3 tuần liên tiếp ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết

Chia sẻ

Những tuần qua, Hà Nội liên tục ghi nhận các ổ dịch, ca mắc sốt xuất huyết mới, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Dự báo số người mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Trẻ bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ươngTrẻ bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương (Ảnh: BVCC)

Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay, cả nước có hơn 60.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết; 3 tuần liên tiếp đều ghi nhận ca tử vong ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bình Định, Bình Phước, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh.

Ghi nhận các ổ dịch phức tạp

Hà Nội là khu vực trọng điểm về sốt xuất huyết của khu vực miền Bắc. Bệnh nhân phân bố ở 29/30 quận, huyện; 332/579 xã, phường, thị trấn, trong đó đã ghi nhận các ổ dịch phức tạp, có số mắc cao, diễn biến kéo dài nhiều tháng như: phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm); xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai), xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ).

Thống kê tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em (bệnh viện Nhi TƯ), từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9. Hiện tại khoa đang điều trị cho 6-7 trường hợp mắc sốt xuất huyết. TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em dự báo: Số ca mắc sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới do đây đang là mùa mưa; nắng nóng xen kẽ các trận mưa rào tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển.

Lũy tích từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.915 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong tại quận Nam Từ Liêm và Hoàn Kiếm. Theo chu kỳ hằng năm, đỉnh dịch từ tháng 9 đến tháng 11. Riêng tuần đầu của tháng 9 đã có 228 ca sốt xuất huyết mới.

TS Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, thời gian gần đây, độ tuổi các trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết rất đa dạng. Có những bệnh nhi mới 5-6 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết, nguyên nhân có thể do lây từ người mẹ mắc sốt xuất huyết, may mắn là bệnh không nặng. Nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc sốt xuất huyết. Điển hình là gia đình bệnh nhi Nguyễn Trung Kiên (6 tuổi, trú tại Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội). Sau 2 ngày bệnh nhi nhập viện, anh trai cháu ở nhà bắt đầu sốt, đi khám được xác định mắc sốt xuất huyết và được chỉ định điều trị tại nhà do bệnh nhẹ. Ông ngoại cháu cũng được xác định mắc sốt xuất huyết.

Trước đó, cháu Kiên bắt đầu có dấu hiệu sốt vào ngày 31/8. Khi sốt cao tới 40-410C, uống thuốc không hạ, bỏ ăn và nôn, cháu được đưa tới khám tại bệnh viện huyện Đan Phượng và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Điều trị tại đây 2 ngày không đỡ, gia đình xin chuyển cháu Kiên lên bệnh viện Nhi TƯ. Qua 8 ngày điều trị, dù còn mệt, ăn uống kém nhưng sức khỏe bệnh nhi đã tiến triển tốt hơn. Được biết, hàng xóm quanh nhà bệnh nhi Nguyễn Trung Kiên cũng có nhiều người bị sốt xuất huyết.

Cha mẹ không được tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

TS.BS Nguyễn Văn Lâm thông tin: Sốt xuất huyết là bệnh do virus gây nên, biểu hiện khởi phát thường là mệt mỏi, đau người, sốt nhẹ, ngày 2-3 sốt cao và thêm biểu hiện xuất huyến, nôn ói, kém ăn, rối loạn về ý thức, nếu nặng có biểu hiện sốc do thoát dịch. Ở trẻ em, do các dấu hiệu ban đầu dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên cha mẹ cần đưa con tới cơ sở y tế thăm khám, theo dõi chẩn đoán bệnh và được hướng dẫn chăm sóc. Nếu mắc sốt xuất huyết thể nhẹ, trẻ cần được chăm sóc hợp lý, nằm ở nơi thoáng mát, hạ sốt đúng cách và theo dõi biểu hiện mệt mỏi, kém ăn…; tránh bỏ sót các dấu như xuất huyết trên da, niêm mạc…

Đặc biệt, cha mẹ không được tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, phải dùng đúng liều theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thực tế tại bệnh viện Nhi TƯ, đã có nhiều trường hợp trẻ sốt xuất huyết được cho uống paracetamon hạ sốt. Vì nhiệt không giảm, cha mẹ tự cho trẻ dùng thêm ibuprofen mà không biết rằng đây là thuốc chống chỉ định trong điều trị sốt xuất huyết. Kết quả bệnh nhi phải nhập viện cấp cứu do xuất huyết tiêu hóa nặng.

Từ thực tế điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, TS.BS Lâm cũng cảnh báo: Với sốt xuất huyết, nguy hiểm nhất là sốc do thoát dịch, trường hợp khi đến giai đoạn ngày thứ 3-6 thường biểu hiện nặng, trẻ có thể sốc do thiếu dịch, do vậy bù dịch rất quan trọng. Tuy nhiên, sau ngày thứ 5-6 thường là giai đoạn tái hấp thu, nên bù dịch không đúng theo phác đồ trẻ dễ tràn dịch đa màng, khó thở… rất nguy hiểm.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).