Chữa bệnh bằng hạt đỗ đỏ
PNTĐ-Đỗ đỏ loại nhỏ hạt (Đông y gọi là xích tiểu đậu) vị ngọt, tính bình, qui tâm kinh, tiểu trường kinh, có công hiệu lợi thủy, tiêu thũng, giải độc, thải trừ mủ, tiêu ung nhọt độc…
Đỗ đỏ loại nhỏ hạt (Đông y gọi là xích tiểu đậu) vị ngọt, tính bình, qui tâm kinh, tiểu trường kinh, có công hiệu lợi thủy, tiêu thũng, giải độc, thải trừ mủ, tiêu ung nhọt độc, đau bụng do ung nhọt ở ruột…
Theo nghiên cứu hiện đại, đỗ đỏ loại nhỏ hạt chứa các thành phần protein, chất béo, hợp chất đường, vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, các chất niacin, canxi, sắt, phốt pho, magiê... có các tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu, hạ cholesterol và phòng chống ung thư.
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng đỗ đỏ loại nhỏ hạt:
Bài 1. Chữa viêm gan hoàng đản cấp: Đỗ đỏ loại nhỏ hạt 30gam, táo tầu 50gam, nhân lạc 30gam, đường cát lượng vừa đủ, nấu dừ ăn hết trong ngày.
Bài 2. Chữa các bệnh phù do viêm thận mạn tính, phù do suy dinh dưỡng, phù khi có thai, bị báng do xơ cứng gan: Cá quả 1 con khoảng 250gam, bí đao (để cả vỏ ngoài 500gam, đỗ đỏ loại nhỏ hạt 60gam, hành 3 cây. Cá quả đánh vẩy, rửa sạch mang và nội tạng. Bí đao rửa sạch thái miếng. Đỗ đỏ vo rửa sạch, hành rửa sạch thái thành từng đoạn. Tất cả các thứ cho vào luộc chín dừ để ăn (không cho mắm muối).
Bài 3. Chữa sản dịch ra không hết: Đỗ đỏ loại nhỏ hạt 50-100gam, đường đỏ lượng vừa phải, nấu chín dừ để ăn hết trong ngày.
Bài 4. Chữa phù do viêm thận, suy dinh dưỡng và các nguyên nhân khác: đỗ đỏ loại nhỏ hạt 100gam, bí đao 500gam, nấu chín dừ để ăn hết trong ngày.
Bài 5: Chữa phù thũng, da căng, táo bón, khát nước: Ðậu đỏ 30g, cỏ may (cả rễ) 30g, cà gai (cả quả chín đỏ to bằng hạt ngô) 30g, dây bòng bong 30g. Các vị cắt nhỏ sao qua, đổ nước ngập thuốc, sắc lấy 250ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Chú ý: Những người miệng, họng khô táo, cơ thể gầy gò (vì đỗ đỏ loại nhỏ hạt còn có tác dụng giảm béo), sốt nhẹ đổ mồ hôi trộm, thì không nên ăn nhiều đỗ đỏ loại nhỏ hạt.
BS Ngô Quang Thái