Tản văn:

Trong lòng có Tết

Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng sớm, lúc chị vội vàng dắt xe ra cổng thì gặp Thương đang thò đầu ra ngõ nhìn ngó hai bên. Thấy chị, Thương ngơ ngác hỏi: Chị có nghe thấy người ta vừa rao bán vôi qua ngõ hay không?

- Chắc là em nghe nhầm đấy. Ở đây bao nhiêu năm chị không thấy ai bán vôi rong cả. Có lẽ là “ai mua xôi không?”.

Thương cười ngại ngùng bảo:

- Có lẽ thế thật. Chắc tại em ngái ngủ, nghe nhầm.

Chẳng hiểu sao trên đường đến công ty hình ảnh cô bé khách trọ ngơ ngác tìm “dấu vết” của quê nhà giữa lòng thành phố cứ xuất hiện trong đầu chị. “Ở quê em, tháng Chạp được mở ra bằng tiếng rao của người bán vôi, văng vẳng. “Ai mua vôi không? Vôi quét tường, vôi rắc ao, vôi khử trùng đi”. Chỉ mấy tiếng rao đơn giản ấy thôi mà gợi nhớ gợi thương biết bao nhiêu năm tháng. Thời em bé xíu, người ta chở vôi trên chiếc xe đạp, tiếng rao lúc bổng lúc trầm, lúc hụt hơi vì người bán hàng thấm mệt. Giờ người ta chở vôi trên những chiếc xe tải nhỏ, tiếng rao được thu âm sẵn, phát bằng loa. Sáng nay lúc mơ màng em đã nghe thấy những tiếng rao quen thuộc. Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Năm hết Tết đến rồi chị nhỉ”.

 Chị chắc rằng những tiếng rao ấy đã vọng ra từ tâm tưởng của một người con xa quê. Cuối năm tâm trạng bộn bề, người ta thường nhớ thương quê quán. Như con chim xa bầy thương cây nhớ cội…

Trong lòng có Tết - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Chị chưa từng đi đâu xa Hà Nội quá vài ngày. Chị sinh ra ở đây, lớn lên đi học, lấy chồng cũng là người Hà Nội. Trước kia chị không hiểu được cảm giác nhớ quê dù mỗi ngày mẹ đều phơi bày nỗi nhớ ấy trong từng câu chuyện. Quê ngoại chị ở vùng Trung du miền núi phía Bắc. Mẹ bận bịu cửa nhà lại say xe nên một năm chỉ về quê đôi, ba lần. Dù đã làm dâu phố nhiều năm nhưng mẹ vẫn giữ thói quê nếp cũ. Mẹ chân chất, thật thà, xởi lởi, cả đời luôn nhìn trước ngó sau để sống hài hòa. Quê nhà hiện hữu trong nếp sống hàng ngày của mẹ. Có bát canh ngon mẹ hay sai các con bưng cho nhà hàng xóm. Đêm nghe thấy tiếng ho dai dẳng vọng từ nhà bên cạnh là sáng hôm sau mẹ gõ cửa hỏi thăm. Nhà hàng xóm có công việc gì là mẹ xắn tay áo phụ giúp cả mấy ngày. Lá cây rụng đầy sân khu tập thể có khi cả năm chỉ mình mẹ quét. “Ở quê người ta thường sống vậy”, mẹ nói thế mỗi khi nghe ai đó trong nhà càu nhàu mình thích lo chuyện bao đồng.

Những ngày cuối năm này chị thường nhớ về mẹ nhiều hơn. Dù thỉnh thoảng chị vẫn tạt qua khu tập thể cũ ngó mẹ lọ mọ chuẩn bị chờ đón Tết. Trong sân tập thể, mẹ bày ra vài chiếc nong nia, cái phơi lại mớ măng khô, cái phơi đỗ, lạc đều là quà từ quê gửi xuống. Mẹ dúi cho chị ít măng khô bảo “để dành Tết nấu bát canh, cúng ông bà tổ tiên”. Thật ra chợ đâu thiếu thứ gì, nhưng quý là ở tấm lòng. Mỗi lần nhìn mẹ thu vén Tết chị đều tự hỏi: “Tết đâu có gì vui?”.

Lúc còn trẻ chị ơ hờ đi qua những tháng Chạp đầy lo toan của mẹ. Lo suốt tuần trời không nắng, làm sao phơi chăn chiếu thơm tho. Lo xe cộ đông, lúc về quê tảo mộ không biết phải xoay xở thế nào với túi to túi nhỏ quà Tết mua biếu họ hàng. Có năm thấy nắng to thì lo đào ở quê nở sớm, bà con mất mùa hoa cũng là mất Tết. Mẹ lo từ việc to đến việc nhỏ. Từ chuyện bếp núc trong nhà cho đến chuyện của thiên hạ ngoài kia. Thỉnh thoảng mẹ hay ngồi ngẩn ngơ nhìn ra vạt nắng đầu xuân. Ấy là lúc mẹ lần theo vệt Tết theo dòng hồi ức.

