Cần “mạnh tay” ngăn chặn thuốc lá điện tử

Chia sẻ

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi từ 13-17 sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%. Riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM lên tới 7%.

Cần “mạnh tay” ngăn chặn thuốc lá điện tử - ảnh 1 (Ảnh: Ảnh minh họa. Nguồn: Int)

Nhiều chiêu trò quảng cáo nhắm vào giới trẻ

Một khảo sát về sử dụng thuốc lá mới ở giới trẻ do tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng HealthBridge và Hội Y tế công cộng Việt Nam thực hiện tháng 7/2020 cho thấy, giới trẻ bị ảnh hưởng bởi các chiến lược quảng cáo.

Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thông tin: Hiện nay, nhiều nhà sản xuất và phân phối thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính, nhắm vào nhóm đối tượng trẻ. Hàng loạt “chiêu trò” đã được sử dụng như: không kiểm tra độ tuổi khi bán sản phẩm, thuê những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo, tổ chức các sự kiện nghệ thuật để tiếp thị, bán giá rẻ, thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng và kích thước; đóng gói như kẹo với nhiều loại hương vị khác nhau…

Liên quan tới thuốc lá điện tử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng kết luận: “Không giống như các dược phẩm chứa và không chứa nicotine đã được thử nghiệm có tác dụng giúp bỏ thuốc lá, WHO không xác nhận thuốc lá điện tử giúp hỗ trợ cai nghiện”.

Ngoài ra, để thu hút người sử dụng, các hãng thuốc lá quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng khẳng định: Đối với trẻ vị thành niên, nicotine gây mất kiểm soát, kém tập trung, trí nhớ giảm sút. Thậm chí, một số loại thuốc lá còn tiềm ẩn nguy cơ trộn ma túy, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của người hút, hay tính an toàn của thuốc lá điện tử khi sử dụng có thể gây cháy nổ…

Chưa kể, với chiêu thức quảng cáo đánh trúng thị hiếu của giới trẻ, các sản phẩm thuốc lá điện tử chẳng những không giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, mà còn làm giảm hoặc cản trở việc cai thuốc lá ở cấp độ quần thể thông qua việc sử dụng kép (xen kẽ giữa thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) hoặc cả 3 loại này.

Cần ngăn chặn việc sử dụng ngay từ đầu

Tại hội thảo trao đổi thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định: Hiện nay, quy mô của thị trường đối với các sản phẩm thuốc lá mới còn ít, không đáng kể (2,6%) và chưa sản xuất trong nước. Do đó, việc ngăn chặn sử dụng sản phẩm ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn là cho phép thí điểm dẫn đến nguy cơ phát triển sản phẩm mới song song với thuốc lá điếu thông thường.

“Hơn nữa, cấm mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng là một xu hướng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Để phù hợp với xu hướng chung, đồng thời tránh phải giải quyết những hậu quả tương tự như một số quốc gia, Việt Nam nên cấm hoàn toàn mua bán, kinh doanh thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử” - bà Trang nhấn mạnh.

Bày tỏ thái độ kiên quyết trong việc cần có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử, nung nóng, Nguyễn Huy Quang cho hay, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chính phủ kiến nghị cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

YÊN HƯNG 

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).