Trao quyền để người trẻ được phát huy tài năng, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội luôn quy tụ tinh thần nhiệt huyết của các tài năng sáng tạo trẻ, đóng góp tâm lực, trí lực tạo ra các sản phẩm, công trình độc đáo, tổ chức nên những hoạt động sáng tạo đặc sắc.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay tiếp tục là nơi quy tụ các tài năng sáng tạo trẻ của Thủ đô đóng góp tâm lực, trí lực kiến tạo nên những công trình, hoạt động sáng tạo phục vụ nhu cầu tham quan của công chúng Thủ đô, “thắp lửa” cho hoạt động sáng tạo của Thành phố phát triển. Từ các công trình kiến trúc, các cuộc trưng bày – triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động cộng đồng, tọa đàm – hội thảo... đều có dấu ấn của những người sáng tạo trẻ. Thậm chí là những tổ hợp có quy mô lớn như “đại triển lãm” Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng được tổ chức, điều phối của những tài năng trẻ như nhóm giám tuyển Lê Thuận Uyên, Vân Đỗ, Phạm Minh Hiếu. Hay cả chương trình khai mạc hoành tráng, bao trùm trong cả không gian rộng lớn, quy tụ nhiều nghệ sĩ gạo cội cũng được đạo diễn bởi nhóm nghệ sĩ trẻ Nguyễn Quốc Hoàng Anh và Nguyễn Đinh Nguyên…

Lê Thuận Uyên, Vân Đỗ, Phạm Minh Hiếu là những cái tên khá quen thuộc với giới trẻ, bởi phong cách nghệ thuật độc đáo và khả năng dám nghĩ, dám dấn thân tạo nên các sản phẩm nghệ thuật khác biệt, thuyết phục được người yêu nghệ thuật. Là những nghệ sĩ trẻ đã gắn bó nhiều năm với Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Lê Thuận Uyên, Vân Đỗ, Phạm Minh Hiếu tiếp tục đồng hành với mùa lễ hội năm nay trong vai trò giám tuyển các hoạt động trưng bày, triển lãm tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Trao quyền để người trẻ được phát huy tài năng, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô  - ảnh 1
Giám tuyển Vân Đỗ - trưởng nhóm Nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024

Cả ba nghệ sĩ đều tâm sự rằng, đến với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 là một cơ duyên và đến với đại triển lãm “Cung Thiếu nhi: Hoài niệm cho tương lai” như một sự thử thách. Bởi làm sao để biến một công trình đầy hoài niệm với các thế hệ thiếu nhi Thủ đô thành một không gian sáng tạo nghệ thuật của Hà Nội không đơn giản, vừa không làm mất đi giá trị của quá khứ gắn với ký ức cộng đồng của bao người, mà vẫn đủ “mới” và hấp dẫn cho thế hệ “mầm non” kế cận cùng vui và được thỏa sức sáng tạo ở Cung Thiếu nhi dịp Lễ hội. Từ tình yêu, lòng đam mê nghệ thuật, sự trân trọng với những ký ức xưa cũ của Hà Nội, ba giám tuyển đều say mê làm việc trong suốt 6 tháng trước Lễ hội, bất kể ngày đêm, mong muốn góp sức cho sức sáng tạo của Lễ hội, của thành phố.

Đạo diễn hai hoạt động lễ khai mạc và lễ diễn hành chính là nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh và Nguyễn Đinh Nguyên. Bị thuyết phục bởi tính đặc thù của Lễ hội trong quá trình phát triển ngành sáng tạo ở Hà Nội, nhất là các cấp ngành ở Hà Nội tạo ra một không gian mang trạng thái hợp tác xã đồng sáng tạo như Lễ hội, tạo ra sự đặc trưng và thú vị nên hai nghệ sĩ rất hào hứng khi tham gia. Không những thế những ý tưởng táo bạo như tổ chức một “lễ diễu hành sáng tạo” ngay giữa không gian mang đậm tính lịch sử như quảng trường Cách mạng tháng Tám cũng được nhóm nghệ sĩ này cùng Ban Tổ chức đề xuất và quyết tâm thực hiện trong giới hạn thách thức về thời gian chuẩn bị.

“Khi tham gia thực hiện chương trình lễ khai mạc và diễu hành mở màn Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, tôi thấy rất hay, bởi tôi học được rất nhiều điều từ cái thời điểm ở thời điểm này. Thứ cần học nhất là được tham gia cùng với một cộng đồng làm sáng tạo rất đông, rất nhiều người giỏi. Khi đó, việc ý thức về cái tôi của mình trong đó, được thể hiện khả năng sáng tạo của mình là một việc quan trọng nhất” – Anh Nguyễn Đình Nguyên chia sẻ.

