Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Chia sẻ

Từ ngày 29/9 đến nay, số ca Covid-19 mắc mới trên cả nước liên tục giảm, nhiều tỉnh/thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước, không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.

Trước diễn biến mới của dịch bệnh, đồng thời chủ động ứng phó với biến chủng của virus SARS-CoV-2, cần có chiến lược mới trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đối tượng có nguy cơ tại bệnh viện Việt Đức.Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đối tượng có nguy cơ tại bệnh viện Việt Đức.

Chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng

Giải thích về việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, ở mức bình thường là phải không có ca mắc Covid-19 mới tại cộng đồng (Zero Covid). Theo chiến lược mới này, thích ứng an toàn có nghĩa là chúng ta không theo đuổi mục tiêu không có ca mắc Covid-19 mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng, nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân.

Theo đó, để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong giai đoạn này thì các biện pháp phòng chống dịch cần điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn cùng với việc tăng cường mức độ bao phủ vắc-xin. Tuy nhiên các trường hợp mắc trong cộng đồng vẫn cần được phát hiện sớm, khoanh vùng ở phạm vi hẹp nhất có thể, cách ly, theo dõi sức khỏe, điều trị kịp thời; Các trường hợp F1 vẫn cần được cách ly phù hợp để ngăn chặn nguồn lây nhiễm.

Về phía người dân vẫn cần tuân thủ nguyên tắc 5K. Nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp này thì việc mở cửa không có kiểm soát sẽ gây ra hệ lụy lớn đối với sức khỏe và tính mạng của người dân, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong, dẫn đến kịch bản xấu như 1 số nước; Mở cửa ra song phải đóng lại ngay mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Trao đổi thêm về chiến lược mới trong phòng, chống Covid-19, PGS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhận định: Việc xuất hiện các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở đâu đó trong cộng đồng thời điểm này là điều dễ hiểu và được dự báo trước khi mở cửa “sống chung” với dịch. Các tỉnh, thành phố sẽ không thể đóng cửa mãi và khi mở cửa phải chấp nhận có ca bệnh, có rủi ro, không thể “Zero Covid”. Các trường hợp nhiễm bệnh này có thể có triệu chứng hoặc không. Vì vậy, để sống chung an toàn trong trạng thái mới, bên cạnh vắc-xin, người dân vẫn cần 5K, khẩu trang, không lơ là phòng chống dịch, không tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc khi tới nơi có người lạ… Những cách này tuy đơn giản nhưng phát huy hiệu quả rất cao.

Để giữ vững thành quả chống dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo: Các tỉnh, thành phố phải cẩn trọng cao độ; kiểm soát tốt người đi từ vùng dịch về; bảo vệ và giữ chặt “vùng xanh” từ phạm vi hẹp nhất. Mỗi ngành, mỗi cơ quan, doanh nghiệp cần xây dựng phương án rất cụ thể để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bùng phát. Ngoài ra, người dân phải có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch và tiếp tục tin tưởng, đồng hành cùng thành phố giữ vững thành quả chống dịch… để bảo vệ cho bản thân, gia đình, vừa cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Xác định mức độ dịch theo từng chỉ tiêu

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tạo điều kiện và là cơ sở khoa học để các địa phương tính toán và quyết định cấp độ dịch, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh song song với hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế, tránh đổ vỡ đối với nền kinh tế khi đứt gãy các chuỗi cung ứng mà Việt Nam đã và đang tham gia một cách sâu rộng vào đời sống chung của nền kinh tế thế giới.

Trên cơ sở đó, các địa phương cần lưu ý 5 chỉ số, điều kiện cơ bản, khả thi để có thể triển khai ngay chiến lược phòng dịch mới tại cấp xã, phường và quy mô nhỏ hơn. Trong đó, 3 chỉ số nền, bắt buộc nhằm giảm tỷ lệ tử vong cũng như đảm bảo hệ thống y tế có thể sẵn sàng đáp ứng ở mức độ dịch cao nhất gồm: Tỉ lệ tiêm chủng vắc xin cho người từ 50 tuổi trở lên theo lộ trình (tối thiểu 80% người trên 65 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 áp dụng trong tháng 10/2021; Tối thiểu 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 áp dụng từ tháng 11/2021); 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) có oxy y tế và 100% các quận, huyện, thị xã, thành phố (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng; Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng; bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu tại các cơ sở y tế trực thuộc tỉnh/thành phố trên tổng số ca mắc mới theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4.

Ngoài ra, 2 chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần (chia làm 4 mức: <=20; >20-50; >50-<150; >=150 ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đây là chỉ số quan trọng, trực tiếp đánh giá mức độ lây nhiễm trong cộng đồng. Ca mắc tăng nhanh thì có thể phát sinh thêm các ca mắc khác và tỉ lệ người bệnh trở nặng, tử vong đều có thể tăng theo); Tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 (chia làm 2 mức: dưới 70% và trên 70% trở lên người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin).

Dựa vào các chỉ tiêu đạt được, từ đó sẽ đối chiếu và có đánh giá cụ thể theo các mức cấp độ nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao. Nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin thì cấp độ dịch của tỉnh, thành phố đó phải tăng lên 1 bậc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quyết định phạm vi “mở cửa” của từng địa phương.

Bài và ảnh: YÊN HƯNG

 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.