Bí quyết giúp ổn định sức khỏe tâm trí, vượt qua các cú sốc tâm lý hậu Covid-19

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình trạng suy giảm thể chất, tinh thần, cảm xúc và tài chính đã giúp mỗi người nhận ra, quan tâm sức khỏe thôi là chưa đủ. Giai đoạn bình thường mới, mọi người ngày càng quan tâm đến giải pháp đột phá trong chăm sóc bản thân là bảo vệ sức khỏe toàn diện.

Báo Phụ nữ Thủ đô đã có buổi trò chuyện với Thạc sỹ, chuyên gia tâm lý Ngô Thị Thu Huyền, Giám đốc văn phòng Tâm Lý và Đời Sống về vấn đề này.

Covid-19 khiến sức khỏe thể chất – tâm trí của nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Thưa Chuyên gia tư vấn tâm lý Ngô Thị Thu Huyền, bà đánh giá như thế nào về vấn đề tâm lý nói chung trong thời buổi hiện nay, đặc biệt là sau thời kỳ Covid-19 kéo dài?

Thạc sỹ, chuyên gia tâm lý Ngô Thị Thu Huyền: Các khó khăn tâm lý có thể xảy đến với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. Khi các khó khăn tâm lý “kéo tới”, nó luôn để lại những hệ lụy nghiêm trọng đến đời sống tâm trí của mỗi cá nhân, ảnh hưởng đến chất lượng làm việc, sinh hoạt và làm giảm chất lượng của cả các mối quan hệ xung quanh cá nhân đó, đặc biệt là sau thời kỳ Covid-19 kéo dài. Nhớ lại thời gian toàn cầu thực hiện giãn cách xã hội, mọi nhu cầu gặp gỡ, kết nối với các mối quan hệ đều bị hạn chế, cả thế giới phải đối mặt với nỗi lo sợ về sự lây nhiễm, về những mất mát đột ngột của những người thân yêu, mất việc làm, những lo lắng về tài chính, hàng nghìn hàng nghìn những nỗi lo đổ dồn… Lúc này, con người được đặt trước thách thức lớn cho việc thích nghi và tiếp tục tăng trưởng.

Bí quyết giúp ổn định sức khỏe tâm trí, vượt qua các cú sốc tâm lý hậu Covid-19 - ảnh 1
Thạc sỹ, chuyên gia tâm lý Ngô Thị Thu Huyền, Giám đốc Văn phòng Tâm lý và Đời sống

Thống kê tình trạng lo âu và trầm cảm được Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) cho thấy, tình trạng lo âu, trầm cảm trong thời kỳ Covid-19 tăng lên 25% dân số toàn cầu. Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: “Thông tin chúng tôi có được về tác động của Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần của thế giới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.

Qua đây, chúng ta có thể thấy mặc dù gọi đây là giai đoạn hậu Covid-19 nhưng vẫn tiềm ẩn đầy rẫy những nguy cơ giảm sút sức khỏe tâm trí. Như vậy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm trí sau đại dịch là rất cần thiết để giúp đỡ cho mỗi cá nhân tăng trưởng và thích nghi với xã hội hiện tại.

Nếu sức khỏe toàn diện gồm 3 khía cạnh là thể chất – tâm thần – xã hội, vậy các biện pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện cũng không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khỏe thân thể nữa mà còn bao gồm cả các biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm trí – xã hội. Chuyên gia có thể chia sẻ một vài giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm trí dễ thực hiện tại nhà được không?

3 khía cạnh của sức khỏe liên quan với nhau rất mật thiết. Một con người lành mạnh về tâm thần, tâm trí, thì cũng lành mạnh trong các mối quan hệ xã hội và đạt được các mục tiêu cuộc sống một cách thuận lợi. Một người có các khúc mắc không gỡ bỏ được hoặc gặp thử thách lớn trong đời sống thì sức khỏe tâm thần cũng bị ảnh hưởng ngắn hạn, dài hạn mà sức khỏe thể chất cũng “chênh vênh” ở một hay một vài cơ quan chức năng. Nên khi chăm sóc sức khỏe tâm trí – đúng là ta đang chăm sóc tốt cho sức khỏe nói chung của con người cá nhân và của cộng đồng.