Nhóm thiết kế đồ họa Đình Collective gồm: Nguyễn Nhật Ánh, Duy Anh, Thế Huy, Thủy Nguyễn cùng mang niềm yêu thích với văn hóa Việt Nam và cùng đến với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội với sự nhiệt huyết, tạo ra visual identity (nhận dạng trực quan) cho Lễ hội. Trong nhóm thực hiện bộ visual identity lần này quy tụ nhiều designer (người thiết kế) cùng tham gia, tất cả đều có chuyên môn cao trong các mảng khác nhau về font (kiểu chữ), typeface (bộ chữ), vẽ mascot (linh vật), dựng website…Và làm sao để đồng bộ và hợp nhất những yếu tố đó, con người đó trên một hệ thống thiết kế (design system) với nguyên tắc thiết kế (design guideline) chung nhất, tiện nhất, nhanh nhất đáp ứng khối lượng ấn phẩm cần thiết kế khổng lồ, cho nhiều bên cùng sử dụng và trong giới hạn thời gian đầy thách thức.

Khó khăn là thế, nhưng cứ mỗi lần làm việc cùng nhau, mọi người thêm nhiều tâm huyết vào dự án. Số lượng tài sản mà mọi người tạo ra cho bộ nhận diện này là vô cùng phong phú, từ bộ biểu tượng (icon) minh họa 7 công trình di sản, một bộ font chữ dành riêng cho Lễ hội và người yêu Hà Nội, những ấn phẩm cờ phướn rực rỡ tô điểm cho công trình, cho những con đường Thủ đô dịp Lễ hội,…

Trao quyền để người trẻ được phát huy tài năng, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô  - ảnh 2

Nguyễn Nhật Ánh và những cộng sự tại Đình Collective tham gia thiết kế sáng tạo tại Lễ hội 2024

Trong thời điểm Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sắp diễn ra, nhóm vận hành với các nhân sự chủ lực gồm Hưng Hòa, Giang Thanh, Huy Hoàng luôn bận rộn với chuỗi công việc đang ngổn ngang. Đảm trách trợ lý dự án và trợ lý các nhóm hoạt động, các bạn thường xuyên tham gia các buổi họp, khảo sát, gặp mặt, làm việc; quy hoạch và quản lý “kho” tài liệu của Lễ hội; tổng hợp, báo cáo tiến độ; hành chính, văn phòng; quản lý nhập liệu thông tin đầu vào.

Hưng Hòa chia sẻ: “Lễ hội là một trong những chương trình duy nhất cởi mở và trao quyền cho người trẻ được thể hiện bản thân, được đóng góp ý kiến, nêu quan điểm, chia sẻ để cùng đóng góp vào chương trình và sự hỗ trợ tích cực của mọi người. Trong quá trình làm, nhóm gặp thuận lợi khi đội ngũ nhân sự cùng nghệ sĩ, kiến trúc sư, giám tuyển,... đồng hành cùng Lễ hội luôn làm mọi thứ một cách trọn vẹn, tâm huyết. Điều này chính là lý do để nhóm quyết định đồng hành và cũng là cảm hứng, động lực để các bạn tiếp tục dù có bao khó khăn. Tinh thần của đội ngũ nhân sự luôn cao nên nhóm được thúc đẩy bởi nhau để cùng cố gắng vì một mục đích.

Trao quyền để người trẻ được phát huy tài năng, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô  - ảnh 3
Đội ngũ vận hành đa phần thuộc thế hệ GenZ trẻ trung và năng động 

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 hướng đến mục đích không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về Kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội. Các hoạt động sáng tạo được tổ chức còn nhấn mạnh vai trò của giới trẻ tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.

Đặc biệt, với việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng các chương trình nghệ thuật, các hoạt động văn hóa, cộng đồng được giới sáng tạo trẻ thực hiện trong mùa Lễ hội năm nay là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Trao quyền để người trẻ được phát huy tài năng, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô  - ảnh 4
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã kết nối và được làm nên bởi tình yêu sáng tạo “trẻ” của rất nhiều thế hệ 

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội luôn là nơi để các tài năng sáng tạo trẻ thử sức, thể hiện khả năng và tỏa sáng. Trong quá trình phát triển Thành phố sáng tạo nói riêng, công nghiệp văn hóa Thủ đô nói chung, giới trẻ luôn được quan tâm, đặt vào trung tâm của nhiều hoạt động, bởi đây là một nguồn lực sáng tạo tiềm năng, dồi dào thúc đẩy thành phố phát triển. Và, những tâm huyết, công sức của giới sáng tạo trẻ được thể hiện qua Lễ hội năm nay cũng chính là mạch nguồn để khơi dậy, thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong cộng đồng, góp vào sự phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Tin cùng chuyên mục