20/10 và mong ước giản dị của các nữ "chiến binh áo trắng"
“Những ngày chống dịch, thật sự chẳng nữ bác sĩ nào nghĩ tới 20/10, cũng chẳng có ngày 20/10… vì không ai biết hôm nay thứ mấy, chỉ nhớ ca trực của mình là sáng hay đêm. Nhưng nếu có một món quà hay điều ước, chỉ mong Covid-19 mau hết, để các gia đình đoàn tụ và không còn những giọt nước mắt chia lìa…”.
Đó là những tâm tư, mong mỏi đến khắc khoải của các nữ bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - những người trực tiếp tham gia chi viện cho miền Nam chống dịch trong thời gian qua.
Không mong gì hơn ngoài sự hồi phục của bệnh nhân
Trở về từ tâm dịch miền Nam sau khi kết thúc đợt chi viện tại bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức), đến giờ, ThS.BS Trần Quỳnh Mai - khoa Bệnh máu trẻ em (viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) vẫn bị ám ảnh bởi những cuộc điện thoại gọi báo tin tử vong cho các gia đình bệnh nhân Covid-19.
“Trước khi vào, mình cũng đã nắm được tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh qua thông tin trên báo, đài. Nhưng có trực tiếp vào đó mới biết thực tế còn khủng khiếp hơn. Các bệnh viện giống như một chiến trường lớn, nơi mà bác sĩ phải chạy đua từng giờ, từng phút với thời gian để chống lại đại dịch, giành giật sự sống cho người bệnh. Mình vào đó có 2 tháng là trở ra, vậy mà đồng nghiệp trong ấy đã chiến đấu suốt nửa năm nay và chưa biết khi nào cuộc chiến kết thúc” - ThS.BS Mai trầm tư.
Chị kể, bước chân vào nơi điều trị là nhịp sinh học đảo lộn hoàn toàn. “Trong đó 16h chúng mình mới ăn trưa, 23 giờ mới ăn tối. Triền miên ngày nào cũng chỉ có 2 bữa. Nước không dám uống, chỉ dám nhấp môi một chút vì phải mặc đồ bảo hộ trong suốt 7 giờ đồng hồ liên tục. Vất vả có nhưng tất cả luôn nỗ lực gấp 2, gấp 3 sức lực của mình… để bệnh nhân hồi phục, hạn chế thấp nhất số ca tử vong do dịch”.
“Khoa của mình có hơn 40 bệnh nhân đều thở máy. Vì bệnh nặng nên mỗi ngày, trong một tua trực trung bình có 5-6 trường hợp tử vong. Không ít lần chính mình phải trực tiếp gọi điện về cho người nhà bệnh nhân… để thông báo giờ mất, thủ tục nhận hài cốt người bệnh sau khi hỏa táng. Bất lực, đau xót… khi chứng kiến người bệnh ra đi là cảm xúc không mong muốn của tất cả các y, bác sĩ chúng mình lúc ấy” - BS Mai nghẹn ngào.
Bây giờ khi đã trở về với công việc tại viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, BS Mai vẫn thường xuyên nhắn tin trò chuyện, hỏi han và động viên đồng nghiệp trong Nam. Ngoài Hà Nội, cuộc sống đã trở lại gần như bình thường, đường phố nhộn nhịp và rộn ràng, nhất là sắp tới ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. “Nhưng trong tâm dịch, nếu không có điện thoại hiển thị thì chẳng ai nhớ được hôm nay là thứ mấy, ngày bao nhiêu, chỉ đếm thời gian theo ca làm việc của mình. Đến đồng nghiệp nếu không cùng bệnh viện cũng chẳng biết mặt nhau, chỉ có thể nhận diện theo dáng người, giọng nói. Bởi vậy, với các nữ bác sĩ vẫn đang miệt mài chống dịch, chắc chẳng ai nhớ tới 20/10. Nhưng nếu có một món quà hay điều ước, thứ các chị, các cô mong mỏi nhất chắc chắn là sự hồi phục của người bệnh, để dịch mau qua đi, không còn những giọt nước mắt chia lìa và mọi người được trở về với gia đình mình”.