Lúc ấy chị vẫn còn trẻ lắm, cũng giống như chúng bạn chỉ khao khát được đi. Đi đâu cũng được, miễn là không phải ru rú trong nhà vài ba ngày Tết. Chỉ để ngồi bóc hành muối dưa, nấu thịt đông, gói giò lụa, lau dọn không chừa một xó xỉnh nào trong nhà. Chị tự hỏi sao cứ phải xáo trộn vài ba ngày Tết để làm gì? Để rồi ai cũng kêu mệt rã rời. Cỗ bày biện đầy mâm mà món nào cũng ngán. Những xâu bánh chưng treo trong bếp qua Tết cứng đơ và bắt đầu mốc từng lớp lá. Để rồi những bữa sáng tháng Giêng bao giờ cũng có đĩa bánh chưng rán kèm theo đĩa dưa hành. Mẹ cười trêu: “Ngán cũng phải ăn, bỏ đi phải tội”.

Lúc ngó bạn bè vi vu đâu đó trên những cung đường Tây Bắc, mùa xuân hoa đào, hoa mận nở đẹp như mơ chị thường hay càu nhàu: “Tết thế mới là Tết chứ. Vất vả cả năm, Tết là phải được nghỉ ngơi để vui chơi. Đi đâu đó mà mình từng ước mong. Làm những việc mà mình vui. Ăn những món mà mình thích. Gặp gỡ những ai mà lòng thấy hân hoan. Đằng này các bà, các mẹ toàn tự làm khổ mình. Tết nào cũng cặm cụi trong xó bếp. Nấu hết mâm cỗ này đến mâm khác. Đồ ăn dồn đống trong tủ lạnh. Nhìn những người đàn ông chúc tụng, chén chú chén anh, say khướt”.

Mẹ cười bảo: “Khi trong lòng có Tết thì con sẽ nhìn mọi thứ khác đi. Sẽ chờ đợi những ngày cuối năm. Sẽ thấy Tết không chỉ có mấy ngày. Trong Tết năm này có những Tết xưa. Ngay cả mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên thật ra cũng chỉ là một cái cớ để người sống thấy được gần hơn với những người yêu thương đã khuất”.

Thỉnh thoảng mẹ hay níu chị lại bằng những câu chuyện xưa. “Hồi ấy bà ngoại con thường chuẩn bị Tết từ rất sớm. Có khi chưa xong Tết này đã lo chiu chắt Tết sau. Dành dụm từng nắm hạt giống hoa cho mùa xuân năm sau. Vun từng luống gừng hay chọn từng quả bí đao già nhất cất làm mứt tết. Măng tươi được mang phơi khô bằng cái nắng tháng sáu. Gạo nấu bánh, đỗ làm nhân đều được chắt chiu từ những vụ mùa kẽo kịt trong năm”.

 Chị chẳng mấy để tâm đến những mảng màu ký ức mà mẹ kể. Có khi ngồi đó cho mẹ yên tâm “mình nói có người nghe”. Chứ tâm trí chị còn đặt đâu đó ngoài kia với bận rộn phù phiếm mang tên “tuổi trẻ”. Chị đi lấy chồng, sinh con, bắt đầu với phận sự làm dâu, thu vén nhà chồng mới bắt đầu thấy thương dáng mẹ. Chị không biết rằng đức tính chắt chiu, vun vén của mẹ đã thấm vào mình tự bao giờ. Cũng không biết từ bao giờ trong lòng chị đã bắt đầu có Tết.

Nhà chồng chị có hai dãy nhà cho thuê trọ. Khách trọ chủ yếu là những người lao động nghèo từ khắp các tỉnh đổ về Hà Nội mưu sinh. Thương là một trong số đó, thuê trọ nhà chị đã sáu năm. Lúc khoe chị mấy bộ váy mua cho con, chiếc áo nhung mua cho mẹ già, Thương cười bảo: “Tết thường khiến người ta vừa sợ vừa mong. Đủ thứ lo toan, nhưng thử nghĩ mà xem tụi em đi làm ăn cả năm chỉ mong Tết được nghỉ dài ngày về sum vầy với người thân”.

Mẹ cũng từng nói với chị như thế lúc nhấc từ yên xe xuống bó củi nấu bánh đi nhặt nhạnh khắp nơi. Chị cằn nhằn: “Ăn là bao. Ra chợ mua vài cái bánh chưng ăn cả Tết không hết. Gói làm gì cho cực”. Mẹ nói thứ gì cũng đi mua thì còn đâu là không khí Tết. Làm sao cảm nhận được niềm vui cùng nhau thức xuyên đêm đun nồi bánh. Niềm vui được cùng nhau bận rộn, nấu món này món kia, quây quần thưởng thức. Niềm vui chờ đợi một mẻ mứt ngào xong, cái bánh chưng vừa vớt ra vẫn còn nóng hổi. Mãi sau này chị mới hiểu được rằng những người đàn bà giữ Tết chính là giữ nếp nhà. Giữ cho được niềm tha thiết sum vầy. Giữ hương vị và phong tục cổ truyền qua nhiều thế hệ…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.
Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…
Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.