“Tiền mất, tật mang” vì tiêm tan mỡ nọng cằm

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều người, cả nam và nữ khi gặp phải tình trạng có nọng cằm (cằm đôi) đều cảm thấy mất thẩm mỹ nên có nhu cầu điều trị nhằm giảm hoặc biến mất vùng dư thừa này, giúp khuôn mặt trẻ trung, thon gọn hơn. Đáp ứng nhu cầu này, gần đây dịch vụ tiêm tan mỡ nọng cằm phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi tiêm lại xảy ra tình trạng loét, hoại tử vùng tiêm, xuất hiện u hạt, viêm mô mỡ, áp xe nhiễm trùng...

“Tiền mất, tật mang” vì tiêm tan mỡ nọng cằm - ảnh 1
Một trường hợp tổn thương do tiêm tan mỡ nọng cằm. Nguồn: Int

Từ 1 cằm thành 3 cằm vì tiêm tan mỡ
Báo cáo lâm sàng tại Hội nghị khoa học thường niên Liên chi hội Da liễu TP Hồ Chí Minh lần thứ 20 mới đây, BS Lư Huỳnh Thanh Thảo - Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh chia sẻ về trường hợp một nữ bệnh nhân (60 tuổi, trú tại Đà Lạt) bị sưng nề, đau đớn tại vị trí tiêm sau 2 tuần làm thủ thuật tiêm mỡ vùng nọng cằm.

Một trường hợp khác là cô giáo (34 tuổi, quê Đồng Nai), nhập viện trong tình trạng trên cổ có khối áp xe khoảng 30cm chiếm toàn bộ vùng nọng cằm... do tiêm tan mỡ. Theo chia sẻ của người bệnh, trước đó bệnh nhân nghe người quen mời chào tiêm tan mỡ nọng cằm với giá 2,5 triệu cho một lần thực hiện trong 1 tuần. Trong 8 tuần liên tiếp, bệnh nhân đã tiêm 8 mũi chất tan mỡ (không rõ loại, không rõ hoạt chất).

Sau lần tiêm thứ 8, bệnh nhân có triệu chứng nóng rát, vùng cằm nổi cục nhưng lại được nhân viên của cơ sở dịch vụ trấn an là mỡ đang gom lại sau đó sẽ tan ra. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không hết mà ngày càng nặng hơn, cằm sưng đỏ thành những khối u lớn, đau nhức dữ dội. Tới khám tại BV Da liễu TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân vô cùng hoang mang khi bác sĩ cho biết, nếu không mổ thì tổn thương vùng nọng cằm không bao giờ lành. Mặt khác, ổ áp-xe sẽ tiếp tục lan tỏa từ vùng cổ, ăn sâu vào mạch máu hầu họng gây nhiễm trùng huyết khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong.

Xử trí trường hợp trên, sau khi thăm khám và hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn nạo ổ áp-xe cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật ghi nhận, khối áp-xe lớn đã lan tỏa rộng khắp vùng cổ, len lỏi và ăn sâu vào các mô cơ. Ê kíp phẫu thuật phải nạo và rửa sạch khối áp-xe bằng kháng sinh, đồng thời kết hợp đặt máy hút (VAC) để loại bỏ dịch mủ. 

Theo bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến biến chứng sau khi tiêm tan mỡ nọng cằm phần lớn là do bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở, spa không được cấp phép, người tiêm không phải bác sĩ được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật tiêm không đúng, tiêm vào các vùng nguy hiểm hay không đảm bảo quy tắc vô khuẩn khi điều trị...
Thận trọng với những lời quảng cáo “có cánh”
Theo các chuyên gia, phương pháp tiêm tan mỡ bản chất là đưa các loại hoạt chất có tính năng ly giải mỡ vào dưới da, để kích thích quá trình ly giải mỡ. Theo đó, các bác sĩ sẽ dùng kim tiêm, tiêm từng điểm nhỏ vào nơi muốn ly giải mỡ như vùng cằm, mặt, cánh tay, bụng... Hiện nay, trên thị trường đang giới thiệu giải pháp tiêm tan mỡ nọng cằm bằng sản phẩm được tinh chế từ axit deoxycholic - một loại muối có tác dụng phân hủy mỡ. Nguyên lý tiêu mỡ nọng cằm được giải thích rằng: Khi thuốc được tiêm vào vùng da dưới cằm, các khối chất béo bên trong sẽ bị phân hủy thành nhiều mảnh nhỏ và đào thải ra ngoài. Từ đó giúp cho vùng cằm thon gọn, thanh thoát hơn.

