Tình yêu Hà Nội sâu sắc qua một cuộc thi

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” do báo Hànộimới tổ chức không chỉ dừng lại với ý nghĩa một cuộc thi mà còn cho thấy một tình yêu Hà Nội sâu sắc…

Thôi thúc viết về tình yêu Hà Nội

Tham gia Cuộc thi, nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ, tuy anh không sinh ra và lớn lên ở Thủ đô, nhưng anh đã trưởng thành và gắn bó sâu sắc với Thủ đô, yêu Thủ đô từng góc phố, hàng cây. Và đó là động lực thôi thúc anh viết về Hà Nội gửi dự thi để được giãi bày lòng mình với Hà Nội.

Phát biểu tổng kết cuộc thi, nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết, mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian không dài, nhưng cuộc thi đã lan tỏa sâu rộng, tạo sân chơi bổ ích cho những người viết chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước; thu hút hàng trăm tác giả là những cây bút nổi tiếng, như Thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Hồng Thái; các nhà văn, nhà báo Trần Chiến, Vũ Công Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến, Hoài Hương, Phong Điệp, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Văn Học…; các chuyên gia, nhà nghiên cứu tên tuổi như PGS.TS Trần Viết Lưu; Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương; nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long… và nhiều cây viết trẻ có nhiều triển vọng với những góc nhìn đầy mới mẻ về Hà Nội...

Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, bên cạnh những cây bút chuyên nghiệp, cuộc thi còn có sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ tác giả không chuyên là những cựu chiến binh, sĩ quan quân đội, công an, luật sư, giáo viên, sinh viên, học sinh.

Tình yêu Hà Nội sâu sắc qua một cuộc thi  - ảnh 1
Hình ảnh tái hiện đoàn quân về tiếp quản Thủ đô 70 năm trước gây xúc động trong nhân dân những ngày qua 

Đặc biệt, có nhiều tác giả đồng thời là những nhân chứng sống của một thời kỳ lịch sử vẻ vang, hào hùng của đất nước và Thủ đô. Tiêu biểu là tác giả Phạm Văn Chương năm nay đã 90 tuổi, chiến sĩ pháo cao xạ 37 ly thuộc Trung đoàn Pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tá Nguyễn Trấn, 89 tuổi, cựu chiến binh Trung đoàn Pháo cao xạ 367; hay Đại tá Hoàng Kim Hiên, nguyên Chính ủy Trung đoàn Thủ đô; Đại tá Dương Sơn Hà, nguyên Đội trưởng Đội Cán bộ địch vận mặt trận Gia Lâm (Hà Nội) năm 1954…

Cuộc thi còn thu hút được các tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, như Lai Châu, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Điều này đã cho thấy sức lan tỏa sâu rộng của cuộc thi cũng như sự quan tâm của độc giả, người viết đến Báo Hànộimới.

“Sự tham gia nhiệt tình cho thấy tình cảm và trách nhiệm với Hà Nội của các nhà văn, nhà báo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng tác viên cùng các cây bút không chuyên. Đặc biệt, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, với tinh thần trách nhiệm “vì tình yêu Hà Nội”, nhà báo Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Chương, 90 tuổi, từng là chiến sĩ lái xe kéo pháo cao xạ 37 ly thuộc Trung đoàn Pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia với tác phẩm “Mãi tự hào về hành trình chiến thắng” cho biết, những ngày này, trong ông, những ký ức ngày tiếp quản Thủ đô 10-10-1954 lại ùa về với cảm giác vui sướng, tự hào và tràn đầy kiêu hãnh. Ông tham gia Cuộc thi với mong muốn được kể lại câu chuyện của ngày đó, ngày mà các ông, những chiến sĩ mới chỉ mười tám, đôi mươi tràn căng nhiệt huyết cách mạng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và giành chiến thắng, trở về giải phóng Thủ đô.

