Nghiện game là một chứng rối loạn tâm thần
PNTĐ-Việc dùng thiết bị công nghệ cao với thời lượng lớn trong nhiều ngày liên tục sẽ gây tác động không tốt tới sức khỏe thần kinh và cuộc sống của người sử dụng.
Mới đây, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung “rối loạn chơi game” vào Bảng phân loại quốc tế về bệnh tật (ICD) lần thứ 11, phát hành năm 2018 và xếp nó vào chứng rối loạn tâm thần. Sau một thập niên giám sát hoạt động chơi game trên máy tính, WHO nhận thấy người mắc chứng bệnh này thường ưu tiên chơi game hơn các hoạt động, sở thích khác trong cuộc sống và tình trạng trên đã kéo dài quá 1 năm.
Các triệu chứng của bệnh được WHO phác thảo gồm: Không thể kiểm soát việc chơi game (về tần suất, cường độ và thời gian kéo dài); Dành nhiều ưu tiên cho việc chơi game; Vẫn tiếp tục chơi hoặc tăng thêm thời gian chơi bất chấp các hậu quả tiêu cực. Ở hạng mục mô tả chứng nghiện game, ICD khuyến cáo một hành vi chơi game bất thường cần được bác sĩ chẩn đoán, điều trị phải là tình trạng kéo dài trong ít nhất 12 tháng. Tuy nhiên, tài liệu cũng lưu ý rằng, khoảng thời gian xem xét tiêu chuẩn này có thể rút ngắn "nếu các triệu chứng thể hiện ở mức nghiêm trọng".
Theo TS.TTƯT Tô Thanh Phương – Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, khi sử dụng quá nhiều mạng internet, mạng xã hội, game, sức khỏe của người sử dụng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với những biểu hiện: kém ăn, gầy sút, không ngủ được, sống thu mình, ngại giao tiếp với bên ngoài, tâm trạng hay căng thẳng, hằn học, bức xúc… Nhiều trường hợp suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn đến tự tử.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã xác định nghiện game là một vấn đề sức khỏe lớn của cộng động và nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng nghiện game của người trẻ thông qua các đạo luật, chẳng hạn: cấm chơi game online với trẻ em dưới 16 tuổi trong khoảng thời gian từ nửa đêm cho tới 6 giờ sáng mỗi ngày (Hàn Quốc); người chơi game sẽ được cảnh báo khi họ chơi vượt quá một khoảng thời gian cụ thể theo quy định mỗi tháng (Nhật Bản)…
Yên Hưng