Tình trạng đốt vàng mã đã giảm trong mùa lễ hội 2023
(PNTĐ) -Năm nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp quản lý cũng như của chính các cơ sở thờ tự tôn giáo, tình trạng “xếp hàng” đốt vàng mã đã giảm hẳn. Tư duy đi lễ của người dân, phật tử cũng dần thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Thay đổi từ nhận thức
Nói về việc đốt vàng mã, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, không thể phủ nhận, đốt vàng mã có những ý nghĩa tích cực nhất định. Bởi, đó là phương tiện kết nối âm dương, là sự chăm sóc của người sống với người đã khuất, thể hiện sự hiếu lễ của con cháu với tổ tiên, thần linh. Tuy nhiên, nếu đốt quá nhiều với quan niệm đốt càng nhiều càng có lộc lại hoàn toàn sai lầm. Việc không đốt vàng mã là hoàn toàn hợp lý với giáo lý nhà Phật và đời sống hiện nay.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Bảo Nghiêm nhận định, việc đốt vàng mã hoàn toàn không được ghi lại trong bất cứ kinh điển Phật giáo nào, dù là kinh điển Nam truyền hay Bắc truyền. Tuy nhiên, đối với các dân tộc Á Đông, Trung Quốc và Việt Nam, ảnh hưởng của phong tục tập quán đốt vàng mã đã có từ rất lâu. Do đó, để thay đổi nhận thức của người dân về thói quen này, vẫn cần phải có thêm thời gian để thay đổi nhận thức người dân.
Để tiếp tục tuyên truyền người dân đi lễ văn minh, chuẩn bị cho mùa lễ hội 2023, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Thiện Nhơn đã có thông báo về tổ chức nghi lễ cầu nguyện bình an trong dịp Tết cổ truyền xuân Quý Mão. Thông báo đề nghị các chùa, đền, cơ sở tôn giáo và tăng ni thực hiện tổ chức tụng kinh cầu an và thuyết giảng về ý nghĩa luật nhân quả của Phật giáo, tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt. Bên cạnh đó, khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu an cần phải nghiêm túc đảm bảo sự trang nghiêm, tiết kiệm, đồng thời tránh các hoạt động mê tín dị đoan, không đốt vàng mã cũng như tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo.
Để áp dụng vào thực tiễn
Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều chùa, đền đã thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích phật tử, du khách hạn chế đốt vàng mã.
Ghi nhận thực tế tại chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội), tình trạng người dân đốt vàng mã đã giảm hẳn, các phật tử tới chùa chỉ mang theo lễ là hương, hoa, quả và gần như không còn tình trạng chờ đợi để đốt vàng mã. Nói về sự thay đổi này thầy Thích Thanh Tâm, trụ trì chùa Vàng cho biết, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, ý thức của người dân, du khách tới tham quan, lễ chùa đã được cải thiện rõ rệt, người dân không còn đốt nhiều vàng mã làm ảnh hưởng tới khu di tích nữa. Có được kết quả này cũng là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của các tăng ni trong chùa đã tích cực giảng giải, giáo hóa để bà con nhân dân hiểu về nguồn gốc, những tác động của việc đốt vàng mã trong các buổi thuyết pháp, nói chuyện tại chùa.
Tại cụm di tích Đình - Chùa - Bia Bà La Khê, tình trạng đốt vàng mã cũng giảm hẳn, theo đại diện Ban Quản lý khu di tích, mặc dù trong những ngày đầu năm, lượng người tới tham quan, vãn cảnh, đi lễ tại khu di tích đông nhưng không có tình trạng đốt vàng mã tràn lan nhờ Ban Quản lý khu di tích đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền bằng loa, đặt các bảng nội quy ở nhiều khu vực trong khu di tích.
Tương tự tại nhiều ngôi chùa lớn ở Hà Nội như chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Bằng (Linh Tiên Tự), tình trạng đốt vàng mã cũng giảm hẳn. Năm nay, nhiều chùa ở Hà Nội chỉ thực hiện nghi thức cầu an, do đó, một lượng lớn vàng mã được đốt dịp đầu năm, nhất là dịp dâng sao giải hạn được hạn chế, giảm lãng phí, ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ cháy nổ. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, đây cũng là một cách tích công đức cho bản thân và những người thân yêu.