Báo động vô sinh, hiếm muộn tăng cao
PNTĐ-Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về tình trạng vô sinh, hiếm muộn, với hơn 1 triệu cặp vợ chồng đang độ tuổi sinh đẻ gặp khó khăn khi muốn sinh con.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về tình trạng vô sinh, hiếm muộn, với hơn 1 triệu cặp vợ chồng đang độ tuổi sinh đẻ gặp khó khăn khi muốn sinh con; tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng chưa biết về các nguy cơ dẫn đến vô sinh hiếm muộn, khiến cho việc phát hiện và điều trị vô sinh gặp rất nhiều khó khăn.
Giọt nước mắt… mong con
Ngày 6/9, vợ chồng chị Nguyễn Thị Xuân Hoà, 40 tuổi, ở Hà Nội “khăn gói” tìm đến Trung tâm nam học và hiếm muộn Hà Nội. “Vợ chồng tôi lập gia đình gần 10 năm mà vẫn chưa có con. Nghĩ rằng, “máy móc” của mình vẫn tốt nên chúng tôi đã trì hoãn việc có con nhiều năm và đến nay thì quá muộn” – vừa nói, mắt chị Hoà ngấn nước. Bác sĩ trực tiếp khám và tư vấn cho vợ chồng chị Hoà xác định: Bệnh vô sinh của vợ chồng chị không rõ nguyên nhân nên rất khó khăn trong quá trình điều trị. Cộng thêm yếu tố tuổi tác (trên 40 tuổi), cơ hội có thai sẽ thấp.
Kết hôn đã 7 năm, vợ chồng anh Lê Văn Phúc (Q. Hoàng Mai) vẫn rầu rĩ chuyện con cái. Qua các lần thăm khám, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân xuất phát từ anh do số lượng “tinh binh” không đủ mạnh để tấn công vào trứng… Cơ hội tốt nhất để vợ chồng anh Phúc có con là phải làm thụ tinh trong ống nghiệm. “Lần đầu tiên hết 70 triệu đồng, các lần tiếp theo 40 triệu đồng. Nhà cửa bán hết và vay mượn lên tới gần 200 triệu đồng rồi. Giờ đây, tài chính đã cạn kiệt, hy vọng có con của vợ chồng tôi dần khép lại” – anh Phúc quay đi, giấu vội giọt nước nơi khóe mắt.
Hy vọng chưa tắt
![]() |
Một ca hiếm muộn vô sinh được tư vấn tại Trung tâm nam học và hiếm muộn Hà Nội. Ảnh: Ngọc Duy |
Theo BS Lê Lương Văn Vệ, hiện nay VN đã có tất cả các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, điều trị vô sinh cho các cặp đôi hiếm muộn. Đặc biệt, Việt Nam đang là quốc gia đi đầu trong một số kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART) trong khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ thành công trong ống nghiệm đạt 70% tại BV Phụ sản T.Ư; 60% tại BV Từ Dũ (TP.HCM) và khoảng 45-50% tại Trung tâm. Chi phí cho một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm ở Trung tâm đang thực hiện từ 19,8 - 20 triệu đồng, rẻ hơn gần 10 lần so với các nước khác như Mỹ, Anh, Singapore...
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trước đây điều trị vô sinh ở VN thường tập trung vào phẫu thuật nội soi và bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Tuy nhiên đây là các kỹ thuật gây nhiều biến chứng với tỉ lệ thành công không cao. Gần đây điều trị vô sinh đã có những tiến bộ vượt bậc như kỹ thuật gỡ dính tạo hình loa vòi, nối vòi tử cung bằng vi phẫu hoặc nối qua nội soi. Đặc biệt, các phẫu thuật can thiệp xử lý những sự cố ở buồng tử cung cũng như các kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, chọc hút tinh trùng từ mào tinh, trữ lạnh phôi... dẫn đến tỉ lệ thành công cao.
Tâm Thanh