Điều trị triệu chứng khi mắc Covid-19

Chia sẻ

Khi virus xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chiến đấu với virus và sẽ biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng: Sốt, ho, hắt hơi, buồn nôn và nôn, đi ngoài...

Sốt: Chính là cơ thể đang chiến đấu với virus. Nếu sốt nhẹ, ko quá ảnh hưởng đến cơ thể, thì cũng chưa cần hạ sốt. Ở những người miễn dịch kém (dùng thuốc ức chế miễn dịch) thì lại hầu như không sốt. 

Cách xử trí khi bị sốt, vui lòng xem bài viết riêng tại đây: https://www.facebook.com/groups/259534462765977/permalink/286478036738286/

Ho, hắt hơi: Cũng là những phản xạ nhằm đẩy các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Chỉ khi ho gây khó chịu quá, khiến cho đau quặn bụng, đau ngực, mất ngủ... thì mới cần phải dùng thuốc giảm ho. 

Thông thường, để giảm ho ta cần dùng chanh và mật ong pha với nước ấm, các loại bổ phế thảo dược hoặc Prospan từ lá thường xuân. Ngoài ra, ho còn có thể do nhiễm khuẩn. Trong trường hợp đó, người bệnh nên sử dụng kháng sinh. 

Lưu ý có một số loại thuốc giảm ho bằng cách ức chế trung khu hô hấp, ví dụ có thành phần codein. Với những loại này chúng ta nên cân nhắc hạn chế sử dụng. 

Ảnh minh họa. Nguồn: IntẢnh minh họa. Nguồn: Int

Việc dùng các thuốc chống dị ứng như chlopheniramin (gây ngủ), diphenhydramin (gây ngủ), loratadin, desloratadin, certirizin, fexofenadine... cũng có tác dụng giảm ho bên cạnh tác dụng chống mẩn ngứa, nổi mề đay.

Thuốc long đờm chứa N-acetyl cystein, bromhexin, ambroxol.. cũng có tác dụng giúp đờm loãng ra, dễ ho khạc hơn. Khi bớt đờm thì đường hô hấp cũng bớt bị kích thích hơn.

Với các trường hợp ho kèm khó thở dạng rít, co thắt phế quản kiểu hen thì nên dùng Ventolin (giãn phế quản), một loại corticoid dạng xịt như Pulmicort/Rhinocort/Symbicort hoặc Seretide/Flixonase/Flixotide.

Buồn nôn và nôn: cũng là các phản xạ để loại bỏ chất độc hại ra khỏi cơ thể, tuy nhiên việc nôn ra ngoài khiến cơ thể bị mất điện giải, rất mệt mỏi nên cần dùng thuốc để hạn chế tình trạng nôn của người bệnh.

Để chống nôn, có thể dùng gừng, thuốc chống co thắt đường tiêu hóa như papaverin, drotaverin (Nospa) thuốc chống nôn như Motilium-M, Primperan...

Một số trường hợp, buồn nôn và nôn do thiếu máu nuôi tiền đình, dùng Tanganil 500mg và các thuốc tăng tuần hoàn não như beta histidine 16/24mg, piracetam 400/800mg.  

Đi ngoài: Tương tự như các triệu chứng trên, vẫn là để tống khứ các chất độc hại ra ngoài. Tuy nhiên, đi lỏng quá nhiều khiến người bệnh mệt mỏi, mất nước và điện giải nên cần hạn chế, nhất thiết phải bù nước, điện giải.

Có loại thuốc cầm đi lỏng là loperamid, khiến cơ trơn đường tiêu hóa giảm co bóp, tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc này vì cơ thể vẫn vẫn thải các chất độc ra ngoài.

Nên dùng Smecta, như một lớp tráng, bao phủ niêm mạc ruột bị tổn thương, có thể thay bằng Gastropulgite nếu có vấn đề dạ dày. Tổn thương ruột có thể làm vi khuẩn, virus khác phát triển, dùng Berberin là giải pháp tốt, hiệu quả và ít gây hại (berberin không hấp thu vào máu, chỉ ở trong đường tiêu hóa.

Trong tất cả các trường hợp đi lỏng, đều nên bổ sung men tiêu hóa, thực chất là các lợi khuẩn đường ruột (khác các loại men tiêu hóa thực sự có tác dụng phân giải thức ăn như papain, amylase, bromelain,...). Hiện có nhiều loại men tiêu hóa dạng bột đông khô hoặc dạng nước như men sống Bạch Mai, Lactomin Plus, AntiBio, BioGaia, Bifina, Enterogermina (nước), Imiale (nước)...

Với các triệu chứng trên, chúng ta chỉ cần điều trị như thông thường. Thường ngày khi bị cúm, khi bị sốt virus chúng ta xử lý như thế nào thì khi mắc Covid, chúng ta cũng xử lý y như vậy, không nhất thiết phải hỏi bác sĩ. Lưu ý bù đủ nước và điện giải.

Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến cơ thể phải hứng chịu nhiều độc tố của virus:

- Đau nhức mình mẩy, đặc biệt các khớp: việc này là khó tránh khỏi, khi độc tố virus giảm bớt thì sẽ hết. Thường ko có thuốc nào làm đỡ được tình trạng này. Có thể chườm nóng hoặc dùng một số thuốc giảm đau thông thường để làm giảm bớt triệu chứng.