Tình yêu Hà Nội sâu sắc qua một cuộc thi  - ảnh 2
Tình yêu về một Hà Nội ngàn năm văn hiến, oai hùng, kiêu hãnh, thanh lịch, lãng mạn được thể hiện qua các bài dự thi

“Từ những cảm xúc gợi nhớ đó, tôi đặt bút viết để kể về những ngày tháng oai hùng, góp phần nhỏ bé cùng Báo Hànộimới mở lại trang sử vô cùng hùng tráng, oanh liệt, để mọi người dân Thủ đô và cả nước cùng ôn lại, để chúng ta cùng tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng, tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập. Với niềm tự hào đó, tôi tin tưởng rằng, các thế hệ tiếp theo, đặc biệt là lớp trẻ, sẽ nối bước cha anh, thấm nhuần lịch sử dân tộc, viết tiếp những trang sử mới làm rạng danh dân tộc, rạng danh đất nước”- ông Chương bày tỏ.

Giáo dục truyền thống vẻ vang của Thủ đô

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” là một hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Tổng kết Cuộc thi, 20 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 14 giải Khuyến khích) vào chiều 7-10, tại Hà Nội.  

Có thể nói, đây là sự kiện thiết thực, đóng góp vào chuỗi hoạt động chung của thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Cũng là dịp tăng cường tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử vẻ vang của Thăng Long - Hà Nội, quảng bá về hình ảnh của Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, đang trên đà phát triển mạnh mẽ với khát vọng trở thành thành phố toàn cầu, nơi đáng đến và đáng sống; đồng thời khơi dậy tình yêu, khát vọng và trách nhiệm trong mỗi người Hà Nội cũng như người dân cả nước đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, các tác phẩm dự thi giúp người đọc được hòa mình vào những năm tháng hào hùng, sôi động của Hà Nội trước, trong và sau Ngày Giải phóng 10-10-1954. Đó là ký ức về hành trình trở về Thủ đô sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” với tác phẩm “Mãi tự hào về hành trình chiến thắng”. Đó là khoảnh khắc cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong được gặp Bác Hồ ở Đền Hùng, được Người lưu ý những “nguyên tắc” khi về tiếp quản Thủ đô và đặc biệt là lời căn dặn bất hủ “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (tác phẩm “Từ chiến trường Điện Biên Phủ về Thủ đô Hà Nội”). Đó là cuộc đấu trí đầy cam go với thực dân Pháp để ngăn chúng không phá hoại cơ sở vật chất của thành phố trước ngày tiếp quản (tác phẩm “Những ngày nóng bỏng trong lòng Hà Nội”)…

Đặc biệt, đó còn là ký ức tự hào trong ngày đoàn quân "trùng trùng như sóng” tiến về, là niềm hân hoan, hạnh phúc vô bờ của hàng vạn người Hà Nội khi Thủ đô sạch bóng quân thù, mở ra một cuộc đời mới, kỷ nguyên mới… Đó còn là những câu chuyện về một Hà Nội vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam; một Hà Nội kiên cường chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, rồi làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (tác phẩm "Điện phố”, “Tự hào vùng đất "phượng hoàng đỏ"”; “Khu Cháy - nơi tên đất, tên làng đi vào lịch sử”; “Nơi in dấu chân của những người chiến thắng”...

Tình yêu Hà Nội sâu sắc qua một cuộc thi  - ảnh 3
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, TBT báo Hànộimới đánh giá tổng kết cuộc thi

 Chiếm tỷ lệ khá lớn là chủ đề người Hà Nội với những vỉa tầng văn hóa sâu lắng, thấm đẫm tinh thần Hà Nội, nhân văn, nhân ái, sẻ chia như ở tác phẩm “Những mùa đông Hà Nội ấm áp”; “Nhà tôi ở đó”; “Khu tập thể Trung Tự: Một nhân chứng của lịch sử đô thị Hà Nội”; “Vượt qua cú sốc xóa bỏ bao cấp"... Những câu chuyện giản dị nhưng lấp lánh phẩm cách hào hoa, thanh lịch của người Hà thành có trong các tác phẩm “Chuyện ông bố nhà quê đưa con đi xin lỗi bạn”, “Người Hà Nội”, “Loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội”, “Tỏa rạng hào khí đất Thăng Long”, “Khí quyển niềm tin”... Đó còn là chân dung những con người đã và đang lặng thầm sáng tạo, cống hiến cho Thủ đô thêm giàu đẹp trong các tác phẩm “Đường Lâm có Phát”, “Một tấm lòng Hà Nội”...

