Xử lý ra sao với trang phục phản cảm khi đi chùa?

Chia sẻ

PNTĐ-Đầu năm, nhiều người đi chùa cầu an nhưng mặc rất tự do, phóng khoáng đã bùng lên những tranh luận gay gắt về việc có nên cấm người mặc hở hang vào chùa.

 
Xử lý ra sao với trang phục phản cảm khi đi chùa? - ảnh 1
Lâm Chí Khanh với trang phục không thích hợp khi đi chùa
 
Rõ ràng, đây không phải hiện tượng mới xuất hiện. Năm nào cứ vào dịp đầu năm dư luận lại bức xúc khi xem những bức ảnh chụp được lan truyền trên các trang mạng xã hội về việc cô kia mặc cái áo trong suốt sì sụp khấn vái, cô nọ mặc quần sooc ngắn với cái quần tất mỏng tang, chị nọ diện áo hở rốn, kiều nữ kia xinh đẹp để nguyên lưng trần hoặc mặc váy ngắn tũn mà ai cũng có cảm giác cô chỉ cần bước đi là người phía trước phía sau nhìn thấy hết “nội tình” bên trong… chắp tay rất thành kính. Thành kính trước Phật, thắp hương dâng Phật, nhưng việc ăn mặc hở hang, ngắn cũn nơi linh thiêng, thanh tịnh ấy lại tạo ra một hình ảnh tương phản hoàn toàn với dáng vẻ thành kính. Phần lớn những hình ảnh ấy là từ các cô gái trẻ, mà nhiều người vẫn cho là do “trẻ người non dạ” không hiểu lễ nghĩa nên mới có những hành xử như thế.
 
Năm nay, việc người đi đến đền chùa, chốn tôn nghiêm cúng Phật, dâng Thánh ăn mặc phản cảm, hở hang tiếp tục làm dư luận “dậy sóng”. Cũng có thể lý giải là năm nay thời tiết dịp Tết khá ấm áp, nắng cho đến suốt tháng Giêng nên những người trẻ tha hồ được mặc trang phục mát mẻ đi du Xuân, và họ “nhân tiện” vào chùa thắp hương nên cứ vô tư như vậy. Bên cạnh đó là một bộ phận không nhỏ quan niệm ăn mặc sao thì mặc, miễn là “có tâm” là được.
 
Không chỉ mặc hở hang, nhiều người đi lễ còn sẵn sàng xả rác, vui đùa, thi nhau chụp hình “tự sướng” ở trước cửa Phật… gây tức mắt với những người lớn tuổi, làm ảnh hưởng không khí trang nghiêm cần có. Rõ ràng chuyện này cần sớm chấn chỉnh ngày nào hay ngày đó, vì điều đó không chỉ thể hiện phông văn hóa còn kém của các bạn trẻ, mà khiến du khách quốc tế nhìn vào có những đánh giá không tốt.
 
Khi các bài viết trên báo chí, những ý kiến được chia sẻ trên mạng lập tức nhận được hàng ngàn ý kiến cho rằng nên… cấm triệt để những người ăn mặc phản cảm vào chốn linh thiêng, thanh tịnh của đền, chùa.
 
Số khác đề xuất rằng tùy vào điều kiện từng nơi, nên hỗ trợ khăn quấn cho người đi lễ Phật. Song, một số người bao gồm cả nhà nghiên cứu văn hóa lại phản đối vì cho rằng vấn đề chính là ý thức và cải thiện ý thức, việc hỗ trợ khăn quấn sẽ càng làm cho người đi đền, chùa cẩu thả hơn trong ăn mặc.
 
