Những mũi vắc xin ấm tình đồng đội

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu tích của nó vẫn hiện diện trên cơ thể và ký ức của biết bao người lính. Họ - những cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng đã hy sinh một phần máu thịt vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tri ân những người đã cống hiến cho đất nước, trung tâm tiêm chủng VNVC đã tổ chức tiêm gần 5.000 mũi vắc xin cúm miễn phí cho cựu chiến binh, người có công với cách mạng, cùng nhiều quà tặng sức khỏe khác.

Tại điểm tiêm ở TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh, những gương mặt đã từng kiên cường nơi chiến trường giờ sum họp trong một khung cảnh khác. Tay bắt mặt mừng, họ kể cho nhau nghe về những ngày khói lửa, về những trận đánh khốc liệt, những đồng đội mãi mãi nằm lại và cả những điều giản dị của cuộc sống hôm nay. Trong số đó, có người vẫn lành lặn, cũng có người mất đi một phần thân thể - tất cả cùng mang trên mình những vết thương của chiến tranh, cả hữu hình và vô hình.

Những mũi vắc xin ấm tình đồng đội - ảnh 1

Ông Đoàn Văn Phú (ngoài cùng bên phải, SN 1949, quê Ninh Bình) từng hoạt động tại phòng Quân y miền Đông Nam Bộ, đóng tại Tây Ninh.

Ông Đoàn Văn Phú (SN 1949, quê Ninh Bình), từng phục vụ tại phòng Quân y miền Đông Nam Bộ, xúc động khi được tiêm vắc xin và chia sẻ hy vọng tìm lại hai đồng đội thất lạc nửa thế kỷ trước - ông Phạm Tiến Triển (quê Hòa Bình) và ông Nguyễn Văn Đức (quê Thanh Hóa), từng thuộc đơn vị xưởng X5, đóng tại Cầu Trắng, Lộc Ninh, Tây Ninh. “Đến nay đã 50 năm, tôi vẫn luôn mong có thể gặp lại họ một lần” - ông nói.

Còn ông Lê Hữu Thắng (73 tuổi, lính bộ binh Sư đoàn 3 Sao Vàng) lại nhắc đến đồng đội đã ngã xuống trong chiến dịch Hồ Chí Minh hay những ngày giữ biên cương năm 1979. “Có người chết vì bom đạn, có người chết vì bệnh tật, thiếu thuốc men. Bây giờ già rồi, ai còn sống được đến hôm nay là phúc lớn”- ông lặng giọng.

Câu chuyện của vợ chồng ông Lưu Đức Thọ và bà Vũ Thị Hồng Nga, từng là bộ đội biên phòng, mang đến một lát cắt đẹp về một thế hệ tiếp nối. Gặp nhau trong quân ngũ, cùng vượt qua những ngày gian khó, nay họ sát cánh bên nhau trong cuộc chiến chống lại bệnh tật tuổi già.

Những mũi vắc xin ấm tình đồng đội - ảnh 2
Ông Dương Văn Hồng, bộ đội hậu cần, thuộc Quân khu 5 - Bộ Tư lệnh Quân khu (Đà Nẵng), từng phục vụ hậu cần cho Bộ tư lệnh Tham mưu ở chiến trường Campuchia. 

Những người lính từng chiến đấu tại Campuchia, biên giới phía Bắc, hay tận sâu trong rừng già Trường Sơn cũng tìm đến điểm tiêm với tâm thế trân trọng. Ông Phạm Thành Đồng - một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường K, lặng người khi kể về những trận đánh chỉ còn mình ông sống sót. “Hồi đó đi đánh trong bóng tối, cả tiểu đoàn có khi chỉ mình tôi trở về. May mắn là còn sống, còn đi tiêm được thế này là hạnh phúc”, ông nói.

Không ít người đến tiêm vẫn mang di chứng chiến tranh. Như ông Bùi Công Tuyển (61 tuổi), bị mất một mắt và chấn thương chân do vướng mìn trong một trận luồn sâu tiêu diệt hậu cần địch năm 1984. “Thời trẻ sống vì đồng đội. Giờ già rồi, phải sống vì con cháu, nên tôi không thể coi nhẹ chuyện giữ gìn sức khỏe”, ông bộc bạch.

Những mũi vắc xin hôm nay không chỉ là sự bảo vệ sức khỏe, chúng còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm tiếp nối tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, là sự tri ân bằng hành động cụ thể với những người từng cống hiến cả tuổi trẻ cho hòa bình hôm nay.

 

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.