Theo ThS.BS Phạm Duy Linh - khoa Phẫu thuật tạo hình (BV Đa khoa Đức Giang), Bộ Y tế hiện chưa cấp phép chính thức cho sử dụng các hoạt chất tiêm tan mỡ vào điều trị giảm cân. Do đó, người dân cần thật cẩn trọng với những lời quảng cáo “có cánh” về hiệu quả của tiêm tan mỡ nọng cằm được đăng tải trên mạng xã hội như: “thon gọn sau 1 liệu trình”, “tan mỡ không cần phẫu thuật”, “an toàn tuyệt đối không biến chứng”…

Chưa kể, do đặc thù của phương pháp tiêm tan mỡ là phải dùng kim tiêm, vì thế nếu người thực hiện tiêm sai kỹ thuật hoặc tiêm rải rác mỗi chỗ một chút thay vì tiêm vào lớp mỡ, không đảm bảo khoảng cách giữa các mũi tiêm... thì rất dễ xảy ra biến chứng. “Tại BV Đa khoa Đức Giang, khoa Phẫu thuật tạo hình từng tiếp nhận không ít trường hợp biến chứng sau khi tiêm tan mỡ nọng cằm. Nhẹ có thể bị viêm da, sưng nề, tấy đỏ tại chỗ; nặng hơn hình thành ổ áp-xe da, chảy mủ, viêm nhiễm hoại tử lan rộng ra tổ chức xung quanh, bội nhiễm vi khuẩn, kháng thuốc. Việc điều trị không chỉ 1 lần có thể khỏi, mà nhiều người phải điều trị lâu dài do vùng tổn thương liên tục tái đi tái lại” - ThS.BS Phạm Duy Linh phân tích.

Bởi vậy, trong bối cảnh thị trường làm đẹp đang nhộn nhạo như hiện nay, các sản phẩm làm đẹp dùng để tiêm vào cơ thể chưa chắc đã đảm bảo chất lượng, không đúng hoạt chất theo lời quảng cáo... nên người dân cần hết sức cảnh giác. Nếu có nhu cầu làm đẹp, ThS.BS Duy Linh khuyến cáo người dân hãy tới bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ uy tín và được cấp phép, để bác sĩ tư vấn phương pháp giảm mỡ an toàn nhất, cũng như sử dụng loại thuốc, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Nếu mức độ thừa mỡ nhẹ và ít, có thể sử dụng HIFU sóng siêu âm. Mức độ thừa mỡ nhiều và chảy xệ thì cần phải can thiệp bằng ngoại khoa phẫu thuật.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, đối với mỡ nọng cằm, mọi người hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng cách thay đổi các thói quen xấu trong sinh hoạt (ngồi gù lưng, rướn đầu, cúi mặt, chống cằm, ôm má, nằm sấp quá lâu khi ngủ); loại bỏ dần lối sống không lành mạnh (thức khuya, ngủ không đủ giấc, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ)...

Đối với khách hàng mong muốn làm đẹp, loại bỏ mỡ vùng cằm bằng phương pháp tiêm tan mỡ cần lưu ý làm một số xét nghiệm về công thức máu, chức năng gan thận, mỡ máu... trước khi tiến hành. Bởi liệu pháp tiêm tan mỡ không được thực hiện trên người bệnh đang nhiễm trùng, có tổn thương da hở tại vùng điều trị; mụn nặng, mụn bọc nhiều, nhất là cơ thể có các vật liệu cấy ghép bằng kim loại như niềng răng bằng kim loại, máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim...

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khẩn trương phối hợp điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc tại Long Biên

Khẩn trương phối hợp điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc tại Long Biên

(PNTĐ) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc xảy ra tại Trung tâm Hội nghị Almaz (Long Biên), trong đó có 14 người tham dự đang được điều trị tại Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đức Giang với các biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt và 2 trường hợp đã tử vong ngoại viện.
Giải chạy VnExpress Marathon Hải Phòng thu hút 10.000 người tham gia

Giải chạy VnExpress Marathon Hải Phòng thu hút 10.000 người tham gia

(PNTĐ) - Các vận động viên tham gia giải chạy VnExpess Marathon Hải Phòng 2024 đã thử sức trên các đường chạy ngắn, trung bình, và dài – bao gồm các cự ly 5km, 10km, 21km, và 42km. Cung đường chạy đưa các vận động viên đi từ trung tâm thành phố Hải Phòng nhộn nhịp đến với bãi biển Đồ Sơn thanh bình để khám phá vẻ đẹp và sự đa dạng của thành phố này.