Lưu ý khi sử dụng thuốc ở người cao tuổi

Chia sẻ

Những thay đổi về chức năng sinh lý cũng như trạng thái bệnh lý ở người cao tuổi làm ảnh hưởng đến quá trình dược động học và tác dụng của thuốc. Ngoài ra, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh một lúc, đa phần trong đó là bệnh mạn tính, vì vậy phải dùng nhiều thuốc đồng thời. Điều này dẫn đến nguy cơ gặp tương tác thuốc và tác dụng không mong muốn

Một số tương tác không mong muốn của thuốc thường thấy như: Sự suy giảm chức năng thận ở người cao tuổi sẽ làm giảm bài tiết của nhiều thuốc, dẫn đến nguy cơ tích lũy thuốc trong cơ thể và làm tăng khả năng gặp phải các tác dụng không mong muốn của thuốc. Người cao tuổi tăng lượng mỡ, giảm tỷ lệ khối cơ nên một số thuốc an thần như diazepam với đặc tính tan trong mỡ, sẽ dễ gây tích lũy dẫn đến tác dụng an thần kéo dài, tăng nguy cơ té ngã, cần sử dụng bắt đầu với liều thấp.

Bác sĩ BV Hữu nghị Việt xô tư vấn sử dụng thuốc cho người cao tuổi.Bác sĩ BV Hữu nghị Việt xô tư vấn sử dụng thuốc cho người cao tuổi. (Ảnh: BVCC)

Một số thuốc điều trị bệnh lý này có thể làm nặng thêm một tình trạng bệnh lý khác: ví dụ thuốc diphenhydramin được chỉ định điều trị các triệu chứng dị ứng có thể làm nặng thêm tình trạng bí tiểu ở người đã có sẵn bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt. Tình trạng suy giảm nhận thức khiến người cao tuổi gặp khó khăn trong việc tuân thủ điều trị. Người cao tuổi có xu hướng sử dụng các thảo dược và thực phẩm chức năng, dẫn đến nguy cơ gặp phải các tương tác với thuốc điều trị bệnh nếu không được cán bộ y tế tư vấn kỹ.

Hậu quả nếu sử dụng thuốc không hợp lý ở người cao tuổi

So với người trưởng thành, người cao tuổi có nguy cơ gặp phải các biến cố bất lợi từ việc dùng thuốc cao hơn gấp 2-4 lần (ví dụ: nguy cơ hạ đường huyết, tụt huyết áp, táo bón, té ngã, bí tiểu, suy giảm trí nhớ). Thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện vì sử dụng thuốc không hợp lý như: Bệnh nhân tự ý mua thuốc nam, thuốc đông y uống để điều trị bệnh dẫn đến suy gan, suy thận cấp, hôn mê, tăng đường huyết... Có trường hợp bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện vì tự ý mua thuốc giảm đau, kháng viêm uống để trị đau nhức khớp.

Bệnh nhân uống thuốc điều trị đái tháo đường quá liều hoặc bỏ bữa ăn dẫn đến tụt đường huyết quá mức, hậu quả có thể gây té ngã, ngất xỉu và nặng hơn có thể gây hôn mê. Nếu không tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc như: tự ý bẻ viên thuốc, nghiền thuốc hoặc tháo viên nang có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ do thuốc và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị ở người cao tuổi. Ngoài ra, hay gặp ở người cao tuổi là tự ý tháo viên nang của thuốc chống đông (thuốc chỉ định trong một số bệnh tim mạch) để dễ uống thuốc làm tăng nguy cơ xuất huyết và phải nhập viện do thuốc.

4 nguyên tắc sử dụng thuốc an toàn ở người cao tuổi

Thứ nhất: Người bệnh cần sử dụng thuốc được kê đơn từ bác sĩ theo đúng chỉ hướng dẫn: không tự ý bẻ, nghiền thuốc, ngưng thuốc, giảm liều hoặc tự ý mua thêm thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Thứ hai: Giữ lại các đơn thuốc và sắp xếp theo thứ tự thời gian: đảm bảo người nhà và các bác sĩ (kể cả trường hợp điều trị với nhiều bác sĩ khác nhau) biết được thông tin của tất cả các thuốc mà người cao tuổi đang dùng (gồm tên thuốc, liều dùng) cũng như các thực phẩm chức năng, thảo dược và những thay đổi về việc dùng thuốc gần đây. Điều này đặc biệt hữu ích trong trường hợp cấp cứu, đi du lịch hoặc có dị ứng thuốc.

Thứ 3: Lưu ý về những tương tác thuốc và tác dụng không mong muốn có thể xảy ra: tương tác thuốc có thể xảy ra khi hiệu quả của một thứ thuốc bị thay đổi do sử dụng cùng với một thuốc khác, dược thảo, thức ăn, đồ uống hoặc một tình trạng bệnh lý làm cho một loại thuốc trở nên gây hại.

Việc đọc kỹ thông tin kê toa của mỗi loại thuốc hoặc tham vấn với bác sĩ, dược sĩ sẽ giúp biết thêm thông tin về thuốc, hạn sử dụng, cách bảo quản đúng và hạn chế được những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Ví dụ việc sử dụng nitroglycerin là một thuốc điều trị đau thắt ngực nhưng có chống chỉ định dùng cùng với thuốc điều trị rối loạn cương dương như Sildenafil (Viagra) vì có nguy cơ gặp tương tác thuốc nghiêm trọng gây hạ huyết áp quá mức, nguy hiểm đến tính mạng. Cần luôn chủ động thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết về những bất thường trong quá trình dùng thuốc.

Thứ 4: Cùng bác sĩ, dược sĩ trao đổi về tất cả các thuốc, chế phẩm bổ sung, thảo dược đang dùng trong mỗi lần thăm khám, để xác nhận lại các thuốc đang sử dụng có cần thiết dùng tiếp không hay có thể ngưng chế phẩm bổ sung hoặc loại thảo dược đang dùng có phù hợp không. Việc trao đổi này giúp hạn chế các tương tác thuốc, tác dụng không mong muốn và tiết kiệm chi phí.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).