Các nữ bác sĩ viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tại bệnh viện Hồi sức Covid-19 và những lời động viên, chia sẻ mà đồng nghiệp, bệnh nhân dành tặng. (Ảnh: BVCC)
Sức khỏe của mẹ và gia đình là món quà 20/10 trân quý nhất
Ngày 30/9, điều dưỡng Phạm Thu Hiền - khoa Ghép tế bào gốc (viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) chính thức rời TP. Hồ Chí Minh sau khi kết thúc đợt chi viện kéo dài một tháng rưỡi tại “tâm dịch” miền Nam. Ngày trở về, hành trang của chị ngoài chiếc vali đồ dùng còn là biết bao kỷ niệm, ký ức không thể nào quên trong khoảng thời gian trực tiếp chăm sóc cho người bệnh và nỗi nhớ nhà, nhớ người thân da diết.
Tại TP Hồ Chí Minh, điều dưỡng Hiền được phân công làm việc tại khoa 2A, bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) - khoa nặng nhất trong bệnh viện với 100% bệnh nhân thở máy. Không có người nhà ở bên, việc chăm sóc người bệnh hoàn toàn dựa vào các y bác sĩ, điều dưỡng.
“Trong quá trình điều trị, mừng nhất là lúc bệnh nhân chuyển nặng sang nhẹ, sau đó được ra khỏi khoa của mình. Nhưng niềm vui đó rất hiếm hoi bởi bệnh nhân khi chuyển tới khoa 2A hầu hết đều có tiên lượng bệnh rất nặng, khả năng cứu chữa vô cùng mong manh. Chứng kiến và xác định được tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, vậy mà mỗi khi có một người bệnh không thể qua khỏi, trái tim các bác sĩ vẫn thấy như bị bóp nghẹt” - điều dưỡng Hiền tâm sự.
Nghẹn ngào khi nhớ lại những nỗi đau từng chứng kiến trong thời gian chi viện tại bệnh viện Hồi sức Covid-19, điều dưỡng Hiền xúc động kể: “Làm cùng khu với mình có một bác sĩ nam, bạn ấy còn trẻ lắm, chỉ tầm thế hệ 9X. Đó có lẽ là quãng thời gian đau đớn nhất cuộc đời khi bạn ấy trực tiếp chăm sóc, điều trị Covid-19 cho mẹ của mình… nhưng không thể giành giật sự sống của mẹ từ tay tử thần. Cuộc chiến với giặc dịch quá cam go, tàn khốc. Chứng kiến không ít khoảnh khắc chia ly, sự xót xa là khó tránh khỏi. Nhưng đâu đó trong nỗi niềm mất mát, đau thương, chúng mình lại thêm trân quý sự sống, thêm nhớ về mái ấm gia đình”.
Cũng với tâm trạng ấy, điều dưỡng Lê Thị Thủy Tiên - khoa Ghép tế bào gốc chia sẻ: “Hình ảnh người bệnh phải cố gắng giành giật sự sống đã làm chúng tôi ám ảnh. Khi gặp ánh mắt cầu cứu của người bệnh, tôi tự hỏi mơ ước về một cuộc sống tại sao lại khó đến như vậy? Và những nỗi lo chồng chất về gia đình, về sức khỏe của bản thân và đồng nghiệp khiến tôi có những giây phút sợ hãi. Nhưng chúng tôi đều vượt qua cơn khủng hoảng đó rất nhanh, vì trách nhiệm của một người làm nghề y luôn thôi thúc. Tôi có những người bạn mới, những người luôn động viên và cùng nhau quyết tâm chiến thắng dịch bệnh để trở về với gia đình”.
Chẳng thế mà khi chia sẻ về món quà mong muốn được nhận nhất trong ngày 20/10 này, điều dưỡng Hiền không hề lưỡng lự nói: “Bình thường, năm nào chồng mình cũng có hoa, quà tặng mẹ và vợ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam. Năm nay chắc hẳn không ngoại lệ. Nhưng với mình, món quà quý giá nhất chính là sức khỏe của mẹ, của cả gia đình. Lúc trước, khi về đến Hà Nội, mong muốn và suy nghĩ đầu tiên của mình chính là làm sao để mẹ có sức khỏe thể tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Chỉ tiếc do sức khỏe của mẹ mình chưa thật đảm bảo nên ước nguyện đó vẫn chưa thể thực hiện”.
THẢO HƯƠNG