Kỳ 3: Nhếch nhác quá trình chế biến “thuốc gia truyền”
Sau khi phát hiện việc bán thuốc không nguồn gốc quá dễ dàng, lợi nhuận thu về siêu khủng, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô tiếp tục thâm nhập quá trình chế biến, sản xuất thuốc “rởm” và tìm hiểu những gì đang diễn ra sau những lời quảng cáo chào hàng hoa mỹ. Sự thật ghi nhận được có thể khiến những người lâu nay sử dụng thuốc phải giật mình
Thuốc sạch vì… đun trong nước sôi
“Thuốc gia truyền này do tự tay em nấu theo công thức được truyền lại đã 20 năm nên chị cứ an tâm sử dụng, không phải băn khoăn gì” - cô gái tự nhận là “tác giả” của bài thuốc gia truyền “chữa gan, thận” lưu hành toàn quốc, của cơ sở tên Thắm Doanh khoe và giới thiệu với chúng tôi quy trình sản xuất thuốc. Không như những gì chúng tôi mường tượng, dụng cụ để sản xuất thuốc chỉ đơn giản là mấy chiếc nồi đen nhẻm vì muội than và cái bếp củi đặt ngay trên nền đất. Một chiếc nồi được lèn đầy lá và nước đặt trên bếp củi đun tới khi sôi. Nước trong nồi cứ thế phả khói nghi ngút trong nhiều giờ rồi cạn dần cho tới khi đọng lại dưới đáy nồi một chất sánh đặc, màu đen, dẻo như kẹo đắng.
Quy trình sản xuất thuốc gia truyền chữa gan, thận, của cơ sở Thắm Doanh thô sơ và nhếch nhác với nồi nấu trên bếp củi, đặt trên nền đất, thành phẩm không có nhã mác vẫn bán cho người dùng (Ảnh: PV)
Trong quá trình nấu, một thanh niên thi thoảng lại tiếp thêm củi vào bếp và dùng một chiếc que dài khuấy khuấy để cao không cháy. Theo cô gái, cao nấu xong sẽ được viên dài như ngón tay rồi bán cho người có nhu cầu chữa bệnh. Để chúng tôi thấy giá trị của loại cao này, cô nói thêm: “Chị nhìn lớp cao đọng lại trong nồi ít vậy thôi chứ một nồi này phải chứa được 80 lít nước (nấu với lá - PV). Mỗi một mẻ cao nấu ra được hàng trăm viên, nhiều người dùng mới hết”.
Khi tôi hỏi về thành phần của cao thì cô gái bật mí đầy bí hiểm rằng cao được nấu từ 20 loại lá khác nhau do cô hái trên rừng về rồi băm nhỏ, phơi khô, (khi nào hết lá tự hái thì cô nhập lá từ người dân tộc chứ ở thành phố không có), cao không pha tạp, không có chất bảo quản, chất cấm. Quá trình làm thuốc đảm bảo vệ sinh vì lá đã được nấu nhiều giờ trong nước sôi. Về hiệu quả, chất lượng của thuốc, cô… chứng minh ngay trên người dùng vì “chưa thấy ai có “hiện tượng gì”.
Có lẽ tin vào lời quảng cáo đó, nhiều người (như cô này nói) ở khắp nước đã tín nhiệm đặt mua thuốc của cô. Với tôi, cô bắt bệnh rất nhanh sau khi nghe vài lời miêu tả bệnh sơ sài, rồi bảo nên mua khoảng 15 viên, uống 2 ngày/viên, chia làm 4 lần. Giá một viên là 20.000 đồng nếu mua tại nhà, nếu phải ship thì cô bán giá 25.000 đồng/viên, tính chung cho tất cả các đơn không kể xa hay gần.
Cũng với kiểu nấu được cho là “hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên” như thế, chúng tôi tìm hiểu quá trình nấu và bán “cao bổ máu” của một cơ sở khác tự nhận là ở Lào Cai. Qua hình ảnh ghi nhận, nguyên liệu mà người nấu nói là từ thục địa được bỏ trong rổ nhựa, để bệt trên nền nhà, sau đó sơ chế rồi đưa vào nấu thủ công tới khi trở thành một chất dẻo màu đen sẫm. Người mua mang cao về pha cùng nước lọc để uống hoặc ăn như kẹo gôm hàng ngày. Một khách hàng cho tôi biết, cao này nấu ra đến đâu hết đến đó, thậm chí phải đặt trước. Nhiều người tin rằng, giống như đồ ăn, thuốc nấu “handmade” sẽ tốt hơn thuốc sản xuất đại trà như hàng “công nghiệp”.