Bí quyết giúp ổn định sức khỏe tâm trí, vượt qua các cú sốc tâm lý hậu Covid-19 - ảnh 2
Thạc sỹ, chuyên gia tâm lý Ngô Thị Thu Huyền tư vấn tâm lý cho khách hàng

Ta có thể nói đến những việc làm giống như là “vệ sinh” tâm trí vậy. Điều này chính là chăm sóc mối liên hệ chặt chẽ: một tâm hồn lành mạnh có ở trong một cơ thể lành mạnh. Mặc dù mỗi cá nhân có những đặc điểm và khí chất khác nhau, ví dụ có người yêu thích thiên nhiên, có người yêu thích các mối quan hệ, thì việc nuôi dưỡng tinh thần cũng khác nhau, nhưng chúng ta hãy nhớ tới những điều cơ bản mỗi ngày:

Lắng nghe bản thân và yêu thương bản thân: Hãy tinh tế và đón nhận các cảm xúc của mình, các nhu cầu của mình và xoa dịu, đáp ứng một cách thỏa đáng.

Chống lại sự căng thẳng một cách có ý thức: Ý thức về những sự kiện xảy tới và có các chiến thuật tâm trí hiệu quả để đương đầu.

“Kiêng khem” thông tin, truyền thông: Mỗi ngày hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định không có điện thoại và phương tiện kết nối mạng xã hội, mạng thông tin, để bạn có thể tập trung vào các hoạt động cá nhân và chăm sóc các mối quan hệ hiện hữu.

Củng cố lòng tự tôn: Hiểu về những gì mình đáng được nhận, đáng được hưởng; hiểu về những niềm tin cản trở sự tăng trưởng của cá nhân; cho mình một tầm nhìn lớn về năng lực của bản thân; và mỗi ngày bạn sẽ tự tin hơn, tự hào hơn.  

Chăm sóc mình liên quan tới những sang chấn đã trải qua, hay nỗi đau khổ phải chịu đựng: Rất có thể, những nỗi chịu đựng này để lại dư chấn trên cơ thể, trên tinh thần của bạn mà bạn không biết; nhưng sẽ có những biểu hiện nhất định của các nỗi chịu đựng đó: sự đau ốm về cơ thể mà không chữa trị được dứt điểm về mặt y khoa; hay sự thất bại trong những mục tiêu ý chí; hay sự đổ vỡ trong mối quan hệ…  

Ý thức tốt về sức khỏe tâm trí cá nhân, thì chúng ta cũng sẽ tôn trọng và tạo điều kiện cho sự chăm sóc sức khỏe tâm trí của người khác. Một cộng đồng những người lành mạnh sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế lớn hơn, sự an toàn trong xã hội tốt hơn, và sự văn minh văn hóa cao hơn.

Hỗ trợ, điều trị tâm lý là rất cần thiết!

Khi nào, những người rối nhiễu tâm trí cần tìm đến văn phòng tâm lý để điều trị và gỡ rối các vấn đề khó khăn của mình?

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong tháng 6 năm 2022, cứ 8 người thì có 1 người mắc khó khăn tâm lý. Ở những khu vực có xảy ra xung đột, thì cứ 5 người có 1 người chịu rối nhiễu tâm trí. Ở Việt Nam, số người đi tìm gặp nhà chuyên môn để chăm sóc khó khăn về tâm trí so với số người có khó khăn tâm trí hẳn còn rất ít, do vẫn còn sự kỳ thị về bệnh sức khỏe tâm thần, trong khi, việc mắc khó khăn tâm trí cũng giống như ta mắc chứng bệnh nào đó về cơ thể, cần được chăm chữa để ta còn hồi phục và gia nhập lại xã hội một cách khỏe mạnh.

Trên thực tế thì có 4 tình huống phổ biến để một người đi tìm gặp nhà chuyên môn trong việc chăm sóc sức khỏe tâm trí:

Tình huống mang tính sự vụ: Ly hôn, mất việc, chia tay người yêu, mất người thân… những tình huống mà quá sức chống đỡ của con người tại thời điểm đó, họ cần người tin cậy để giúp họ gượng dậy tinh thần và vượt qua nỗi đau khổ đó

Tình huống mang tính bệnh tâm trí: Có nhiều bệnh về sức khỏe tâm thần có thể nhận trợ giúp tâm lý mà không cần phải viện đến thuốc men (trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh). Nhưng nhiều trường hợp có sự phối hợp giữa sử dụng thuốc và trợ giúp tâm lý thì sẽ hiệu quả hơn.

