Cảnh báo nguy cơ mắc giun đũa do nuôi chó, mèo

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khoa Nội Tổng hợp – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ tên T (42 tuổi, đến từ Vĩnh Phúc), nhập viện trong tình trạng ngứa sẩn khắp cơ thể, đặc biệt tại lòng và mu bàn tay trái xuất hiện một vệt dài loằng ngoằng, nổi gồ lên, dài khoảng 5-8 cm.

Bệnh nhân đã được chỉ định làm xét nghiệm ký sinh trùng và xét nghiệm kháng thể dị ứng. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với giun đũa chó mèo (Toxocara spp).

Khi có kết quả xét nghiệm, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và nhận định vệt gồ trên tay bệnh nhân chính là do sự di chuyển của ấu trùng giun đũa chó mèo dưới da. Qua khai thác tiền sử được biết bệnh nhân làm nghề nông và đang nuôi 8 con vật, trong đó có 3 con chó và 5 con mèo.

Cảnh báo nguy cơ mắc giun đũa do nuôi chó, mèo - ảnh 1
Một trường hợp bệnh nhân xuất hiện ấu trùng di chuyển dưới da.

Sau quá trình điều trị tích cực, tình trạng ngứa của bệnh nhân đã hoàn toàn biến mất, vết ban trên tay đã liền sẹo hoàn toàn. Bệnh nhân xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định và được hẹn tái khám sau 1 tháng để xét nghiệm lại kháng thể giun đũa chó mèo.

Nếu kháng thể vẫn còn, các bác sĩ sẽ xem xét mức độ giảm để quyết định có tiếp tục điều trị nhằm loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng ra khỏi cơ thể hay không, nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.

TS.BS Vũ Minh Điền – Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp cho biết: Giun đũa chó mèo là một loại ký sinh trùng thường gặp ở chó và mèo. Chúng có khả năng lây nhiễm sang người qua đường tiêu hóa. Khi con người tiếp xúc với đất hoặc nước bị nhiễm trứng giun từ phân chó, mèo, trứng giun có thể xâm nhập vào cơ thể qua miệng và phát triển thành ấu trùng. Những ấu trùng này di chuyển qua các mô cơ thể, gây ra nhiều triệu chứng, phổ biến nhất là ngứa, nổi sẩn và các ban trên da.

BS Điền cho biết thêm: Tỷ lệ nhiễm giun đũa chó mèo trong cộng đồng hiện nay rất cao, đặc biệt ở các khu vực có nhiều người nuôi chó, mèo làm thú cưng. Trước đây, chó mèo chỉ được nuôi để canh giữ nhà cửa hoặc săn bắt chuột, nhưng hiện nay, chúng trở thành thú cưng phổ biến, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm giun sán cho người.

Những người có kháng thể dương tính kèm theo các triệu chứng như ngứa, nổi ban sẩn, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Theo BS Điền, Việt Nam, một quốc gia nông nghiệp nhiệt đới, là môi trường thuận lợi cho nhiều loại bệnh ký sinh trùng phát triển, trong đó có giun đũa chó mèo. Điều này làm cho việc tránh phơi nhiễm hoàn toàn với ký sinh trùng trở nên rất khó khăn.

Khi có các dấu hiệu như nổi ban, sẩn ngứa không rõ nguyên nhân, người dân cần nhanh chóng đến các trung tâm y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa có đủ điều kiện xét nghiệm để chẩn đoán và sàng lọc ký sinh trùng. Điều này giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.

“Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh giun đũa chó mèo rất quan trọng, vì nếu không được xử lý kịp thời, ký sinh trùng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Bên cạnh việc điều trị, cần có các biện pháp phòng ngừa như tẩy giun định kỳ cho chó, mèo và giữ vệ sinh cá nhân để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm" - TS.BS Điền nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Ho kéo dài không rõ nguyên nhân, cụ bà phát hiện sợi dây kim loại mắc trong amidan

Ho kéo dài không rõ nguyên nhân, cụ bà phát hiện sợi dây kim loại mắc trong amidan

(PNTĐ) - Một cụ bà 79 tuổi ở Nam Định nhập viện vì ho dai dẳng nhiều tuần mà không rõ nguyên nhân. Không sốt, không đau họng, không biểu hiện nhiễm trùng hô hấp - chỉ là những cơn ho mỏi mệt lặp lại từng ngày khiến bà mất ngủ, ăn uống kém. Điều không ai ngờ đến là nguyên nhân đến từ một sợi kim loại sắc nhỏ đang mắc sâu trong khe amidan trái - vị trí mà mắt thường không thể quan sát được.
Bệnh viện Ba Vì nâng tầm chuyên môn Nội khoa

Bệnh viện Ba Vì nâng tầm chuyên môn Nội khoa

(PNTĐ) - Ngày 9/4, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì phối hợp với Hội Nội khoa thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học chuyên ngành Nội khoa với chủ đề: “Bệnh viêm loét dạ dày và viêm gan do vi rút”. Sự kiện là bước đi quan trọng nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn, cập nhật kiến thức y học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Hà Nội: Dịch sởi và tay chân miệng gia tăng, sốt xuất huyết duy trì ở mức thấp

Hà Nội: Dịch sởi và tay chân miệng gia tăng, sốt xuất huyết duy trì ở mức thấp

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, từ ngày 28/3 đến 4/4, số ca mắc sởi và tay chân miệng tại thủ đô tiếp tục gia tăng. Dịch sởi bùng phát trên diện rộng với 206 trường hợp tại 30 quận, huyện, trong khi số ca tay chân miệng đạt 203 ca, tăng so với tuần trước. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp giám sát, khoanh vùng và xử lý kịp thời nhằm hạn chế lây lan.