Bài toán chi phí điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính nặng

Chia sẻ

Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần trẻ bình thường. Hiện, toàn quốc còn hơn 330.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính nặng cần phải điều trị.

Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng còn cao

Năm 2021, Việt Nam vẫn là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng SDD cao nhất. Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD và có nguy cơ bị tổn thương não và thể chất lâu dài. Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo nhất có nguy cơ bị còi cọc cao gấp 3 lần so với trẻ sống trong hộ gia đình khá giả hơn. Vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc – nơi có nhiều người dân tộc thiểu số là khu vực có tỉ lệ trẻ em SDD cao nhất; trong các nhóm dân tộc thiểu số này, người Mông có tỷ lệ cao nhất 65%.

Biếng ăn là một trong những nguy cơ gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏBiếng ăn là một trong những nguy cơ gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

Đặc biệt, sau 2 năm (2020 và 2021) nước ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và các vụ hạn hán, lụt lội; thì tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em, thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ và thiếu các vi chất dinh dưỡng thường cao hơn so với trung bình của quốc gia. Tỷ lệ SDD cấp tính nặng ở trẻ em có thể tăng từ 0,6 – 1% so với bình thường. Các báo cáo đánh giá gần đây cho thấy trẻ em và phụ nữ ở các vùng thiên tai, dịch bệnh có khẩu phần ăn hằng ngày kém về chất lượng bên cạnh môi trường, vệ sinh nước sạch, làm gia tăng trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD cấp tính và phụ nữ có thai và cho con bú bị thiếu vi chất dinh dưỡng.

SDD cấp tính nặng biểu hiện ở chỉ số cận nặng theo chiều cao rất thấp (dưới 3 điểm chuẩn Z score theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Biểu hiện nặng nhất của SDD cấp tính nặng là thể gày gò teo đét (Marasmus), hoặc dạng phù nề rõ rệt (Kwashiorkor), Nếu không được điều trị ngay, các trẻ SDD cấp tính nặng này dễ bị tử vong.

Trẻ bị SDD cấp tính nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân tử vong chính ở trẻ em dưới 5 tuổi một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi.

SDD dẫn đến 45% các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi (tương đương hơn 3 triệu ca tử vong trẻ em mỗi năm trên toàn cầu). SDD cũng liên quan đến giảm khả năng và năng suất lao động, làm giảm 10% thu nhập suốt đời, từ đó làm suy yếu nguồn nhân lực, làm tăng trưởng kinh tế toàn xã hội giảm ít nhất 8%.

Bổ sung điều khoản điều trị SDD cấp tính nặng vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi

Do vậy, rất cần có cơ chế tài chính cho khám, điều trị trẻ SDD cấp tính nặng. Từ năm 2016, mô hình quản lý và điều trị trẻ em SDD cấp tính nặng bằng sản phẩm điều trị chuyên biệt theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) do UNICEF hỗ trợ (gồm 03 chế  phẩm F-75, F-100 và RUTF) sau khi triển khai thành công ở Kon Tum đã được mở rộng trên 22 tỉnh, thành và các tổ chức quốc tế khác. Tuy vậy, độ bao phủ của can thiệp có hiệu quả cao này còn rất hạn hẹp, chỉ đáp ứng được 10% các ca SDD cấp tính nặng trên toàn quốc. Hậu quả là, 90% các ca SDD cấp tính nặng không được điều trị.

Trên cơ sở đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có hướng dẫn phác đồ điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính bằng Sản phẩm chuyên biệt và Cục khám Chữa bệnh của Bộ YT cũng đã có hướng dẫn quy chuẩn quốc gia sử dụng sản phẩm chuyên biệt này. Các chuyên gia của UNICEF cũng khuyến cáo trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị, cứu sống, tránh được biến chứng khi sử dụng các sản phẩm điều trị chuyên biệt theo công thức của WHO. Các chế phẩm này đều đã có qui định rất chi tiết về thành phần và các đặc tính chuyên biệt để điều trị theo đơn thuốc của bác sỹ tại các cơ sở y tế, bảo đảm độ an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh suy dinh dưỡng nặng cấp tính.

Hiện nay, hầu hết trẻ em bị SDD cấp tính nặng đều tập trung ở những địa phương nghèo và là con của những gia đình nghèo, trong khi nước ta vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính nào được xác định từ ngân sách trung ương hoặc địa phương cho Quản lý SDD cấp tính nặng. Việc mở rộng can thiệp này trên toàn quốc đòi hỏi phải có cơ chế chi trả cho việc quản lý và điều trị trẻ SDD cấp tính nặng, thay vì phụ thuộc vào hỗ trợ của các nhà tài trợ.