Khi người ta muốn thay đổi một số nét tính cách của bản thân mà tự mình họ không thể nào làm được, ví dụ khi họ cảm thấy mình nhu nhược, hoặc mình hay nản chí, hoặc mình không thể thân thiện trong các mối quan hệ xã hội..

Khi muốn giúp đỡ bên thứ 3: Ví dụ bố mẹ hay người thân đến trao đổi với nhà tâm lý để giúp đỡ con em mình.

Bí quyết giúp ổn định sức khỏe tâm trí, vượt qua các cú sốc tâm lý hậu Covid-19 - ảnh 3

Một buổi trị liệu của Thạc sỹ, chuyên gia tâm lý Ngô Thị Thu Huyền tại trung tâm Tư vấn và Đời sống

Tại các văn phòng tâm lý, trong đó, văn phòng Tâm lý và Đời sống (số 50/31 Lê Văn Duyệt, phường 1, quận Bình Thạnh, TPHồ Chí Minh) cũng đang thực hiện các dịch vụ tư vấn, tham vấn tâm lý, trị liệu tâm lý cho trẻ em gặp khó khăn trong học tập, mối quan hệ cảm xúc, rối loạn cư xử…, người lớn trầm cảm và các rối loạn khí sắc, cảm xúc; khó khăn trong mối quan hệ cặp đôi; rối loạn lo âu, ám ảnh; rối loạn giấc ngủ, hành vi ăn uống, các rối loạn tâm thể, loạn thần…

Đối với trẻ em, việc giúp các em ổn định tâm lý, đồng thời phát huy kỹ năng xã hội, chú trọng xây dựng và củng cố bản sắc cá nhân và lòng tự tôn cần những yếu tố gì, thưa bà?

Trong một thế giới mà sự đổi thay đòi hỏi con người phải thích nghi, thậm chí là phải cam kết với nó, mỗi cá nhân cần sở hữu trong mình sự vững vàng và lành mạnh về mặt tâm trí để tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia nhập xã hội hiệu quả, đạt tới những thành tựu mong muốn. 

Ở lứa tuổi trẻ vị thành niên, trẻ trải qua cuộc “cách mạng” về tâm lý và sinh lý, cũng như những thử thách và các trải nghiệm giúp trẻ định hình nhân cách trưởng thành sau này. Đây là giai đoạn mà các câu hỏi lớn được đặt ra như “Tôi là ai, tôi thế nào?”, “Tôi muốn trở thành người như thế nào?”, “Tôi có vai trò, khả năng và giới hạn gì?”, “Làm thế nào để thực hiện những ước mơ?”…

Ở vị trí là một nhà tâm lý, tôi đã đón tiếp, quan sát và trợ giúp nhiều trẻ vị thành niên, và nhận thấy sự khó khăn của trẻ khi thiếu sự trợ giúp trẻ trong việc xây dựng cho mình một hình ảnh về chính bản thân một cách tích cực, giúp cho trẻ sống cân bằng và phát huy được năng lực cá nhân. Và khi đã rơi vào các tình huống rối nhiễu tâm lý do hệ quả của việc thiếu những thông tin và các chiến lược cần thiết để tư duy một cách khách quan và thỏa đáng về thế giới, thì sẽ mất nhiều thời gian để chữa lành và hòa nhập trở lại.

Do đó, cha mẹ có thể cho trẻ tham gia các lớp học về xây dựng và củng cố bản sắc cá nhân, tìm hiểu thông tin và cách thức để sống những giá trị, những kỹ năng mà là hành trang tâm lý – tâm trí chuẩn bị cho trẻ bước vào đời sống hoàn toàn độc lập của người trưởng thành sau này.

Trẻ biết nhận diện mối quan hệ với chính bản thân mình: Gọi tên cảm xúc, quản lý cảm xúc – tạo kênh dẫn lành mạnh cho cảm xúc được sống an toàn và thỏa đáng; nhận diện những suy nghĩ thiếu logic, tiêu cực - ảnh hưởng tới cảm xúc và gây ra những hệ quả trong ứng xử, lời nói; lòng tự tôn cá nhân, các mối quan hệ cá nhân, biết vị trí của mình khi gia nhập cộng đồng và vai trò của mình trong việc xây dựng môi trường sống xung quanh bao gồm các khía cạnh về môi trường và tạo dựng cộng đồng sống tích cực…Từ đó hình thành sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm, và sự tự tôn cần có của mỗi con người.

Xin cảm ơn Thạc sỹ, chuyên gia tâm lý Ngô Thị Thu Huyền!

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.