Liệt toàn bộ người sau mũi tiêm đau vai gáy!
(PNTĐ) - Một mũi tiêm tại phòng khám tư đã dẫn đến biến chứng nghiêm trọng khiến chị V.T.T (54 tuổi, trú tại Hải Phòng), rơi vào tình trạng liệt toàn thân, phải trải qua quá trình điều trị đầy khó khăn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Trước khi nhập viện, chị T. bị sốt kéo dài và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Sau khi điều trị ổn định, chị vẫn cảm thấy đau mỏi vùng vai gáy. Người nhà đã đưa chị đến một phòng khám tư và được tiêm trực tiếp vào vùng vai gáy để giảm đau. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, chị T. sốt trở lại và xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm: liệt hai chân, lan dần đến tay, mất cảm giác hoàn toàn từ thắt lưng trở xuống.
Ngay lập tức, chị được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết và viêm vùng tủy cổ nghiêm trọng. Khi nhập viện, chị đã mất khả năng vận động từ cổ trở xuống, phải thở máy và sử dụng thuốc vận mạch.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Bằng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: “Chị T. bị viêm tủy cổ do tụ cầu khuẩn gram dương xâm nhập trực tiếp qua đường tiêm truyền. Tụ cầu gây tổn thương lan tỏa vùng tủy, dẫn đến liệt vận động và mất cảm giác".
Kết quả chụp MRI cho thấy hình ảnh tổn thương tủy lan tỏa, phù tủy nhưng không có áp xe. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định mở tủy giải áp và điều trị kháng sinh. Dù tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, quá trình hồi phục vận động diễn ra rất chậm.
Sau khi ổn định tình trạng viêm tủy, chị T. được điều trị phục hồi chức năng kết hợp phương pháp y học cổ truyền. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng: “Bệnh nhân được châm cứu vào các huyệt trên chi trên, giáp tích và chi dưới để kích thích thần kinh và cơ, hỗ trợ phục hồi cảm giác và vận động".
Quá trình phục hồi kéo dài suốt 2 tháng với điện châm, xoa bóp và tập vận động. Nhờ đó, sức cơ chi trên của chị T. đã cải thiện từ mức 1/5 lên 3/5. Đặc biệt, cảm giác ở chi dưới bắt đầu hồi phục, chị đã cảm nhận được nóng lạnh và tiếp xúc bề mặt, dù cảm giác đau vẫn chưa rõ.
Dù đã có tiến triển tích cực, mục tiêu lớn nhất trong thời gian tới là phục hồi cơ bản khả năng vận động của chi trên để chị T. có thể tự chăm sóc sinh hoạt hàng ngày. Phục hồi chức năng chi dưới vẫn cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn, với sự hỗ trợ từ y học hiện đại và các liệu pháp vật lý trị liệu.
Trường hợp của chị T. là lời cảnh báo rõ ràng về nguy cơ khi thực hiện các thủ thuật y tế tại cơ sở không đảm bảo. Bác sĩ Bằng nhấn mạnh: “Tụ cầu khuẩn có thể gây nhiễm khuẩn nghiêm trọng qua đường tiêm truyền. Người dân cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, tránh tự ý điều trị tại các phòng khám không được cấp phép".