Xử lý ra sao với trang phục phản cảm khi đi chùa? - ảnh 2
Ca sĩ Trang Xấm lại bị ném đá vì trang phục “thiếu vải”
 
Nhìn sang nước bạn Thái Lan, hầu hết các chùa của họ đều thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trong tất cả các cuốn cẩm nang du lịch đều có lưu ý cần mặc kín đáo khi đi đến thăm Chùa chiền của họ. Tuy nhiên, du khách thường ghé các chùa trên hành trình đi du lịch nên không phải ai cũng mặc kín đáo. Chính vì vậy, tại cửa các chùa hoặc tại phòng tiếp tân luôn có những người bán khăn quấn, cho thuê khăn quấn (kèm với bán vé vào chùa) cho du khách. Việc này vừa tạo thêm một nguồn thu không nhỏ, lại có thể giữ gìn được tôn nghiêm khi đi chùa, dần dần tạo nên ý thức cho người dân, cũng như du khách. Bởi khi đi chùa, họ phải trả thêm phí thuê khăn choàng thì lần sau đó họ sẽ ghi nhớ hơn việc giảm bớt chi tiêu cho mình bằng việc mặc sẵn đồ kín đáo, và sẽ nhớ hơn việc đi chùa phải mặc lịch sự như thế nào. Việc này sẽ góp phần tạo nên ý thức.
 
Nhưng trên cả, mỗi đền chùa vẫn cần có một vài người làm công tác nhắc nhở, chứ không phải phụ thuộc vào biển báo hay ý thức. Việc nhắc nhở này sẽ điều chỉnh hành vi của người đi lễ đền, chùa. Ở các ngôi chùa Thái Lan, dù khách thập phương đến hàng ngàn lượt người mỗi ngày, nhưng họ cũng chỉ cần 1-2 người đứng ở lối vào mỗi ngôi chùa làm công tác nhắc nhở, vẫn đảm bảo được sự tôn nghiêm cần có. Với kinh nghiệm ấy, chúng ta không khó khăn để học tập và thực hiện mà không cần phải làm dư luận bừng bừng tức giận như thời gian vừa qua.

Nam Phong

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Hương Sơn ứng xử đẹp trong hoạt động lễ hội

Phụ nữ Hương Sơn ứng xử đẹp trong hoạt động lễ hội

(PNTĐ) - Mùa lễ hội chùa Hương xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra trong 3 tháng đầu năm đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách thập phương. Đó là hình ảnh những người phụ nữ chèo thuyền đò thân thiện, vừa lái thuyền đò kiêm hướng dẫn viên; là những người làm mất đồ, làm rơi đồ vật đều được nhận lại đầy đủ…
Gặp gỡ không gian văn hóa sáng tạo

Gặp gỡ không gian văn hóa sáng tạo

(PNTĐ) - Chiều 6/5, tại Bảo tàng Hà Nội diễn ra sự kiện “Gặp gỡ không gian văn hóa sáng tạo”. Sự kiện nhằm chính thức kêu gọi các nhóm và tổ chức văn hóa sáng tạo đăng ký trở thành thành viên Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội, đồng thời giới thiệu về hoạt động của Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội.
Lan tỏa giá trị văn hóa của Lâm Đồng tại Hà Nội

Lan tỏa giá trị văn hóa của Lâm Đồng tại Hà Nội

(PNTĐ) - Tại họp báo chiều 6/5 tại Hà Nội, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và sắc thái văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Qua đó đã hình thành nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, như: du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, cảnh quan...
Tùng Dương khiến hàng ngàn khán giả xúc động làm điều này khi hát Quốc ca tại Nhật Bản

Tùng Dương khiến hàng ngàn khán giả xúc động làm điều này khi hát Quốc ca tại Nhật Bản

(PNTĐ) - Từ những giai điệu trang nghiêm của Quốc ca Việt Nam đến những tiết mục ngẫu hứng đầy cảm xúc, đêm bế mạc Festival “Trái tim Việt Nam – 50 năm hòa chung một nhịp” diễn ra vào chiều 4/5/2025 tại Osaka, Nhật Bản đã đã để lại ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm trong lòng khán giả. Divo Tùng Dương, ca sĩ Isaac, Duyên Quỳnh và các nghệ sĩ tham gia chương trình, đã cùng khán giả viết nên câu chuyện của niềm tự hào, tình yêu đất nước, kết nối hàng nghìn trái tim Việt nơi xứ người.