Bán thuốc online:
Quản lý thế nào tránh “lợi bất cập hại“?
(PNTĐ) - Mua bán thuốc online đang dần trở thành xu hướng bởi sự tiện dụng và nhiều tiện ích. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh thuốc trực tuyến hiện nay đang bộc lộ không ít khó khăn, lỗ hổng; đòi hỏi phải có sự quản lý sát sao.
Kinh doanh thuốc online không còn xa lạ
Các nước trên thế giới và trong khu vực đã và đang triển khai hình thức bán thuốc online từ nhiều năm qua. Ở Việt Nam, hình thức bán thuốc online bắt đầu có từ những năm 2017 - 2018 và ngày càng phát triển mạnh. Tính đến năm 2024, thị trường thuốc online tại Việt Nam đang đạt khoảng từ 5 - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng. Trong số 52.000 website thương mại điện tử bán hàng được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phê duyệt, có đến 900 website có chữ cái bắt đầu bằng "thuốc" hoặc "pharma".
Trao đổi tại một buổi tọa đàm đối thoại chính sách "Mua bán thuốc online - nên hay không?" do Truyền hình Quốc hội tổ chức mới đây, bà Lê Thị Hà -Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: Hiện chúng ta có khoảng 1.000 cơ sở bán thuốc online đã thực hiện thủ tục đăng ký, khai báo với Bộ Công Thương. Thực tế dù chưa có quy định chính thức nhưng đã có những cơ sở "lách" bằng cách khách hàng mua thuốc online, chọn thuốc trên website của chuỗi nhà thuốc đó. Nếu đơn thuốc là thuốc kê đơn sẽ gọi điện cho khách giao dịch trực tiếp và giao hàng. Một số ứng dụng di động khác... thì khi khách chọn thuốc sẽ giới thiệu khách với một nhà thuốc và nhà thuốc sẽ gọi điện thoại tư vấn rồi giao xe ôm giao hàng nếu khách muốn mua và nhiều hình thức khác. Người dân thấy tiện lợi bởi mua thuốc xong lại được giao hàng tại nhà.
Không riêng người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm cũng khẳng định, online đã và đang là một "sân chơi" sôi nổi mới của các chuỗi nhà thuốc, đặc biệt sau Covid-19, nhu cầu mua thuốc online khá phổ biến. Theo công ty nghiên cứu thị trường BMI, doanh thu từ thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD vào năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng này, thị trường dược phẩm được coi là một "miếng bánh" hấp dẫn đối với bất kỳ chuỗi nhà thuốc nào. Nhu cầu thực tế của người dân là có, tuy nhiên hiện nay chưa có quy định về bán thuốc online, vì thế vẫn còn những khó khăn, bất cập.
Ủng hộ việc mua bán thuốc qua kênh thương mại điện tử, tuy nhiên, theo GS.TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế: Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, vì thế việc đưa thuốc lên thương mại điện tử cần bảo đảm 2 vấn đề. Đó là người mua được hướng dẫn tư vấn sử dụng thuốc. Sản phẩm thuốc phải là sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép. Thực tế, quá trình mua bán thuốc ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều vấn đề. Như các nước phát triển, việc mua thuốc rất chặt chẽ. Ở Việt Nam có chuyện mua theo mách bảo người hàng xóm, mua kháng sinh không cần đơn hoặc sử dụng đơn cũ từ nhiều năm về trước... điều này gây tác hại lâu dài tới sức khỏe người dân.
Cần quản lý chặt hoạt động bán thuốc online
Giải quyết những vấn đề phát sinh, đồng thời nhằm hoàn thiện quy định của Luật Dược hiện hành và Nghị định 54 hướng dẫn thi hành Luật Dược về các vấn đề liên quan đến kinh doanh thuốc online hay kinh doanh thuốc qua các sàn thương mại điện tử, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đã được bổ sung. Cụ thể, ngoài việc bán thuốc tại các hiệu thuốc truyền thống, sẽ cho phép kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử.
Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua mạng điện tử, vì hiện nay đang diễn ra; chưa kể tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Đại biểu nêu quan điểm, những loại thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, vì hiện nay rất nhiều thuốc xách tay như thực phẩm chức năng được mang về bán online.
Thứ hai là các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và các thuốc theo đơn, nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, và bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định cấp phép, nên bắt đầu thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử. Những thuốc quảng cáo sai, không đúng sự thật phải công khai cho người dân biết, có tra cứu trên các trang web, app ứng dụng của chính đơn vị thuộc Bộ Y tế.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, khi triển khai kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử, cần quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc, để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc. Vì các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.
Nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá, sẽ dẫn đến mỗi địa phương có cách tổ chức thực hiện khác nhau. Cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn tỉnh, việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau. Thực tế, với một số tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội gần 10.000 cơ sở bán lẻ và gần 1.500 cơ sở bán buôn. Quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược.
Bên cạnh đó, bà Trần Thị Nhị Hà cũng đề xuất chỉ nên bán thuốc không kê đơn qua phương thức online. "Bộ Y tế đã ban hành danh mục thuốc kê đơn và không kê đơn; trong đó có tới hơn 80% là thuốc phải kê đơn. Số lượng các thuốc kê đơn rất lớn, nên nếu không quy định chặt chẽ sẽ có nhiều khó khăn khi người dân mong muốn mua được thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử. Bởi vậy, Bộ Y tế phải ban hành danh mục thuốc không kê đơn được bán trên thương mại điện tử và các loại thuốc này phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo chất lượng. Đơn vị kinh doanh trên thương mại điện tử cũng phải có đầy đủ các giấy chứng nhận kinh doanh thuốc... Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra để đảm bảo các quy định được thực hiện đúng" - bà Hà phân tích.