Sau tuổi 35, phái nữ bắt đầu suy giảm nội tiết tố

HIỂN PHƯỚC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo các nghiên cứu, phụ nữ sau tuổi 35 sẽ bắt đầu suy giảm nội tiết tố. Chị em có thể chú ý bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục, giảm căng thẳng, lo âu để cải thiện sức khỏe.

Khi nào cần xét nghiệm nội tiết tố nữ?

Nhiều chị em khi bước vào độ tuổi 35 trở đi và nhận thấy cơ thể có thay đổi như rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, sạm da… liền nghĩ ngay rằng đã suy giảm nội tiết tố nữ, cần thực hiện các xét nghiệm nội tiết liên quan. Điều này có thực sự cần thiết?

Theo Bác sĩ Chuyên khoa I Lưu Bá Hùng – Chuyên Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, xét nghiệm nội tiết tố nữ bao gồm nhiều xét nghiệm các chỉ số khác nhau, với mục đích theo dõi và đánh giá sức khỏe sinh sản, khả năng mang thai cũng như đời sống tình dục ở người phụ nữ.

Sau tuổi 35, phái nữ bắt đầu suy giảm nội tiết tố - ảnh 1

Bác sĩ Chuyên khoa I Lưu Bá Hùng – Chuyên Khoa Sản Phụ khoa

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể làm xét nghiệm nội tiết tố để đánh giá sức khỏe sinh sản của mình, tuy nhiên có một số trường hợp bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm này như:

- Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều (hoặc rất ít, hoặc rất nhiều) và kỳ kinh kéo dài ngắn không ổn định.

- Các trường hợp vô kinh nguyên phát (không có kinh nguyệt) hoặc vô kinh thứ phát (từng có kinh nguyệt nhưng tự dưng biến mất).

- Phụ nữ có âm đạo bị chảy máu bất thường không rõ nguyên nhân.

- Các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đa nang buồng trứng. 

- Người gặp khó khăn trong quá trình thụ thai.

- Người có mong muốn hoặc chuẩn bị tiến hành các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm.

Xét nghiệm nội tiết tố nữ giúp phát hiện sớm những rối loạn, bất thường trong hệ nội tiết, từ đó nhanh chóng có phương hướng điều trị kịp thời.

Chỉ số nội tiết nào quan trọng trong việc sinh sản?

Bác sĩ Chuyên khoa I Lưu Bá Hùng nêu rõ, trong các chỉ số nội tiết tố nữ (AMH, FSH, LH, estrogen, progesteron, prolactin, testosteron), thì chỉ số AMH để đánh giá dự trữ buồng trứng của người phụ nữ là chỉ số có giá trị cao và chính xác nhất trong công tác chẩn đoán cũng như điều trị hiếm muộn. 

Sau tuổi 35, phái nữ bắt đầu suy giảm nội tiết tố - ảnh 2

Tập yoga giúp giảm căng thẳng. Ảnh: Freepik

Nồng độ AMH thông thường dao động 2 - 6,8 ng/ml. Nồng độ này tương đối ổn định nên xét nghiệm chỉ số AMH có thể tiến hành bất kỳ lúc nào. Chỉ số AMH bắt đầu giảm nhanh sau 35 tuổi, làm cho số lượng trứng của người phụ nữ ít đi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.

Nồng độ AMH đo được nếu quá thấp có nghĩa là khả năng đáp ứng kém với thuốc của người phụ nữ khi làm thụ tinh ống nghiệm. Ngược lại, nếu AMH quá cao cũng có thể dẫn đến hội chứng quá kích buồng trứng và gây vô sinh. “Hiện nay vẫn chưa có phương pháp hay loại thuốc nào có thể làm tăng chỉ số AMH, cách tốt nhất là bệnh nhân nên đi khám định kỳ, kiểm tra sức khỏe sinh sản thường xuyên để phát hiện sớm các nguy cơ thiếu hụt nội tiết tố, từ đó có kế hoạch phù hợp cho việc có thai”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Cân bằng nội tiết tố tự nhiên