Tuy nhiên, đấy chỉ là lý lẽ của những “người bán” tự gắn mác “thuốc gia truyền”. Bởi theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nếu thuốc Đông y được thương mại hóa, bán rộng rãi trên phạm vi toàn quốc thì phải tuân thủ quy định của Luật Dược, Dược điển Việt Nam… và được Sở Y tế cấp phép, kiểm định quy trình sản xuất, điều chế. Theo đó, thuốc Đông y dạng cô đặc đạt chất lượng phải được cô dưới áp suất giảm ở nhiệt độ không quá 60°C, bằng thiết bị chuyên dụng; khu vực chế biến, bào chế phải bố trí theo quy trình một chiều, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn, vệ sinh... Cao thành phẩm phải ghi rõ tên bộ phận dùng của cây thuốc, tên dung môi, hàm lượng (%) của hoạt chất hoặc của hợp chất… Chủ cơ sở sản xuất phải có ít nhất một trong các văn bằng chuyên môn, chứng chỉ, giấy chứng nhận trình độ chuyên môn về y, dược...
Còn theo TS.BS Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội, cao thuốc đưa ra thị trường kể cả được cấp phép mà nấu ngoài trời, không trong nhà máy với đầy đủ trang thiết bị… cũng là sai. Không phải như các cơ sở sản xuất thuốc trôi nổi nói “thuốc đun nhiều giờ là sạch”. TS Siêm cho biết thêm, trong một bài thuốc Nam có thể có nhiều vị thuốc khác nhau. Nếu người sản xuất không am hiểu dược liệu, kết hợp sai thành phần, liều lượng thì dù nguyên liệu tốt vẫn có thể gây hại cho sức khỏe con người. Chẳng hạn, hạt mã tiền được dùng làm thuốc khớp nhưng nếu bào chế không đúng có thể gây tử vong. Chưa kể nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc hiện nay không thể kiểm soát thành phần, tạp chất bên trong; nhiều loại thuốc trôi nổi được quảng cáo là 100% từ thiên nhiên nhưng thực ra có thể đã bị các đối tượng bất lương rút hết hoạt chất, hay làm giả như dùng củ ấu giả làm tam thất, rễ sim giả làm ô dược, củ mỡ giả hoài sơn…
Coi thường cấp phép, quy định về nhãn mác
Từ hiện tượng nhếch nhác, tạp nham trong sản xuất thuốc, chúng tôi càng quyết tâm phải tìm hiểu nhiều hơn về các loại thuốc được quảng cáo là “Đông y gia truyền” đang được bán công khai, nhan nhản khắp nơi.
Câu chuyện giữa chúng tôi với một người xưng là lương y Bàn Xuân Đ - Phó Chủ tịch Hội Đông y xã Y.N, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, đang bán thuốc “3 đời gia truyền” chữa gan. Thuốc gồm các loại lá đóng trong túi nylon sơ sài, bên ngoài nhãn dán chỉ ghi chung chung về công dụng của thuốc là “phòng và điều trị các bệnh về gan”, không có thông tin về thành phần, hàm lượng, khối lượng hoặc nồng độ của dược chất, dược liệu… theo quy định của Bộ Y tế.
Khi chúng tôi hỏi vì sao ông không công khai cho người mua được biết “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”, thành phần thuốc… trên nhãn mác, ông Đ tỏ ra ngỡ ngàng: “Nhãn mác thì đơn giản nhưng không quan trọng đoạn đấy đâu. Tôi chữa nhiều lắm rồi. Muốn có mác, giấy phép các thứ thì đơn giản, mai đi lên trạm… đánh máy là có ngay”. Không hiểu, ngay cả một người tự nhận là “lương y” mà cũng coi thường việc phải thực hiện các quy định của Bộ Y tế, xập xí xập ngầu khi bán thứ được cho là thuốc cho người bệnh.
Để làm rõ hơn tình trạng bán thuốc tự nhận là “Đông y gia truyền” tràn lan, và bát nháo đến mức nào, chúng tôi tìm tới cơ sở bán thuốc “Điều kinh gia truyền Bà B” ở Hoàng Mai, Hà Nội. Người bán hàng khẳng định không khám, chữa bệnh mà chỉ cần nghe tôi kể bị “đau bụng kinh từng cơn hay lâm râm” là có thể kê thuốc phù hợp. Tôi nói mình hay bị đau từng cơn rồi đang muốn có bầu em bé thứ hai mà mãi chưa “đậu”, chị bán hàng liền chọn cho tôi một lọ thuốc nhựa kèm gói thuốc lá về uống trong 1 tháng. Chị cam đoan: “Nhà em bán năm nay là năm thứ 9 rồi, thuốc không tốt chắc không bán được lâu như thế. Nhà em có đăng ký bản quyền về thuốc, chỉ nhà em bán thôi, không có đại lý phân phối”.
Bị chúng tôi chất vấn liệu bài thuốc của cơ sở này đã được cấp phép hay chưa, người này tỏ ra phật ý, đánh bài ngửa: “Thuốc nhà em mà không tốt, nhưng em bảo có giấy chứng nhận rồi thì chị cũng tin dùng à? Thuốc gia truyền không như các loại thuốc khác có đầy đủ tem mác được. Chị tin thì dùng”. Cô cũng thừa nhận: “Nhà em không học y nhưng thuốc là do bà em tự làm, đóng gói trực tiếp gửi rồi từ quê lên”. Tuy nhiên, cụ thể quê cô ở đâu thì… cô không tiết lộ, mà chỉ thông tin: “Bà em là người Kinh, chứ không phải ở vùng cao”. Thuốc để chữa bệnh, uống vào người mà người mua lại chỉ được biết nơi sản xuất thuốc là ở “quê do bà người Kinh làm” thì thật đáng sợ.