Để cải thiện tình hình trẻ em bị SDD cấp tính nặng, Tổ chức UNICEF khuyến nghị Việt Nam bổ sung một quy định cụ thể về việc sử dụng sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt trong điều trị trẻ em bị SDD cấp tính nặng trong Luật Khám bệnh, Chữa bệnh sửa đổi và phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.

Hiện tại, Việt Nam đang phát triển chiến lược quốc gia về IMAM giai đoạn 2011-2020, bao gồm việc phát triển sản phẩm RUTF sản xuất trong nước. Từ năm 2009, Viện Dinh Dưỡng quốc gia, UNICEF và Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) đã đồng kết hợp nghiên cứu phát triển sản xuất sản phẩm RUTF trong nước với tên gọi là HEBI. Sản phẩm sử dụng các nguyên liệu truyền thống, được bổ sung thêm sữa và vitamin khoáng chất phù hợp với các tiêu chí của sản phẩm RUTF tiêu chuẩn.

Trong giai đoạn đầu, sản phẩm được sản xuất dưới dạng thanh ép (viên ép), có cấu trúc và vị gần giống với một sản phẩm truyền thống là “bánh đậu xanh”. Sau đó sản phẩm được phát triển thêm dạng sệt nhằm mục đích đa dạng và phù hợp cho trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn. Sản phẩm RUTF trong nước được sản xuất tại Trung tâm Thực phẩm dinh dưỡng NINFood thuộc Viện Dinh Dưỡng, với nhà máy sản xuất được chứng nhận tiêu chuẩn HACCP và đạt hệ thống  ISO 22000 từ tháng 4 năm 2013.

Sản phẩm RUTF-HEBI đã được giới thiệu thử nghiệm thành công trong điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại 5 bệnh viện (Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện đa khoa Huế, Bệnh viện tỉnh Kon Tum, Bệnh viện huyện Dakha và Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) và 9 xã thuộc huyện Dakha-tỉnh Kon Tum trong năm 2011. Sau hơn 6 tháng thử nghiệm, kết quả rất tiềm năng với tỉ lệ hồi phục đạt 94.7%, tỉ lệ tử vong là 0%, tỉ lệ bỏ cuộc là 3.6% và tỉ lệ không đáp ứng là 1.6% (Phuong Huynh et al., 2013).

Để quản lý suy dinh dưỡng cấp tính nặng, ngoài các quản lý và các chăm sóc điều trị y tế khác thì chế độ ăn và các sản phẩm dinh dưỡng điều trị đóng vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay, việc thực hiện BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi đã mang lại nhiều ưu việt trong chăm sóc sức khỏe trẻ em, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, dù không phải chi trả tiền viện phí, nhưng chi phí dành cho chế độ ăn và các sản phẩm điều trị SDD nặng đã chiếm phần lớn chi tiêu của các gia đình có trẻ bị bệnh. Việc không chi trả được chi phí của các sản phẩm điều trị được chỉ định trong điều trị suy dinh dưỡng dẫn đến những khó khăn về kinh tế cho gia đình bệnh nhi, ảnh hưởng tới chất lượng điều trị.

Các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt F-75, F-100 và RUTF đã được tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo chỉ định sử dụng trong quản lý và điều trị trẻ SDD cấp tính nặng, nhằm góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ và vì vậy không chỉ nên xem những sản phẩm này như là thực phẩm thông thường mà cần được xem như là thuốc bởi vì các sản phẩm này chỉ được thiết kế để phục vụ mục đích điều trị. Các sản phẩm dinh dưỡng điều trị này đóng vai trò then chốt, có nhu cầu sử dụng rất cao và hiện không thuộc phạm vi quyền lợi về bảo hiểm y tế. Vì vậy, cần thiết phải có cơ chế chính sách đưa các sản phẩm F-75, F-100 và RUTF vào danh mục thuốc thiết yếu được chi trả bởi Quỹ BHYT để đảm bảo trẻ em được tiếp cận với các sản phẩm dinh dưỡng điều trị đặc hiệu. Đây là việc làm cần thiết, là cơ sở cho quá trình tiếp tục hoàn thiện và điều chỉnh chính sách BHYT nhằm kết hợp hài hòa giữa việc đảm bảo cân đối quỹ và bảo về quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi trong khám chữa bệnh,

BS. NGUYỄN TRỌNG AN (Chuyên gia Dinh dưỡng Bà mẹ - Trẻ em)

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).