Sẵn sàng đáp ứng nếu dịch bệnh diễn biến trên quy mô lớn

Chia sẻ

Tính từ ngày 1-15/11, trên địa bàn Hà Nội, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ghi nhận 1.930 ca mắc mới, trong đó có 643 ca trong cộng đồng. Với phương châm chủ động, không chủ quan trong phòng dịch, Thành phố đã chủ động phương án, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bùng phát trên quy mô lớn.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc Covid-19 mới đang tăng nhanh chóng. Thành phố hiện có 12 ổ dịch lớn, phức tạp, lây nhiễm nhanh, trong đó nhiều ổ dịch có số ca mắc cao: Ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm (ghi nhận 183 ca, từ ngày 9-15/11); Ổ dịch kho hàng Shopee, KCN Đài Tư, Long Biên (106 ca, từ ngày 5-15/11); Ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng, Mê Linh (241 ca, từ ngày 27/10-15/11); Ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (252 ca từ 31/10-15/11); Ổ dịch đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy (114 ca từ ngày 2-15/11)…

Chưa tiến hành cách ly F1 tại nhà

Gia tăng F0 đồng nghĩa với số lượng F1 cũng tăng lên nhanh chóng. Trong đó, không ít người bày tỏ mong muốn được cách ly tại nhà như trường hợp chị P.T.M (trú tại khu Royal City, Thanh Xuân, Hà Nội), ngày 14/11 đi cách ly tập trung do trở thành F1 khi vô tình đi chung thang máy với F0 chỉ trong vòng 1 phút. Vì có đeo khẩu trang, đã tiêm phòng đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, có kết quả test 1 lần âm tính; Đồng thời lo ngại nguy cơ nhiễm chéo tại khu cách ly trong khi tự thấy gia đình đủ điều kiện y tế và nơi sinh hoạt để thực hiện cách ly... nên chị M cùng nhiều cư dân thuộc diện F1 trong khu Royal đề cập với y tế cơ sở về nhu cầu được cách ly tại nhà nhưng không được bởi Thành phố hiện chưa có quy định về việc này.

Chia sẻ với mong muốn của người dân, tuy nhiên, theo BS Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội: Các khu cách ly tập trung của Hà Nội vẫn đảm bảo đủ chỗ cách ly, không bị quá tải. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, nếu cách ly tại nhà không tuân thủ chặt chẽ quy định sẽ có nguy cơ lây chéo cho người trong gia đình và cộng đồng. Việc đưa F1 đi cách ly tập trung để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Do vậy, Hà Nội vẫn đưa F1 đi cách ly tập trung và điều trị F0 tại cơ sở y tế.

Chưa kể, trong các đợt dịch vừa qua, có người là F1 trong thời gian đợi đưa đi cách ly tập trung vẫn ra ngoài, hay người từ vùng dịch về, phải theo dõi y tế nhưng vẫn đi lung tung, gặp gỡ, giao lưu… “Nguy cơ của F1 thành F0 tại các khu cách ly tập trung rất thấp vì các quy định chặt chẽ, người thực hiện cách ly được giám sát, nằm trong tầm kiểm soát” - ông Tuấn nói.

Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ tư lệnh (BTL) Thủ đô Hà Nội từng thông tin: Trong chống dịch, quan điểm xuyên suốt của chúng ta là chống dịch như chống giặc, luôn ở mức cao nhất. Hà Nội cũng luôn tiếp thu tốt, thực hiện bài bản, đồng bộ quan điểm, chỉ đạo của Trung ương về chống dịch.

Thời điểm này, Hà Nội có đủ hệ thống hạ tầng để chủ động phòng, chống dịch. “Chúng tôi đã chuẩn bị 118.000 chỗ sẵn sàng thu dung F1, ngoài ra còn kích hoạt cơ sở thu dung điều trị F0 nhẹ với khoảng trên 22.000 người; Luôn chuẩn bị phương án sẵn sàng rất cao để Thủ đô không hề bị động, lúng túng trong phòng chống dịch; nỗ lực không để phải chạy theo tình huống mà sẵn sàng mọi tâm thế để ứng phó với dịch. Hơn nữa, qua thực tế khảo sát, không phải hộ gia đình nào của Hà Nội cũng có điều kiện tốt về nhà ở để phòng chống dịch”.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19.Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19. (Ảnh: T.H)

Sẵn sàng ứng phó với tình huống phức tạp

Đề cập đến các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, ông Khổng Minh Tuấn cũng cho hay: Thành phố tiếp tục bám sát theo chỉ đạo chung của Chính phủ để triển khai chủ động, quyết liệt; Tương ứng với từng khu vực sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch. Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy.

Thông tin thêm về công tác chống dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà chia sẻ: Thành phố sẽ tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như các biện pháp cách ly, để bảo đảm vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.

Theo đó, các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực điều tra dịch tễ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn, không để bị động. Đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị; Nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, như: Nhân lực, thuốc, tập huấn công tác hồi sức cấp cứu phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Phương châm của thành phố là F1 ở quận, huyện, thị xã nào, thì cách ly tập trung trên địa bàn của quận, huyện, thị xã đó. Thành phố cũng đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn. Thời gian tới, các trạm y tế này sẽ là “cánh tay nối dài” của các bệnh viện để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng.

“Hiện số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn chứa được 60.000-70.000 ca F1. Bên cạnh đó, Thủ đô có đặc thù đất chật người đông, không bảo đảm an toàn khi cách ly tại nhà. Do đó, chỉ khi nào số lượng F0, F1 tăng vượt quá khả năng, thành phố mới tính đến phương án cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà” - ông Khổng Minh Tuấn cho hay.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

(PNTĐ) - Theo thống kê, hiện số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao (ước tính trên 100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị...
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

(PNTĐ) - Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.