Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Rất cần thiết cho nâng cao chất lượng dân số

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Để góp phần nâng cao chất lượng dân số chúng ta nên thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân vì trước tiên để có một thai kỳ khỏe mạnh chúng ta đều cần có một sức khỏe tốt. Hơn nữa một số bệnh lý di truyền ở thai nhi còn là do bố hoặc mẹ hoặc cả hai là người lành mang gen bệnh.

Giới trẻ bỏ quên khám sức khỏe tiền hôn nhân

Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, việc kiểm tra, đánh giá tổng quát sức khỏe mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản mà còn cả về thể chất, tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai. Tuy vậy, hiện nay nhiều bạn trẻ còn thiếu hiểu biết, xem nhẹ hoặc chưa xóa bỏ được mặc cảm, sự e ngại trong việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Hầu hết trong số họ vẫn giữ quan niệm “cưới vì yêu” mà ít người có ý thức tìm hiểu về sức khỏe sinh sản của bạn đời. Thông thường, trước khi kết hôn nhiều người hay chú trọng tìm hiểu gia đình, đạo đức, trình độ, tính cách… của bạn đời mà ít khi nhìn thẳng vào vấn đề thực tế có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hôn nhân là sức khỏe.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Rất cần thiết cho nâng cao chất lượng dân số - ảnh 1
Cặp đôi chuẩn bị kết hôn đến bệnh viện khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Hà Nội

Tiền hôn nhân là thời kỳ từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến trước khi kết hôn. Trong giai đoạn này, các cặp nam nữ chưa có kinh nghiệm sâu về đời sống vợ chồng cũng như chưa có kiến thức về SKSS. Vì vậy, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các bạn trẻ trang bị được kiến thức sinh hoạt vợ chồng; tầm soát các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, viêm gan C, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phát hiện sớm các bệnh lý sinh sản để kịp thời can thiệp; phát hiện các bệnh di truyền, có thể truyền sang em bé; tạo tiền đề để sinh ra những đứa con khỏe mạnh sau này...

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Nguyễn Văn Minh và Trần Khánh Ly (ở quận Hà Đông, Hà Nội) sẽ kết hôn. Thế nhưng, trong rất nhiều công việc phải chuẩn bị cho lễ cưới, không hề có "nhiệm vụ" khám sức khỏe tiền hôn nhân. Khánh Ly giải thích rằng, cô bạn không dám nói với người yêu, vì sợ anh sẽ trách mình "thử lòng" anh, dù cả hai đã yêu nhau rất lâu rồi. Trong khi đó, Minh "phóng khoáng" hơn, anh cho rằng, Mình và Ly đều là những người rất khỏe mạnh, từ lâu chẳng có bệnh gì, dù chỉ là ốm vặt. "Đến Covid-19 còn không làm gì được mình cơ mà", Minh cho biết. Vì thế, cả hai đều "gật gù": Cứ cưới đã rồi có vấn đề gì thì “tùy cơ ứng biến”.

Câu chuyện của Minh và Ly không hề hiếm trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ y học, nếu quá thờ ơ trong khám sức khỏe tiền hôn nhân, bạn trẻ dễ dàng bỏ qua hoặc không biết những điều tiềm ẩn trong sức khỏe của mình.

Nâng cao nhận thức về sức khỏe tiền hôn nhân trong giới trẻ

Tại giao lưu trực tuyến "Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững" vừa qua, TS.BS Đinh Thúy Linh, Giám đốc Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã giải đáp những băn khoăn của độc giả về việc có nên hay không khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Rất cần thiết cho nâng cao chất lượng dân số - ảnh 2
TS.BS Đinh Thúy Linh, Giám đốc Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội 

Theo đó, Bác sĩ Đinh Thúy Linh nhấn mạnh, thăm khám tiền hôn nhân hay trước khi mang thai sẽ giúp các bạn trẻ có được lời tư vấn từ các bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như bổ sung axit folic trước khi có thai để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Bác sĩ Linh khuyến cáo thêm, khi mang thai các thai phụ cũng nên thực hiện khám thai, siêu âm định kỳ và các xét nghiệm sàng lọc trước sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ. Sau sinh nên thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho bé để kịp thời phát hiện các bệnh lý mà trước sinh chúng ta không phát hiện được.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các bạn trẻ phát hiện các bệnh lý mãn tính cũng như phát hiện các vấn đề về sức khỏe sinh sản và có điều trị kịp thời. Đồng thời phát hiện các tình trạng mang gen một số bệnh lý di truyền ở thể ẩn. Từ đó được tư vấn các phương pháp để có thể sinh con khỏe mạnh, không mắc bệnh. Để có một thai kỳ khỏe mạnh thì thai phụ và chồng đều cần có một sức khỏe tốt trước khi mang thai.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Rất cần thiết cho nâng cao chất lượng dân số - ảnh 3
Thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 95% nam, nữ thanh niên được tuyên truyền, tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn (ảnh minh họa)

Và hơn cả, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không những là một việc làm quan trọng trong việc chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân, mà còn góp phần làm giảm những hậu quả về mặt sức khỏe cho xã hội và cộng đồng. Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc SKSS tiền hôn nhân, thời gian qua, ngành Dân số - KHHGĐ Hà Nội đã tích cực thực hiện các hoạt động truyền thông, vận động; linh hoạt thay đổi các hình thức tuyên truyền để sát với thực tế, đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối ngân sách địa phương cho hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các xã, phường...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.