗi lòng yêu quê da diết.

Chia sẻ

PNTĐ-Từng trang sách của tập bút ký gần 250 trang đã nói thay biết bao tâm sự, trải nghiệm, tiếng lòng của những người lưu lạc phương xa nhớ về Hà Nội.

 
Tôi bước vào năm học lớp 7, mẹ mua tặng quyển sách “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng. Mẹ bảo “Đây là quyển sách mà con sẽ được học trong chương trình lớp 7 đấy”. Thật không ngờ quyển sách lại hấp dẫn tôi đến vậy.
 
“Thương nhớ mười hai” được nhà báo - nhà văn Vũ Bằng viết trong những năm tháng đất nước bị chia cắt, tác giả là một chàng trai Hà Nội đã phải sống xa Hà Nội yêu dấu, sống trong vòng kiểm soát của Mỹ-ngụy. Nhà văn đã gửi vào những trang sách nỗi niềm thương nhớ da diết về quê hương, gia đình và lòng mong mỏi đất nước hòa bình, thống nhất. Những tình cảm ấy được thể hiện qua nỗi nhớ mọi cảnh sắc thiên nhiên, phố xá và cuộc sống hằng ngày của Hà Nội. Những cảnh vật ấy mang vẻ đẹp riêng biệt và bản sắc văn hóa tinh tế, độc đáo của một vùng đất nước và cũng là của dân tộc.
 
Với ngòi bút tài hoa, Vũ Bằng đã chuyển vào tập tùy bút “Thương nhớ mười hai” qua mười hai tháng của tiết trời, của tự nhiên tất cả những gắn bó, trải nghiệm, cảm nhận và yêu thương về cảnh, về người của Hà Nội, của Bắc Việt (miền Bắc Việt Nam), gợi lên những nét riêng, độc đáo không thể xáo trộn. Từng trang sách của tập bút ký gần 250 trang đã nói thay biết bao tâm sự, trải nghiệm, tiếng lòng của những người lưu lạc phương xa nhớ về Hà Nội.
 
Trong 13 bút ký về 12 tháng và về Tết cổ truyền của dân tộc trong “Thương nhớ mười hai”, thì tôi đặc biệt thích thú bút ký Vũ Bằng viết về tháng Giêng - “Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt”. Đây cũng chính là tác phẩm mà SGK lớp 7 trích đoạn với tựa đề “Mùa xuân của tôi” mà khi được học, tôi đã mê mẩn đọc đi đọc lại đến thuộc lòng từng đoạn văn, từng câu văn tài hoa, từng cảm nhận tinh tế của tác giả. Tôi bỗng thấy mê say mùa xuân hơn khi đọc Vũ Bằng. “Cái mùa xuân thần thánh của tôi nó làm cho người ta muốn phát điên lên như thế đấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ ti ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh. Cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta cũng dường như trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá… Đẹp quá đi mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến”.
 
“Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt” cùng với 12 bút ký trong “Thương nhớ mười hai” quả thực làm cho người đọc day dứt trước những cảm nhận, những nồi niềm của người xa xứ với những hoài niệm, yêu thương dành cho đất và người trong tâm khảm. Từng trang sách của “Thương nhớ mười hai” chắc chắn đã nói thay tâm sự, trải nghiệm, tiếng lòng của những người lưu lạc phương xa nhớ về Hà Nội dấu yêu. Có lúc tôi đã ngồi nghiền ngẫm và nghĩ rằng, anh trai tôi đang du học ở nước ngoài, nhiều lúc cũng đã nhớ về Hà Nội với những phố xá, hàng cây, Hồ Gươm, Hồ Tây, rồi những món ăn độc đáo trên những quang gánh rất riêng của Hà Nội mà các bà các chị vừa gánh vừa rao, ăn rồi thấy không thể nào quên được. Và có lẽ sau này khi tôi đi học hay đi làm đâu đó xa Hà Nội, tôi sẽ cũng mang theo nỗi nhớ và tình yêu da diết với Hà Nội như Vũ Bằng. Và có lẽ, quyển sách này sẽ là một phần hành trang không thể thiếu, theo tôi, để chia sẻ với tôi những khi tôi nhớ Hà Nội đến nôn nao...
 
Nguyễn Trần Thảo Anh
Lớp 7A-THCS Lê Ngọc Hân, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Carnaval Hạ Long 2025: Đêm hội của di sản

Carnaval Hạ Long 2025: Đêm hội của di sản

(PNTĐ) - Tối qua (1/5), Chương trình Carnaval Hạ Long 2025 với chủ đề 'Kết nối Di sản - Tiên phong tỏa sáng' diễn ra tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Sự kiện thu hút hàng vạn người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Hành trình kiến tạo bản sắc và khát vọng đổi mới

Hành trình kiến tạo bản sắc và khát vọng đổi mới

(PNTĐ) - Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị – hành chính của cả nước mà còn là trái tim văn hóa, nơi nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc. Trong hành trình đó, văn học, nghệ thuật Thủ đô đã khẳng định vai trò đặc biệt trong việc bồi đắp tâm hồn, định hình bản sắc con người Hà Nội, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.