- Mẩn ngứa, dị ứng: xử lý bằng các loại thảo dược có tính mát, các loại thuốc chống dị ứng thông thường.

Các loại thuốc chống dị ứng có thế hệ cũ gây ngủ như chlopheniramin, diphenhydramin hoặc thế hệ mới như loratadin, desloratadin, certirizine, fexofenadine....

- Cảm giác ớn lạnh: cũng là do độc tố của virus, có thể uống trà gừng nóng, ăn các đồ ấm nóng, đủ dinh dưỡng để hạn chế tình trạng này. Ngoài ra, dùng các loại thuốc hoạt huyết như Ginkgo biloba, Hoạt huyết dưỡng não, Hoạt huyết Nhất Nhất, Piracetam... cũng có thể giúp giảm bớt triệu chứng ớn lạnh.

- Căng thẳng, lo lắng, mất ngủ: là vấn đề tâm lý, khiến sức khỏe chung giảm sút. Có thể dẫn đến thiếu máu lên não, cảm giác khó chịu ở dạ dày-thực quản...

Một số người còn thấy tức ngực, khó thở nhưng SpO2 vẫn 98-99%, thì đó là do tâm lý. Xử lý bằng thuốc an thần nhẹ thành phần thảo dược, MagneB6, Melatonin.

Melatonin là thuốc chống oxy hóa và giúp có giấc ngủ sinh lý, có thể dùng với liều cao trong 5-7 ngày không đáng ngại, thậm chí có thể giúp sớm bình phục do Covid. Cách dùng như sau: sau ăn tối dùng 2-3v loai 4/5mg, trước khi lên giường thêm 2-3v nữa, và nếu vẫn khó ngủ, có thể dùng thêm 2-3v. Lưu ý không nên dùng quá 7 ngày.

Với các trường hợp nặng, dùng an thần thảo dược và Melatonin ít hiệu quả thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn dùng các thuốc đặc trị tình trạng rối loạn thần kinh thực vật như Sulpiride 25/50mg, hoặc etifoxine 50mg, tofisopam 50mg.

- Cảm giác đau tức thượng vị, trào ngược dạ dày thực quản: đa phần là do căng thẳng, lo lắng, ngủ kém, ăn uống thất thường trên những bệnh nhân vốn đã bị viêm/loét dạ dày tá tràng hay trào ngược dạ dày thực quản từ trước.

Có thể dùng an thần và MagneB6 để giảm các triệu chứng. Trường hợp không đỡ thì dùng các thuốc bao phủ niêm mạc dạ dày như Pepsane, Gastropulgite, Trymo... hoặc các ba_zơ nhẹ để trung hòa acid dạ dày như Maalox, Yumangel, Phosphalugel, Gaviscon, Kremil-S, Ebysta...

Nếu vẫn không đỡ thì phải dùng các thuốc giảm tiết acid, thế hệ cũ như cimetidin, famotidin hoặc thế hệ mới như omeprazol, esomeprazol, pantoprazol...

- Đau đầu, váng đầu, nhức mắt, ù tai, cảm giác bồng bềnh: thường do thiếu máu lên não kết hợp với độc tố của virus. Xử lý bằng cách xoa bóp vùng cổ vai gáy, dùng các thuốc tăng tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết...

Các thuốc thông dụng là ginkgo biloba, các loại hoạt huyết thảo dược, vinpocetin, piracetam, betahistidin, cinnarizin, flunarizin...

- Mất khứu giác (ngửi mùi), vị giác: do tổn thương các tế bào thần kinh đệm có chức năng dẫn truyền xung động thần kinh, còn các tế bào khứu giác, vị giác lại không bị ảnh hưởng. Tùy người mà có thể mất khứu giác/vị giác hoặc không. Ăn uống ngủ nghỉ tốt sau Covid, tập hít các mùi vị, ăn các món ăn quen thuộc và tưởng tượng bằng trí óc, thường sau vài ngày đến vài tuần thì khứu giác và vị giác trở lại bình thường.

Về thuốc, có thể dùng thêm các thuốc bổ thần kinh như vitamin B1+B6+B12, citicoline, piracetam, choline alfoscerate, Nucleo-CMP...

- Chảy nước mũi: do độc tố làm tăng tính thấm thành mạch, làm xung huyết các mạch máu trong mũi, khiến nước mũi chảy ra nhiều hơn. Chúng ta dùng nước muối sinh lý, thuốc co mạch như Otrivin (0,05-0,1%), Coldi B, Rhinex 0,05%...

- Các mạch máu nhỏ xung huyết: một số sẽ bị mắt đỏ, một số thì xì mũi hoặc ho ra một chút máu, do các mạch máu nhỏ bị vỡ ra. Nhìn chung không đáng ngại và thường tự hết.

Một số cháu bé có thể có tình trạng chảy máu cam thì có thể phải nhờ BS tai-mũi-họng dùng thuốc cầm máu (Transamin) hoặc chấm nitrat bạc.

Một số trường hợp mắt đỏ kéo dài thì có thể do viêm kết mạc, viêm giác mạc... cần đi khám BS nhãn khoa.

BS NGUYỄN HUY HOÀNG

(Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga)

Tin cùng chuyên mục

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

(PNTĐ) - Theo thống kê, hiện số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao (ước tính trên 100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị...
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

(PNTĐ) - Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.