Covid-19 và biến chủng mới

LÝ THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước tình hình số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng trở lại và sự xuất hiện của các biến chủng mới, TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có những chia sẻ tại một buổi tư vấn y tế trực tuyến về việc nhận biết triệu chứng, các biện pháp phòng ngừa hiệu quả và kế hoạch ứng phó khi dịch quay trở lại.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc Covid-19

Để nhận diện trẻ có nguy cơ mắc Covid-19, trước hết cần chú ý đến yếu tố dịch tễ, tức là trẻ có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ đã phơi nhiễm. Bên cạnh đó, các triệu chứng điển hình như sốt, ho, mất vị giác, mất khứu giác cũng là dấu hiệu quan trọng.

Đặc biệt, khi những triệu chứng này xuất hiện ở trẻ có bệnh nền hoặc mới mắc các bệnh nhiễm trùng khác như sởi, cha mẹ cần đặc biệt cảnh giác và nhanh chóng đưa trẻ đi khám, xét nghiệm để xác định nguy cơ mắc Covid-19.

Phòng bệnh không đặc hiệu

Về các biện pháp phòng ngừa, tiếp tục duy trì những thói quen tốt đã hình thành trong thời kỳ dịch Covid-19 trước đây: Hạn chế đến nơi đông người, đặc biệt với những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy giảm.

Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp. Vệ sinh tay thường xuyên, nhất là khi về nhà, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi đến bệnh viện.

Vệ sinh không gian sống, lau chùi các bề mặt có tần suất tiếp xúc cao, đảm bảo môi trường thông thoáng. Tuân thủ “vệ sinh hô hấp”, như che miệng khi ho, bỏ khẩu trang và khăn giấy đúng nơi quy định.

Những biện pháp này tuy đơn giản, nhưng lại có hiệu quả rất lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, không chỉ với Covid-19 mà cả các bệnh truyền nhiễm khác.

Covid-19 và biến chủng mới - ảnh 1
Ảnh minh họa

Kiểm soát bệnh nền

Covid-19 dễ gây biến chứng nặng ở những người có bệnh nền hoặc mắc bệnh mạn tính. Do đó, việc kiểm soát tốt các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp ở người lớn, hay bệnh hô hấp, tim mạch, gan mật, chuyển hóa ở trẻ nhỏ là vô cùng quan trọng. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ là “hàng rào tự nhiên” giúp chống lại virus hiệu quả hơn.

Ngoài ra, việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cũng góp phần tăng cường sức đề kháng.

Tiêm vắc-xin phòng các bệnh khác

Covid-19 có thể tấn công mạnh mẽ hơn khi người bệnh đồng thời mắc thêm các bệnh truyền nhiễm khác. Một ví dụ điển hình là bệnh sởi - căn bệnh gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ miễn dịch, khiến người mắc dễ bị nhiễm thêm virus như SARS-CoV-2. Chính vì vậy, việc tuân thủ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine dự phòng, đặc biệt cho trẻ em, là cách phòng ngừa gián tiếp nhưng rất hiệu quả trước Covid-19.

Covid-19 chưa biến mất hoàn toàn. Sự chủ quan, lơ là có thể khiến dịch bùng phát trở lại. Phòng bệnh bằng những hành vi đơn giản nhưng đúng cách là cách bảo vệ tốt nhất cho mỗi cá nhân, đặc biệt là trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các tác nhân truyền nhiễm.

Hiện nay, BV Nhi Trung ương đã chủ động các phương án giám sát và phân luồng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan Covid-19 trong bệnh viện. Các ca dương tính hoặc nghi ngờ đều được phân loại và bố trí tại khu vực riêng biệt.

Việc tuân thủ quy định phân loại rác thải, vệ sinh hô hấp và các hướng dẫn của nhân viên y tế không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sở Y tế Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số “Nâng cao hiệu quả và bảo mật dữ liệu”

Sở Y tế Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số “Nâng cao hiệu quả và bảo mật dữ liệu”

(PNTĐ) - Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức hội nghị chuyển đổi số với chủ đề “Nâng cao hiệu quả và bảo mật dữ liệu”, nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống y tế thông minh, hiện đại và chuyên nghiệp. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và an ninh mạng.
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng mạnh

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng mạnh

(PNTĐ) - Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ 6/6 đến 13/6), số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn đã ghi nhận sự gia tăng, báo hiệu một mùa dịch tiềm ẩn. Đáng chú ý, tay chân miệng tiếp tục tăng mạnh, trong khi sởi có xu hướng giảm nhưng vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh ở các nhóm tuổi.
Báo động sốt xuất huyết: Nguy cơ gia tăng hiện hữu và lời kêu gọi hành động đa ngành

Báo động sốt xuất huyết: Nguy cơ gia tăng hiện hữu và lời kêu gọi hành động đa ngành

(PNTĐ) - Sốt xuất huyết Dengue đang trở thành thách thức y tế nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, với gần 4 tỷ người nằm trong vùng nguy cơ và hàng chục nghìn ca tử vong mỗi năm. Riêng tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay đã ghi nhận gần 23.000 ca mắc và 5 trường hợp tử vong, cho thấy nguy cơ bùng phát dịch vẫn hiện hữu, nhất là trong bối cảnh "dịch chồng dịch".
Viêm da do sứa biển

Viêm da do sứa biển

(PNTĐ) - Mùa du lịch biển đang đến, nguy cơ vô tình bị viêm da do tiếp xúc với sứa trong khi tắm biển là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, việc "bỏ túi" cho bản thân và gia đình kiến thức về nhận biết triệu chứng, cách xử trí ban đầu khi dị ứng do sứa biển là rất cần thiết, giúp giảm tình trạng nặng của mức độ viêm...