Văn học Việt cần được dịch và giới thiệu ra thế giới nhiều hơn

Chia sẻ

PNTĐ-Theo TS Đoàn Cầm Thi văn học VN cần phải được dịch và giới thiệu ra thế giới nhiều hơn. Đó không chỉ là cơ hội có thêm một "cuộc sống thứ hai", mà còn có tác dụng ngược lại.

 
“Cơ hội của Chúa”, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Việt Hà bản tiếng Pháp vừa được giới thiệu tại Pháp cách đây hai tháng và lập tức được đánh giá cao. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên nằm trong dự án Tủ sách Việt Nam đương đại do nhà xuất bản Riveneuve (Pháp) thực hiện. Dịch giả của tác phẩm này, đồng thời cũng là tác giả ý tưởng về tủ sách là Tiến sĩ văn chương Đoàn Cầm Thi, Phó giáo sư Học viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông (Paris). 
 
Văn học Việt cần được dịch và giới thiệu ra thế giới nhiều hơn - ảnh 1
“Cơ hội của Chúa”, tiểu thuyết của nhà văn
Nguyễn Việt Hà bản tiếng Pháp
 
Chị có thể cho biết, chị đã đến với “Cơ hội của chúa” như thế nào?
 
Tôi đọc tiểu thuyết này của Nguyễn Việt Hà ngay khi vừa được xuất bản lần đầu, đó là khoảng đầu năm 2000. Ngay lập tức, độ bề thế của nó đã làm tôi kinh ngạc. Từ những năm 2002-2003, tôi đã giới thiệu nhiều dịch giả và nhà xuất bản, dự định chuyển ngữ Cơ hội của Chúa sang Pháp văn, nhưng rồi đều không thành. Vì nhiều lý do khác nhau, nhưng nguyên nhân chính có lẽ vẫn là độ gai góc của nó.
 
Đầu năm 2009, tôi lại lôi Cơ hội của Chúa ra khỏi ngăn kéo của mình. Cùng lúc, Nguyễn Việt Hà đã tìm thấy cảm hứng để đối mặt với “mối tình đầu” của anh, sửa lại Cơ hội của chúa và đưa cho tôi một bản mới.
 
Cơ hội của Chúa trong tiếng Pháp cô đọng hơn, trẻ trung hơn. Điều mà tôi muốn đưa lại cho độc giả Pháp, chính là hương vị văn phong của Nguyễn Việt Hà. Cơ hội của Chúa có một lối viết đa tầng, đa dạng. Tác giả có thể viết ở những cung bậc rất khác nhau: buồn bã, cay nghiệt, dịu dàng, hài hước, nhạo báng…
 
Văn học Việt cần được dịch và giới thiệu ra thế giới nhiều hơn - ảnh 2
Tiến sĩ văn chương Đoàn Cầm Thi, Phó giáo sư Học viện Ngôn ngữ
và văn minh phương Đông (Paris).
 
Như thế, có vẻ như phần mà Nguyễn Việt Hà phải chỉnh sửa chính sự gai góc của tác phẩm?
 
Không, chỗ anh Hà chỉnh sửa chỉ là những chỗ viết hơi "vụng". Cơ hội của Chúa là tiểu thuyết đầu tay, lại rất dài, nên sự vụng về đương nhiên là có. Tôi nghĩ nhà văn chân chính nào cũng vậy, khi nhìn lại những tác phẩm cũ của mình, ít khi họ thỏa mãn với bản thân. Và nếu có dịp và lại không lười quá, thì họ đều muốn chỉnh sửa đi một chút. Và tôi thấy điều đó hoàn toàn chính đáng và nên đề cao. Nói vậy để bạn hiểu là không có sự cắt bỏ vì lý do "nhạy cảm" đâu.
 
Ngày 18/4/2013, Cơ hội của Chúa bản Pháp văn chính thức được bày bán ở Paris với giá 15 Ơ-rô. Giá như vậy không phải là thấp nhưng phản hồi báo chí khá nhiệt tình và được công chúng ủng hộ, nên sách bán rất tốt.
 
Được biết, Cơ hội của Chúa là tác phẩm đầu tiên được in trong dự án Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại của nhà xuất bản Riveneuve, chị có thể cho độc giả Việt Nam biết thêm về dự án này?
 
Giới thiệu nét đẹp của một nền văn học ra nước ngoài là một công việc cần nhiều nhiệt huyết, bền bỉ, có hệ thống và được sự tham gia của nhiều người. Chừng nào chúng ta không hội tụ đủ những yếu tố đó, thì khó làm nên cơm cháo gì nhất là tại một thị trường sách khổng lồ như nước Pháp. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định thành lập một tủ sách khi các điều kiện đã chín muồi. Tủ sách "Văn học Việt Nam đương đại" là một dự án hoạt động qui mô nhằm đẩy mạnh việc giới thiệu sách văn học Việt đến với cộng đồng Pháp ngữ.
 
