Thai phụ chớ chủ quan với hậu Covid-19

Chia sẻ

Theo chuyên gia sản khoa, các biến chứng của hậu Covid-19 ở thai phụ, bà mẹ sau sinh có nguy cơ tăng gấp nhiều lần so với người bình thường, bởi bản thân thai phụ được coi là người có bệnh nền và hệ miễn dịch kém hơn.

Thời gian qua, số ca mắc Covid-19 là thai phụ có sự gia tăng, tuy nhiên hầu hết tập trung vào những trường hợp chưa tiêm vắc-xin. Do biến chủng Omicron có biểu hiện bệnh khá âm thầm, triệu chứng nhẹ nên nhiều bà bầu chủ quan không đi tái khám sau khi khỏi Covid-19. Một vài kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 25% sản phụ bị ảnh hưởng tới sức khoẻ trong giai đoạn hậu Covid-19.

Thông thường, các triệu chứng hậu Covid-19 xuất hiện từ 4 tuần trở lên sau khi mắc bệnh; biểu hiện ở cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Biến chứng của hậu Covid-19 có thể gặp ở các hệ cơ quan như: Não, tim, phổi (tức ngực kéo dài, ho kéo dài, hoạt động gắng sức mệt mỏi), thận, tụy, cơ (đau mỏi cơ, thậm chí có biểu hiện tắc mạch ở chi)... Có người luôn cảm giác lo âu và hoang mang khiến cuộc sống kém chất lượng, có người mất ngủ, rối loạn cơ thể, dẫn tới trầm cảm, rối loạn hành vi... Với thai phụ, bà mẹ sau sinh, những nguy cơ này tăng gấp nhiều lần.

Bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội tư vấn sức khỏe cho thai phụ	 Ảnh: BVCCBác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội tư vấn sức khỏe cho thai phụ Ảnh: BVCC

Thai phụ bị ảnh hưởng hậu Covid-19 kéo dài có thể không ảnh hưởng trực tiếp tới cấu trúc em bé trong bụng, song làm tăng nguy cơ cho thai như: Biến chứng tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, suy thai, thai lưu, đẻ non, tử vong sơ sinh. Cụ thể, khi mẹ ho nhiều sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp oxy cho em bé, tăng áp lực ổ bụng, gây nguy cơ đẻ non. Hoặc khi yếu tố đông máu ở thai phụ tăng lên sẽ làm giảm cung cấp máu cho em bé, khiến thai chậm phát triển trong buồng tử cung.Với các trường hợp này, nếu được thăm khám sớm, bệnh viện đều có phác đồ điều trị toàn diện, đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Bởi vậy, vấn đề hậu Covid-19 với thai phụ rất cần được quan tâm, theo dõi, thậm chí phải có bác sĩ chuyên sâu tầm soát tất cả các yếu tố, phát bệnh cơ quan nào thì phối hợp với bác sĩ chuyên ngành cơ quan đó để điều trị bệnh. Chúng ta cần hiểu rằng, khám hậu Covid-19 không phải đi khám để chữa bệnh, đôi khi chỉ là tầm soát, kiểm tra xem cơ thể đã hoàn toàn ổn định sau thời gian điều trị hay chưa; đồng thời sàng lọc các bệnh lý mạn tính, tiềm ẩn, nay khởi phát bởi các đáp ứng viêm trong Covid-19 như tiểu đường, tuyến giáp, rối loạn khoáng, một số bệnh tự miễn.

Nếu thực sự ổn định thì là may mắn, nếu phát hiện ra cũng là may mắn vì nhờ đó thai phụ cùng bác sĩ sẽ lên kế hoạch theo dõi thai, chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn; để quản lý nguy cơ một cách toàn diện nhất và giảm được các rủi ro tốt nhất cho thai phụ. Trong trường hợp thai phụ chưa đi thăm khám thì cần quan tâm 3 vấn đề: Tăng cường dinh dưỡng, thể dục phù hợp với sức khỏe; tập thở mỗi ngày; uống nhiều nước, kể cả khi không khát.

TS.BS Nguyễn Thị Sim
Phụ trách Trung tâm Can thiệp Bào thai, bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

(PNTĐ) - Theo thống kê, hiện số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao (ước tính trên 100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị...
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

(PNTĐ) - Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.