Mỹ phẩm tự làm: Con dao hai lưỡi

Chia sẻ

PNTĐ-Lo ngại hóa chất trong mỹ phẩm công nghiệp, trào lưu tự làm mỹ phẩm đang được nhiều chị em hưởng ứng với hy vọng sẽ có sản phẩm hoàn toàn tự nhiên “bồi bổ” cho làn da.

 
Mỹ phẩm tự làm: Con dao hai lưỡi - ảnh 1
Mỹ phẩm tự làm chưa chắc đã tốt
như nhiều chị em lầm tưởng
 
Làm mỹ phẩm: cực dễ
 
Chỉ cần vào trang Google và gõ bốn từ khóa “tự làm mỹ phẩm” sẽ có 1,3 triệu kết quả hiện ra cùng vô vàn các công thức khác nhau. Thậm chí có cả trang được lập ra để hướng dẫn và trao đổi thông tin quanh chủ đề luôn có sức hấp dẫn với phái đẹp này.
 
Mỗi dòng sản phẩm có nhiều công thức được giới thiệu, mỗi công thức lại cho ra một loại mỹ phẩm khác nhau, nguyên liệu chính không thay đổi, chỉ là thêm bớt chút hương liệu và phẩm mầu để tạo sự phong phú. Tìm hiểu các công thức làm son dưỡng đang “hot” hiện nay, không chỉ chúng tôi mà nhiều chị em phải thốt lên: sao đơn giản vậy, dễ dàng vậy. Từ sự ngạc nhiên này, không ít người tỏ vẻ nuối tiếc bởi “biết thế mình làm từ lâu, đỡ tốn hàng trăm ngàn mua son dưỡng mà nơm nớp nỗi lo về hàm lượng chì” – Tố Ngọc, nhân viên Tập đoàn điện lực VN chia sẻ.
 
Để làm một thỏi son dưỡng môi, khá đơn giản, chị em chỉ cần chuẩn bị một ít sáp ong, dầu/bơ thực vật (dầu ô liu, dầu dừa, dầu cọ, dầu quả bơ, bơ shea, vitamin E), hương liệu, phẩm màu. Các loại nguyên liệu trên trộn cùng nhau, sau khi được hấp cách thủy hoặc quay trong lò vi sóng, chờ nguội, đổ vào lọ/chai là hoàn tất. Các loại mỹ phẩm khác cũng được thực hiện dễ dàng với vài ba công đoạn chính. Ví dụ, lăn khử mùi được làm từ bột nở, bột ngô, dầu cọ, tinh dầu trà xanh; nến massage làm từ đậu nành phối trộn với dầu thực vật (dầu hạnh nhân hoặc hỗn hợp dầu hạnh nhân và các loại dầu khác) và vài giọt tinh dầu.
 
Tương tự như vậy là tự làm nước hoa với hương liệu, nước tinh khiết (nước lọc), cồn 90 độ, dung dịch nhũ hóa và chất bảo quản. “Tính ra chỉ có mấy chục ngàn đồng mà em đã có lọ nước hoa hoàn toàn tự nhiên nên rất yên tâm về chất lượng, không độc hại” - Trần Ngọc Anh, sinh viên năm cuối trường ĐH Kinh tế quốc dân khoe thành quả của mình. Theo lời giới thiệu của Ngọc Anh, hiện nay, một số cửa hàng bán mỹ phẩm đã tung ra các gói nguyên liệu làm son dưỡng, son môi, nước hoa và xà phòng đã được cân đong đo đếm đủ lượng, người mua chỉ cần thực hiện theo các thao tác trong hướng dẫn là xong.
 
Cẩn thận hơn, một số chị em rủ nhau đến lớp học làm… mỹ phẩm do các trung tâm thẩm mỹ, trung tâm làm đẹp chiêu sinh. Mất 200.000 đồng học phí cho khóa học kéo dài 3 ngày nhưng bù lại học viên sai đâu sẽ được hướng dẫn sửa ngay tại đó, không phải tự mày mò như học theo các công thức trên mạng và được thỏa sức sáng tạo trên mỹ phẩm tự làm của mình như ghi tên, trang trí.

Thận trọng với những phản ứng phụ  
 
Th.s hóa học Nguyễn Thị Minh Anh – trường ĐH Bách Khoa, HN cho biết, để có một hộp son môi, son dưỡng, đều phải qua quá trình nghiên cứu và sản xuất nghiêm ngặt chứ không đơn giản và dễ dàng như những hướng dẫn trên mạng là “đem cái này trộn với cái kia”. Hơn nữa, quan điểm phải tự tay mình làm mỹ phẩm mới sạch, mới đảm bảo chất lượng là chưa chuẩn xác. Việc rửa tay bằng xà phòng hay đun sôi nước để tiệt trùng không loại bỏ hết nguy cơ nhiễm khuẩn mà chỉ cần một cái hắt hơi cũng có thể để loại vi khuẩn trên dụng cụ. Ở một khía cạnh khác, nếu không có kiến thức về các hóa chất và các thành phần trong mỹ phẩm, về cấu tạo và cầu trúc, thành phần da thì khó có thể làm được loại mỹ phẩm phù hợp. Trường hợp này, mỹ phẩm làm ra nếu không hại thì cũng không có lợi gì.  
 
BS chuyên khoa 2 về da liễu Nguyễn Phương Lan cho biết thêm, những tinh chất, tinh dầu hay vitamin không có tác dụng chống nấm mốc, chống khuẩn. Do không có chất bảo quản nên hạn sử dụng của mỹ phẩm tự làm rất ngắn, điều kiện bảo quản rất nghiêm ngặt mới tránh được khả năng nhiễm khuẩn. Chưa kể, không phải cứ thiên nhiên là tốt, khoa học đã chứng minh, các loại hoa quả tươi, chưa qua loại bỏ độc tố và các axit có thể gây phản ứng cho da, nhất là với da nhạy cảm và ở vùng mặt.

Hương Ly

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.