Trong khi đó, cô gái bán thuốc chữa sỏi thận, gan của cơ sở Duyên Thắm khi thấy chúng tôi lăn tăn về cây thuốc chữa gan chỉ được bọc gói đơn giản, không có bất kỳ một nhãn mác nào cũng cam đoan: “Chị cứ an tâm, đây là gia truyền của nhà em nên không cần phải trưng tên ra làm gì”. Chẳng cần phải giấu giếm cơ sở của mình không có giấy phép sản xuất thuốc, cô nói: “Em không đăng ký thương hiệu. Nếu làm nhãn mác, cơ sở, thương hiệu thì thuế cao lắm, làm không có công, giá thuốc tăng lên, làm sao em bán được. Chúng em làm thì phải có công”.
Viên uống giảm cân Mộc Thảo được quảng cáo “ngút trời”, không đúng bản chất trên mạng xã hội khiến nhiều người tin, tìm mua (Ảnh: PV)
Và sự thật sau những lời quảng cáo
Quy trình sản xuất thô sơ, nhếch nhác, giấy phép cũng không có, vậy nhưng nhiều loại thuốc tự phong gia truyền vẫn bán tốt, qua đó giúp đem lại cho không ít người một khoản tiền lời đủ để “sống khỏe” như chúng tôi đã đề cập trong kỳ báo trước. Tất cả là nhờ vào những chiêu quảng cáo thổi phồng công dụng, vừa dọa vừa dụ khiến người đang mang bệnh bị thuyết phục.
Để “dụ” chúng tôi mua thuốc gia truyền chữa sỏi, gan… người phụ nữ bán thuốc “gia truyền” Thắm Doanh dọa: “Thuốc Tây y chỉ giúp giảm đau ban đầu chứ không có tác dụng gì để chữa bệnh. Uống thuốc Tây y khỏi bệnh này thì phá bệnh kia, không như thuốc Nam, uống khỏi bệnh mà không phá bệnh khác”. Theo cô, thuốc của cô có thể trị được mọi loại sỏi trên đời, từ sỏi san hô tới sỏi mật dạng bùn, không bị tái. Tôi còn có thể mua thuốc cho các thành viên khác trong nhà, từ người già đến trẻ em vì thuốc này ai bị bệnh sỏi uống sẽ tan sỏi, ai không bị sỏi thì… uống để phòng sỏi.
Một gói thuốc được cho là gia truyền trị gan của người xưng là lương y Bàn Xuân D, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đóng gói sơ sài, còn tác giả gói thuốc lại cho rằng, thông tin về thuốc không quan trọng (Ảnh: PV)
Tiếp tục đóng vai người đang bị béo cần giảm cân, chúng tôi tìm tới địa chỉ bán thuốc có tên “Viên uống giảm cân Mộc Thảo Ripple” do Công ty TNHH Ripple Việt Nam, địa chỉ tại Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội đăng ký. Chỉ vài phút sau, nhân viên tư vấn đã sốt sắng liên hệ với tôi và tuôn ra những lời có cánh: "Thuốc là sản phẩm của bà Mộc ở vùng cao, là người duy nhất kế thừa phương pháp giảm cân độc đáo, được lưu truyền cách đây 10 năm của dòng họ".
Ly kỳ hơn nữa, chị nhân viên này cho biết, trước đây thuốc chỉ phục vụ bà con tại địa phương, giờ mới mở rộng cho bà con các tỉnh, thành khác. Sản phẩm phù hợp với mọi loại cơ địa, kể cả người bị cao huyết áp, đái tháo đường… cũng an toàn, hoàn toàn không có phản ứng phụ. Vì thế, người nào muốn giảm béo, chỉ cần cho biết về tình trạng chiều cao, cân nặng, vùng cần giảm béo… nhân viên sẽ tư vấn lộ trình, liều lượng sử dụng viên uống.
Để tăng độ tin cậy, chúng tôi được gửi cho đọc hàng loạt bài viết, tin tức giới thiệu về sản phẩm gắn với logo các đài truyền hình lớn, cả Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp… Tuy nhiên, sự thật chỉ hé lộ khi phóng viên tiến hành tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Cục An toàn thực phẩm thì phát hiện Công ty TNHH Ripple Việt Nam không có sản phẩm Viên uống giảm cân Mộc Thảo. Tìm hiểu sâu hơn nữa, cuối năm 2020, Cục An toàn thực phẩm đã có thông báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hỗ trợ giảm cân Mộc Thảo do Công ty TNHH Ripple Việt Nam chịu trách nhiệm, có nội dung quảng cáo không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
(Còn nữa)
Nhóm PV