Tủ sách này trước mắt sẽ có khoảng có khoảng 7 – 10 cuốn trong đó hiện nay ấn phẩm thuần Việt đầu tiên chính là Cơ hội của Chúa, sau đó đến Khơme Bolero của Đỗ Kh (Đỗ Khiêm), Blogger của Phong Điệp, Thoạt  kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương và sẽ có cả tác phẩm được viết trực tiếp bằng tiếng Pháp…
 
Chắc hẳn chị đã phải chuẩn bị rất kỹ cho dự án này?
 
Có chứ. Trước tiên là nhiệt huyết, dịch giả phải là người mang được cái hồn của tác giả. Thật may mắn Tủ sách của chúng tôi đang hội tụ một số dịch giả trẻ và có nhiều triển vọng như Danh Thanh Do-Hurinville, Nguyễn Phương Ngọc, Emmanuel Poisson, Yves Bouillé. Chúng tôi đang khẩn trương để hoàn thành nhiều bản dịch chuẩn bị cho năm sau, 2014, là năm Việt Nam tại Pháp.
 
Tiếp xúc nhiều với văn học Pháp và văn học thế giới, chị có nghĩ rằng văn học Việt đang hơi bị lép vế hơn so với các nền văn học khác?
 
Không, tôi không thấy thế. Chỉ cần nhìn chương trình in sách Việt của NXB Riveneuve đủ thấy họ rất tin tưởng vào chúng ta.
 
Chị có nhận xét gì về văn học Việt hiện nay, đặc biệt là những nhà văn trẻ, làm thế nào để có thể hội nhập với thế giới?
 
Văn học VN hiện nay có nhiều biến đổi, các đề tài và thể nghiệm phong phú hơn. Các tác giả nghiêng về những trải nghiệm cá nhân, có ý thức tìm kiếm và thể hiện phong cách riêng. Đó là những điểm rất đáng chú ý.
 
Tôi nghĩ rằng, văn học VN cần phải được dịch và giới thiệu ra thế giới nhiều hơn. Đó không chỉ là cơ hội cho các tác phẩm Việt có thêm một "cuộc sống thứ hai", mà còn có tác dụng ngược lại. Không có gì kích thích sáng tác hơn sự cọ sát, thậm chí cạnh tranh, với bên ngoài. Tương tự, không có gì phản sáng tạo hơn là mấy nhà văn Việt ngồi tự khen lẫn nhau, hệt như mấy ông kỳ mục ngồi ngoài đình làng phân chiếu trên chiếu dưới.
 
Việc mang văn học Việt ra nước ngoài là một công việc dài lâu, bền bì, nó cần sự tham gia đóng góp của cả xã hội. Văn chương, hay nói rộng ra là văn hóa là của cải chung của cả dân tộc.           
 
Ngọc Trang (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Sức hút từ những gameshow “sao về quê”

Sức hút từ những gameshow “sao về quê”

(PNTĐ) - Gia đình Haha, Sao nhập ngũ, 2 ngày 1 đêm… loạt gameshow đưa nghệ sĩ về trải nghiệm đời sống thường nhật ở thôn quê đang trở thành món ăn tinh thần được khán giả đón nhận mạnh mẽ. Không phải mô hình mới nhưng vẫn trở thành xu hướng, vì sao “sao về quê” lại gây nghiện?
 Văn hóa, du lịch, thể thao 6 tháng đầu năm: Nhiều điểm sáng, chuyển biến tích cực

Văn hóa, du lịch, thể thao 6 tháng đầu năm: Nhiều điểm sáng, chuyển biến tích cực

(PNTĐ) - Sáng 17/7, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL và trực tuyến tới 34 điểm cầu tại 34 tỉnh, thành trên cả nước.
“Bút sắc, lòng son” – Trưng bày xúc động về ý chí người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù Hỏa Lò

“Bút sắc, lòng son” – Trưng bày xúc động về ý chí người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù Hỏa Lò

(PNTĐ) - Sáng 16/7, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Bút sắc, lòng son” nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), hướng tới chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025),
Du lịch Thủ đô đón mùa lễ hội

Du lịch Thủ đô đón mùa lễ hội

(PNTĐ) - Du lịch Thủ đô đang trên đà phát triển ấn tượng với những con số kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2025. Với mục tiêu đón đầu làn sóng du khách dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Sở Du lịch Hà Nội đã chính thức công bố hàng loạt sản phẩm mới, từ tour đêm huyền ảo đến những cung đường di sản độc đáo, sẵn sàng đưa Thủ đô thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.