Tinh tế nghề sơn mài hạ thái

Chia sẻ

PNTĐ-Nhắc đến sơn mài không thể không nhắc đến làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. Đây là làng nghề sơn mài trứ danh duy nhất ở Hà Nội với lịch sử hàng trăm năm.

 
Tinh hoa nghề Việt
 
Tinh tế nghề sơn mài hạ thái - ảnh 1

 
Làng nghề sơn mài Hạ Thái có niên đại khoảng 300 năm và từng có thời gian phát triển rất rực rỡ. Theo như nghệ nhân Vũ Huy Mến (Phó Chủ tịch Hội nghệ nhân làng nghề Hạ Thái) thì tổ nghề là cụ Đinh Công Thành, người làng Duyên Trường, Thường Tín, tuy nhiên người có công nâng tầm sơn mài Hạ Thái lên tầm nghệ thuật là cụ Đinh Văn Thành hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc là Cả Thiều.
 
Cụ là người đã đưa chất liệu mới vào làm sơn mài khi còn đang là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, các chất liệu đó đến ngày nay được cho là “xương sống” của nghệ thuật sơn mài, có thể kể đến như vỏ trứng, vỏ trai, con điệp, cách tạo màu son óng, men rạn…Ngoài ra, cụ Cả Thiều còn là người mang tranh sơn mài đầu tiên ra thế giới mà cụ thể là những năm đầu thế kỷ 20 tại Pháp.
 
Thời gian đầu khi sơn mài lấn sân sang nghệ thuật, tranh sơn mài khó có thể cạnh tranh được với tranh sơn dầu do tranh sơn mài khá kén người xem và công đoạn làm tranh phức tạp hơn. Người xem tranh sơn mài phải hiểu được các lớp lang bên trong của tranh, đó là ký ức, tay mài, tâm hồn và sự công phu của người nghệ nhân.
 
Để làm ra một bức tranh sơn mài hay đơn giản là một đồ dùng có trang trí tranh sơn mài phải trải qua rất nhiều công đoạn kỹ thuật. Nếu chiếu theo đúng quy trình truyền thống thì phải trải qua tới 12 công đoạn, các công đoạn mang tính liên hoàn và chỉnh thể, không được làm xáo trộn các công đoạn và rút ngắn thời gian thì sản phẩm làm ra mới đẹp và bền bỉ với thời gian.
 
Người nghệ nhân ở Hạ Thái thường dùng sơn dầu làm từ hạt điều trộn với đất phù sa sông Hồng theo một tỷ lệ đã được quy ước để tạo xương nền cho sản phẩm. Các loại sơn mài truyền thống thường chỉ dùng cốt nền tre, gỗ thì hiện nay cốt có thêm gốm, sứ và sành, vì thế mà cũng tạo ra nhiều sản phẩm gia dụng nhiều hơn. Nước men của sơn mài chủ yếu lấy từ cây sơn, một loại cây chỉ mọc ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Nhựa của cây sơn rất độc vì thế mà lúc pha chế phải hết sức cẩn thận, dân gian thường có câu “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người” chính là để ám chỉ tính độc của cây sơn.
 
Khi đã đầy đủ nguyên liệu thì sẽ đến bước làm vóc, nghệ nhân sẽ lấy lá mít để mài mịn lớp gỗ được chít bằng sơn và mùn cưa, các lớp sơn đều phải được mài rất kỹ. Sau khi mài xong, mang tấm vóc ủ trong phòng kín nơi có độ ẩm thích hợp. Ủ xong, tấm vóc tiếp tục được quét lớp sơn thứ 2 để tạo thêm độ bền, bóng và phải đầy đủ 12 lớp sơn.
 
Trên cốt thường được gắn vỏ trứng đầu tiên vì sau mỗi lớp mài vỏ trứng có một màu tự nhiên, nghệ nhân gắn trứng thường xuyên phải kiểm tra độ sáng tối của vỏ trứng, chỗ cần rạn to, chỗ rạn nhỏ, chỗ màu sẫm, màu nhạt…điều này vừa cần sự sáng tạo của người họa sĩ vừa cần sự khéo tay của thợ lành nghề.
 
Nghệ nhân Vũ Huy Mến cho biết, sơn mài có lối vẽ rất đặc trưng mà chúng tôi gọi là vẽ chì mài da, việc này phải tay làm mắt nhìn miệng nói thì mới hiểu hết được. Trong sơn mài, khâu mài chính là vẽ, vẽ chính là mài. Mài là một nghệ thuật phải hết sức khéo léo nếu không cẩn thận có thể mài hỏng bất cứ lúc nào.
 
Phát huy giá trị làng nghề
 
Tinh tế nghề sơn mài hạ thái - ảnh 2

 
Ngoài việc kế thừa các mẫu và phương pháp độc đáo của tổ nghề để lại, ngày nay thế hệ nghệ nhân trẻ của Hạ Thái còn sáng tạo ra nhiều mẫu mã đẹp, phương pháp mới và đặc biệt là gần gũi hơn với đời sống như bình hoa, bát, khay, con giống…các sản phẩm truyền thống như đồ thờ, hoành phi, câu đối…được làm chi tiết hơn và bền bỉ hơn với thời gian. Sự óng ánh của sắc màu và uyển chuyển của họa tiết đã làm cho sơn mài Hạ Thái gây ấn tượng mạnh với nhiều du khách quốc tế.
 
Tuy vậy, so với thời kỳ hoàng kim thì làng nghề Hạ Thái bây giờ vẫn không thể sánh bằng cho dù làng được công nhận là 1 trong 7 điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội. Các làng nghề khác như Bát Tràng, Vạn Phúc…thu hút được đông du khách quốc tế hơn vì giao thông thuận lợi và sự truyền thông mạnh mẽ, đa dạng về cách thức. Với Hạ Thái thì 2 điều này còn hạn chế.
 
Theo ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng thôn Hạ Thái cho biết: Hạ Thái nằm ở ven đê sông Hồng nên giao thông không được thuận lợi lắm, tuyến xe buýt gần nhất cũng cách làng 2km, hơn nữa nhiều người lầm tưởng sơn mài chỉ là để vẽ tranh nhưng thực ra làm rất nhiều đồ gia dụng. Làng lại chưa có khu trưng bày sản phẩm nên du khách vào làng rồi lại ra mà không hề biết mình đang đi trong làng nghề rất đặc sắc.
 
Ông Thi mong muốn rằng, các cơ quan quản lý tạo thêm điều kiện để quảng bá hình ảnh sản phẩm làng nghề đi khắp năm châu, hỗ trợ cho xây dựng một khu trưng bày sản phẩm và thiết kế xe buýt tới làng để thuận tiện cho du khách tham quan. Điều này sẽ là cú hích lớn để người dân bám nghề, lớp trẻ ham học hỏi và sáng tạo hơn nữa, kinh tế người dân ổn định và có thêm nguồn thu nhập từ dịch vụ du lịch làng nghề.
 
Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề là một câu chuyện không phải là mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Giữ làng nghề không chỉ là giữ kế sinh nhai cho người dân mà còn là giữ là một phần bản sắc dân tộc, đây vừa là mục tiêu vừa là động lực để các cơ quan chức năng, nghệ nhân, người dân cùng đồng lòng, chung tay bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề để nét tinh hoa sơn mài Hạ Thái vươn xa, bền vững trên thế giới.
 
 
Công Thành

Tin cùng chuyên mục

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…
Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.