Kỷ lục ghép tạng, cứu sống 15 người trong 1 tuần

Chia sẻ

PNTĐ-Theo chia sẻ của bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức, chỉ chưa đầy 1 tuần (từ 12/8 - 18/8) BV đã thực hiện thành công 15 ca ghép tạng.

 
Kỷ lục ghép tạng, cứu sống 15 người trong 1 tuần - ảnh 1
Bệnh nhân trong ca ghép tạng tại BV Việt Đức đang dần hồi phục

 
Cụ thể, trong 15 ca ghép tạng có: 10 ca ghép tạng từ người cho chết não (gồm: ghép 1 phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận), với nguồn hiến đa tạng từ 2 ca chết não hiến tạng tại BV Việt Đức và 2 ca tại BV Chợ Rẫy); và 5 ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống (gồm ghép 1 gan, 4 thận).
 
Đặc biệt, trong lần triển khai quy trình ghép đa tạng, BV Việt Đức đã thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân (gồm: 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận (cho 2 bệnh nhân). Sáu bàn mổ ghép tạng cùng lúc. GS. TS Nguyễn Tiến Quyết - nguyên Giám đốc BV Việt Đức đánh giá:
 
Đây là một điều rất khó thực hiện ở đa số các trung tâm ghép tạng trên thế giới. Việc này đòi hỏi công tác tổ chức phải hết sức tốt, đông đảo đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao trên nhiều lĩnh vực, và sự phối hợp rất đồng bộ của các chuyên khoa.
Để thực hiện thành công 15 ca ghép trên, hơn 300 bác sĩ, cán bộ y tế đã phải làm việc căng thẳng, xuyên đêm. “Các y, bác sĩ nằm ngủ la liệt ở bất cứ chỗ nào quanh phòng mổ để trực chiến cho ba ca ghép đa tạng. Có ca mổ ghép từ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau mới xong.
 
Tới nay, tất cả 5 bệnh nhân ghép tạng đều có diễn biến tốt” - GS.TS Trần Bình Giang cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ngày 12/8, BV Việt Đức cũng đã tổ chức thực hiện thành công ca ghép hai phổi thứ 2 từ người cho đa tạng chết não - một kỹ thuật được đánh giá là phức tạp nhất trong các loại ghép tạng. Người nhận phổi là bệnh nhân N.V.K (38 tuổi), mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối và có chỉ định ghép phổi tuyệt đối.
 
Bệnh nhân khởi phát bệnh từ khi còn nhỏ, 10 năm nay diễn biến nặng, gần đây phải nằm viện liên tục và thở máy. Ca mổ lấy - ghép 2 phổi cho bệnh nhân K diễn ra trong gần 15 giờ đồng hồ (từ 4h chiều ngày 12/8 tới 6h30 phút ngày 13/8).
 
Sau khi ghép 6 tiếng, bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt. Đường mở ngực được đóng lại sau ghép 30 giờ, máy hỗ trợ phổi (ECMO) được dừng và rút sau mổ hơn 2 ngày. 
Tuần qua, BV Việt Đức cũng ghi nhận ca đầu tiên hiến gan từ người còn sống là con trai cho bố đã bị xơ gan ứ mật, da vàng và đang phải lọc máu.
 
Chia sẻ về ca này, BS Ninh Văn Khải - Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng (BV Việt Đức) thông tin: Đây là ca ghép chủ động nên các bác sĩ đã có một tuần đánh giá người hiến, người nhận, hội chẩn đa chuyên khoa và lên lịch ghép vào thứ 2, ngày 12/8. Người hiến là con trai trong gia đình có bốn người con và chỉ duy nhất có cậu con trai (34 tuổi) này hợp về chỉ số miễn dịch, giải phẫu.
 
Các bác sĩ đã trải qua gần 10 giờ đồng hồ ghép gan với việc lấy một phần lá gan của con trai ghép cho người bố. Ngay sau đó, toàn bộ ê-kip bác sĩ không một giây chần chừ lao vào ca mổ thứ hai, ghép gan từ gan người hiến chết não được chuyển từ BV Chợ Rẫy ra.
 
 
Thảo Hương 

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).