Trò chuyện với con về giới tính

Chia sẻ

PNTĐ-Trò chuyện, giúp con hiểu về giới tính để biết cách bảo vệ bản thân và ứng xử đúng là điều mọi cha mẹ đều quan tâm.

 
Trò chuyện với con về giới tính - ảnh 1
Cha mẹ nên cởi mở, chủ động trò chuyện với con về giới tính. Ảnh minh họa

 
Trò chuyện, giúp con hiểu về giới tính để biết cách bảo vệ bản thân và ứng xử đúng là điều mọi cha mẹ đều quan tâm. Nhưng cái khó là họ chưa biết đề cập, trao đổi với con về vấn đề này như thế nào. Dưới đây là một vài gợi ý giúp “gỡ khó” cho cha mẹ.
 
Trả lời tự nhiên, đơn giản và trung thực
 
Dù cha mẹ có muốn hay không, trẻ vẫn luôn tò mò và sẽ tự tìm hiểu kiến thức về giới tính. Thời điểm từ 3-5 tuổi, trẻ đã bắt đầu để ý đến sự khác nhau giữa nam, nữ và hỏi những câu về cơ thể mình, cơ thể người khác… Lúc này, con trẻ sẽ cho cha mẹ rất nhiều cơ hội để trả lời thắc mắc về đủ mọi thứ như: “Em bé từ đâu ra?”, “Làm thế nào mà em bé có ở đó?”, hoặc khi đi vệ sinh các bé gái hay hỏi “Tại sao bạn A lại đứng… khác con?”, “Tại sao ở lớp bạn nam phải ngủ riêng với bạn nữ nhưng bố mẹ lại ngủ chung?”, “Tại sao bố không tắm cho con?”… 
 
Trước những tò mò của con trẻ, tốt nhất cha mẹ không nên làm ngơ, từ chối hoặc trả lời vòng vo. Ví dụ, cha mẹ nên giải thích rõ rằng: “Em bé được sinh ra từ “âm đạo”, là “sản phẩm” tạo thành từ trứng của mẹ và tinh trùng của bố”; không nên trả lời kiểu: Em bé được sinh ra từ nách, từ rốn…
 
Hay như lý giải sự khác nhau trong cách đi vệ sinh, cha mẹ có thể nói với trẻ: “Bạn A là con trai, con là con gái, bộ phận sinh dục khác nhau nên cách đi vệ sinh cũng khác nhau. Khi lớn lên, bộ phận này sẽ giúp bạn A là một người cha, còn con sẽ là người mẹ…”. Thậm chí rơi vào tình huống khó xử “hi hữu”, chẳng hạn lúc đang “riêng tư” vô tình bị con bắt gặp, thay vì mắng mỏ, né tránh, cha mẹ có thể giải thích cho trẻ như:
 
“Khi một người trưởng thành giống bố, mẹ, họ sẽ biết yêu và kết hôn, trở thành vợ chồng. Việc bố mẹ vừa làm, chính là một cách biểu hiện tình yêu mà bố mẹ dành cho nhau. Sau này lớn, dần dần con sẽ hiểu”.
 
Trẻ còn nhỏ không thể hiểu hết mọi chuyện nhưng chúng lại có sự hiếu kì vô cùng mạnh mẽ. Nếu cha mẹ trả lời mơ hồ hoặc không đưa ra bất kỳ phản ứng nào, đứa trẻ càng tò mò và sẽ tự mình khám phá, từ đó rất dễ khiến trẻ có những hiểu sai về giới tính. Nhưng những băn khoăn được trả lời đơn giản, rõ ràng, trẻ sẽ thấy tính dục là vấn đề thông thường trong đời sống, từ đó cởi mở trò chuyện. 
 
Bên cạnh đó, khi trẻ thích thú tìm hiểu cơ thể mình, cha mẹ hãy xem đó là chuyện bình thường và dùng đúng từ ngữ để gọi tên bộ bận trên cơ thể trẻ như: dương vật, âm hộ… thay vì nói quanh co. Đồng thời, dạy trẻ về những sờ chạm “được phép”, “không được phép”, nơi công cộng và nơi riêng tư... Mục đích không chỉ để trẻ làm quen, hiểu chính xác về cơ thể mình, mà còn giúp trẻ biết cách diễn tả cho cha mẹ trong trường hợp bị gạ gẫm, xâm hại tình dục. 
 
Chủ động, không e ngại khi nói về giới tính
 
Trẻ càng lớn, những băn khoăn về vấn đề giới tính sẽ cụ thể hơn. Đặc biệt, khi bước vào tuổi vị thành niên, trẻ có thể không dám đặt câu hỏi vì sợ cha mẹ nghi ngờ hạnh kiểm của mình. Bởi vậy, đừng chờ con lên tiếng, cha mẹ hãy là người chủ động tìm thời điểm thích hợp để bắt đầu trò chuyện với con về giới tính. Tuy nhiên, cha mẹ cần thăm dò trước khi nói để xem con đã biết gì và có muốn biết thêm không.
 
Muốn vậy, thay vì hỏi trực tiếp những câu cụ thể về giới tính, cha mẹ hãy bắt đầu bằng câu hỏi gợi mở, chẳng hạn: “Bây giờ nhiều người cho rằng quan hệ tình dục chỉ là vấn đề sinh lý. Con và các bạn nghĩ sao?”. Những câu hỏi gián tiếp như vậy có thể khiến con bạn nói chuyện cởi mở và bày tỏ cảm nghĩ của mình. Đồng thời, thái độ thẳng thắn, chân tình, cởi mở, biết lắng nghe của cha mẹ khi trao đổi sẽ giúp cuộc trò chuyện thoải mái, tự nhiên, hiệu quả. Giáo dục theo kiểu áp đặt: “con biết gì mà nói”, “cấm nói chuyện tục tĩu”, “lớn lên thì biết”… sẽ chỉ khiến con im lặng, lén lút tìm thông tin ngoài luồng, chẳng những không đáng tin cậy mà còn có thể nguy hiểm.
 
Việc cha mẹ lúng túng và nhiều khi do dự trong tư tưởng khi nói với con về giới tính là điều khó tránh. Do vậy, cha mẹ cũng cần “vượt qua chính mình”, chủ động tìm hiểu sách báo để có thái độ thích hợp. Nếu có lĩnh vực nào chưa rõ, cũng là dịp để cha mẹ và con cái cùng tìm hiểu. Từ đó, giúp con trang bị kiến thức không chỉ về sinh lý mà cả quan điểm, nhận thức đúng đắn về giới tính để bảo vệ mình và biết cách hành xử đúng đắn khi lớn lên.
 
 
Trịnh Trung Hòa

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).