Hà Nội: Dịch sởi và tay chân miệng gia tăng, sốt xuất huyết duy trì ở mức thấp

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, từ ngày 28/3 đến 4/4, số ca mắc sởi và tay chân miệng tại thủ đô tiếp tục gia tăng. Dịch sởi bùng phát trên diện rộng với 206 trường hợp tại 30 quận, huyện, trong khi số ca tay chân miệng đạt 203 ca, tăng so với tuần trước. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp giám sát, khoanh vùng và xử lý kịp thời nhằm hạn chế lây lan.

Tính từ đầu năm 2025, Hà Nội đã ghi nhận 1.453 ca mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 1 ca tử vong. Con số này tăng so với cùng kỳ năm 2024 (0 ca). Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: dưới 6 tháng (12%), từ 6-8 tháng (15,4%), từ 9-11 tháng (10%), từ 1-5 tuổi (22,5%), từ 6-10 tuổi (14,7%) và trên 10 tuổi (25,4%).

CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sởi tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở những người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin. Dự báo trong thời gian tới, thành phố vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các ca bệnh.

Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 203 trường hợp mắc tay chân miệng tại 25 quận, huyện, thị xã, thuộc 121 xã, phường, thị trấn, không có ca tử vong. Con số này tăng 17 trường hợp so với tuần trước (186 ca). Một số địa phương có số ca mắc cao gồm: Hà Đông (32 ca), Chương Mỹ (27 ca), Nam Từ Liêm (26 ca), Cầu Giấy, Thanh Oai (11 ca), Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Mê Linh (9 ca).

Hà Nội: Dịch sởi và tay chân miệng gia tăng, sốt xuất huyết duy trì ở mức thấp - ảnh 1
Cán bộ y tế thông tin về vác xin , liều lượng tiêm phòng Sởi cho bà mẹ trước khi tiêm Sởi cho trẻ

Dịch tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng theo chu kỳ hàng năm, với chủ yếu là các ca bệnh tản phát, song cũng ghi nhận một số ổ dịch tại trường mầm non và trong cộng đồng. Dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng.

Tính từ đầu năm 2025, toàn thành phố đã ghi nhận 785 trường hợp mắc tay chân miệng, không có ca tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (424 ca). Trong tuần qua, có 4 ổ dịch tại trường học, gồm: Mỹ Đình 2, Đại Mỗ, Mễ Trì (Nam Từ Liêm, mỗi ổ dịch có 3 ca) và Vạn Phúc (Hà Đông, 2 ca). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 12 ổ dịch, trong đó 6 ổ dịch vẫn đang hoạt động tại Nam Từ Liêm (3), Hà Đông (2) và Đống Đa (1).

Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua, không có ca tử vong, tương đương so với tuần trước. Tính từ đầu năm 2025, toàn thành phố có 205 trường hợp mắc, không có ca tử vong, giảm so với cùng kỳ năm 2024 (557 ca). Bệnh nhân phân bố rải rác tại 28 quận, huyện, thị xã. Trong tuần không ghi nhận ổ dịch mới, toàn thành phố hiện có 1 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.

Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm khác như uốn ván, ho gà, não mô cầu, liên cầu lợn không ghi nhận ca mắc trong tuần qua.

CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ca mắc nhằm tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời. Đồng thời, tăng cường giám sát công tác tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi tại 13 quận, huyện.

Các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch tay chân miệng cũng được đẩy mạnh tại Phúc La (Hà Đông), Thịnh Quang (Đống Đa), Tả Thanh Oai (Thanh Trì) và Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm). Trong tuần tới, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát công tác phòng chống dịch tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) và Giang Biên (Long Biên), đồng thời kiểm tra công tác quản lý số liệu, thống kê báo cáo bệnh sốt xuất huyết tại các quận, huyện như Cầu Giấy, Hoài Đức, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng và Sơn Tây.

Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã được yêu cầu tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ em thuộc diện tiêm chủng trong chiến dịch, tập trung vào nhóm trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát, phát hiện bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và trường học, tổ chức các hoạt động xử lý triệt để, vệ sinh môi trường, khử khuẩn theo quy định.

Ngành Y tế và Giáo dục cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, xử lý ca bệnh tại các trường học và triển khai công tác tiêm chủng vắc xin. Khi phát hiện ca mắc sởi trong trường học, cần nhanh chóng rà soát tình trạng tiêm chủng của học sinh và tiêm bổ sung cho trẻ chưa được tiêm để phòng bệnh kịp thời.

Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống, khuyến khích người dân chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng do ngành Y tế triển khai. Đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.