Theo các chuyên gia, sự mất cân bằng nội tiết tố có thể phá vỡ hoạt động bình thường và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và/hoặc cảm xúc của người phụ nữ. Nếu bạn muốn cân bằng nội tiết tố một cách tự nhiên, hãy thực hành các lời khuyên dưới đây:

Chế độ ăn uống hợp lý và cân bằng: Giúp duy trì sự cân bằng nội tiết tố là bữa ăn bao gồm protein, sắt và vitamin, các chất dinh dưỡng đa lượng như carbohydrate và chất béo cần thiết cho cơ thể. Phụ nữ có Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn có nguy cơ bị mất cân bằng nội tiết tố cao hơn. Vì thế việc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý là cần thiết để duy trì chỉ số BMI khỏe mạnh và tránh các biến chứng như rối loạn kinh nguyệt và không rụng trứng do mất cân bằng nội tiết tố.

Tập thể dục giữ dáng để kiểm soát nội tiết tố: Căng thẳng có thể gây mất cân bằng nội tiết tố. Bài tập yoga tập trung vào hơi thở có tác dụng thư giãn. Khi người tập cúi xuống, thở ra, ép các cơ quan trong cơ thể, một số độc tố thoát ra khỏi cơ quan đó, kích thích cân bằng hormone. Ví dụ như tư thế cây cầu giúp giảm đau lưng, động tác lạc đà kéo giãn và hỗ trợ cơ bắp khỏe mạnh.

Giảm mức độ căng thẳng: Khi căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng một loại hormone gọi là cortisol ở mức cao. Điều này sẽ gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố, từ đó dẫn đến béo phì, giảm ham muốn tình dục, mất ngủ và mệt mỏi. Ngoài ra, việc tăng hormone căng thẳng cũng khiến nguy cơ huyết áp cao cao hơn.

Tránh mỹ phẩm có hàm lượng hóa chất cao: Hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC) có thể xâm nhập vào cơ thể và dễ dàng hấp thụ qua da. EDC ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây dậy thì sớm, cũng như gây ung thư và các bất thường ở cơ quan sinh sản. Mặc dù hàm lượng EDCs trong các sản phẩm mỹ phẩm thấp nhưng cũng là nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố, vì vậy nên sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm không chứa hóa chất cho da.

Quản lý Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): PCOS là tình trạng buồng trứng sản xuất một lượng lớn androgen (hormone sinh dục nam) có lượng thấp hơn ở phụ nữ, gây mất cân bằng nội tiết tố. Phụ nữ mắc PCOS thường gặp vấn đề với việc thụ thai và trong trường hợp mang thai, cần theo dõi cẩn thận nồng độ hormone. Nồng độ nội tiết tố cũng bị thay đổi trong giai đoạn dậy thì, mang thai, cho con bú và mãn kinh, có thể gây vô sinh hoặc khó mang thai trong tương lai.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn giao mùa

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn giao mùa

(PNTĐ) - Trước diễn biến phức tạp của các bệnh truyền nhiễm trong nước và quốc tế, Bộ Y tế vừa có Công văn số 2513/BYT-PB gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn giao mùa và mùa hè 2025.
Những mũi vắc xin ấm tình đồng đội

Những mũi vắc xin ấm tình đồng đội

(PNTĐ) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu tích của nó vẫn hiện diện trên cơ thể và ký ức của biết bao người lính. Họ - những cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng đã hy sinh một phần máu thịt vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tri ân những người đã cống hiến cho đất nước, trung tâm tiêm chủng VNVC đã tổ chức tiêm gần 5.000 mũi vắc xin cúm miễn phí cho cựu chiến binh, người có công với cách mạng, cùng nhiều quà tặng sức khỏe khác.
Trầm cảm ở tuổi vị thành niên

Trầm cảm ở tuổi vị thành niên

(PNTĐ) - Trầm cảm là vấn đề phổ biến ở tuổi vị thành niên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10-20% trẻ vị thành niên trải qua ít nhất một rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm là phổ biến nhất.