Bên cạnh đó, có khá nhiều tác phẩm thuộc thể loại tản văn, là nỗi nhớ thành phố ngàn năm yêu dấu của những người con xa quê hương, là cảm xúc của những người phương xa từng có quãng thời gian sinh sống, học tập hay thậm chí chỉ một lần ghé qua Hà Nội… Những bài viết đầy ắp tình cảm mến yêu, thương nhớ càng cho thấy vẻ đẹp, sức hút, sức lan tỏa rất lớn của trầm tích văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Tình yêu Hà Nội sâu sắc qua một cuộc thi  - ảnh 4
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam (bìa phải) cùng ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam trao giải Nhất cho tác giả Đan Nhiễm với tác phẩm "Hiện thực hoá giấc mơ sông Hồng". Giải Nhất của Cuộc thi trị giá 30 triệu đồng. 

Đặc biệt, nhiều tác giả đã có sự đầu tư lao động báo chí, dụng công với những loạt bài phân tích, lý giải những vấn đề nóng đặt ra với Hà Nội, từ đó hiến kế, đề xuất giải pháp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thực sự là một thành phố đáng đến, đáng sống, như các tác phẩm “Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng”, “Sông Hồng và những nhịp cầu nối bờ vui”, “Để dòng Tô thắm xanh”, “Nỗ lực vì một Hà Nội “đẹp từng centimet”, “Hà thành, mỗi bước ta đi”...

Tình yêu Hà Nội sâu sắc qua một cuộc thi  - ảnh 5
Tình yêu Hà Nội sẽ luôn được tiếp nối lan tỏa đến các thế hệ 

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, thành viên Hội đồng chung khảo bày tỏ, cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” có ý nghĩa sâu sắc, góp phần nâng cao lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tình yêu đối với Thủ đô Hà Nội. Các tác phẩm dự thi đã thể hiện rất sống động câu chuyện của Hà Nội 70 năm qua, trong đó có cả những chuyện được chính nhân chứng lịch sử kể lại.

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm “Ký ức và niềm tin” lan tỏa những ký ức, kỷ niệm của các cựu chiến binh Việt Nam

Triển lãm “Ký ức và niềm tin” lan tỏa những ký ức, kỷ niệm của các cựu chiến binh Việt Nam

(PNTĐ) - Sáng 19/12/2024,  Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức chương trình “Ký ức và Niềm tin”. Chương trình hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)
Khai vấn trong từng hơi thở”: Cẩm nang cho những nhà khai vấn tỉnh thức, “dưỡng mình để giúp đời”

Khai vấn trong từng hơi thở”: Cẩm nang cho những nhà khai vấn tỉnh thức, “dưỡng mình để giúp đời”

(PNTĐ) - Cuốn sách “Khai vấn trong từng hơi thở” của chuyên gia khai vấn Ruby Nguyen vừa chính thức ra mắt giữa tháng 12 trong không gian yên bình bên hồ và rừng thông xanh mát của Đà Lạt. Cuốn sách là hành trình kỳ thú vào thế giới nội tâm mỗi người, dành cho những ai đang kiếm tìm sự bình yên, muốn tự khai vấn, muốn có được sự tự tin từ sâu thẳm bên trong.
Giá trị đặc biệt từ Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”

Giá trị đặc biệt từ Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”

(PNTĐ) - Chiều 18/12, Báo Nhân Dân đã tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Triển lãm ngợi ca những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và tôn vinh những vị tướng tài danh của đội quân “bách chiến bách thắng” nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024).
Trưng bày chuyên đề “Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm tự hào truyền thống anh hùng”

Trưng bày chuyên đề “Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm tự hào truyền thống anh hùng”

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo với chủ đề “Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm tự hào truyền thống anh hùng”.