Virus SARS – CoV – 2 lan rộng từ “sự kiện siêu lây nhiễm”

Chia sẻ

Dịch Covid-19 đang có những diễn biến khó lường với sự gia tăng liên tục các ca bệnh do biến thể mới, số ca trở nặng và tử vong nhiều hơn các đợt dịch trước, đặc biệt tại khu vực điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh.

Theo kết quả giải trình tự gen từ các mẫu bệnh phẩm, nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện của các biến thể được thế giới đánh giá là “nguy hiểm” (Ảnh: BYT)Theo kết quả giải trình tự gen từ các mẫu bệnh phẩm, nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện của các biến thể được thế giới đánh giá là “nguy hiểm” (Ảnh: BYT)

Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

Thưa GS.TS Phan Trọng Lân, kết quả giải trình tự gen từ các mẫu bệnh phẩm gần đây cho thấy, nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện của các biến thể được thế giới đánh giá là “nguy hiểm”. Vậy, có phải SARS-CoV-2 đang trở nên nguy hiểm hơn không, thưa ông?

GS.TS Phan Trọng Lân: Các virus nói chung và virus SARS-CoV-2 nói riêng, trong quá trình lưu hành, sau nhiều lần sao chép và nhân bản có thể xuất hiện những biến đổi trong cấu trúc của gen.

Hiện nay, trên thế giới đã có khoảng hơn 28.000 đột biến trên gen của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng một số khác có thể gây ảnh hưởng tới đặc tính sinh học như: làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm: Biến thể đáng quan tâm (VOIs) và Biến thể đáng quan ngại (VOCs). Trong đó, biến thể VOCs được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi tình hình dịch tễ Covid-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực virus/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng hay giảm hiệu quả của các vắc-xin, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.

Tại Việt Nam, ngay từ khi dịch bùng phát đã phát hiện ra các biến thể mang đột biến D614G vào đầu tháng 3/2020 từ những công nhân nước ngoài về; tiếp đến là sự xuất hiện của nhiều VOCs như: biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh), biến thể B.1.351 (ở Nam Phi) được ghi nhận vào tháng 10/2020; hiện nay là biến thể B.1.617 (ở Ấn Độ) từ ổ dịch Yên Bái, Hà Nam.

Vậy, sự xuất hiện những biến thể của SARS-CoV-2 có tác động như thế nào đến công tác phòng, chống, ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19, thưa Giáo sư?

GS.TS Phan Trọng Lân: Hiện nay, các tác động của biến thể SARS-CoV-2 chủ yếu trên 5 phương diện là: khả năng lây lan, độ nặng của bệnh, công tác xét nghiệm, tránh miễn dịch và điều trị.

Về khả năng lây lan, các nghiên cứu cho thấy, biến thể B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ (1 người đã mắc bệnh có thể lây cho đến 7 người khác). Các biến thể B.1.351, P.1 (ở Brazil), B.1.671 cũng được WHO báo cáo rằng có khả năng gia tăng sự lây nhiễm. Do vậy, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn, khả năng lây lan dịch có thể tăng theo cấp số nhân.

Về độ nặng và điều trị: Theo báo cáo từ WHO và CDC Hoa Kỳ, biến thể B.1.1.7, biến thể B.1.351. biến thể P.1 có khả năng gây tăng độ nặng và nguy cơ nhập viện, tử vong. Nếu số ca mắc tăng lên nhiều thì sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế của nước ta, từ đó dẫn đến tăng số ca tử vong.

Về vấn đề xét nghiệm: Theo thống kê của GISAID (Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu bệnh cúm), cập nhật ngày 21/5/2021, một số mồi và đầu dò phổ biến dùng cho phản ứng realtime RT-PCR SARS-CoV-2 hiện nay không bị ảnh hưởng nhiều trước sự xuất hiện của các biến thể mới gần đây. Tuy nhiên, các đột biến của SARS-CoV-2 vẫn đang xảy ra thường xuyên, liên tục nên vẫn có khả năng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm trong tương lai và có thể gây ra hiện tượng âm tính giả.

Đối với vắc-xin, WHO nhận định các vắc-xin Covid-19 hiện được cấp phép cung cấp sự bảo vệ nhất định chống lại các biến thể virus mới vì chúng tạo ra một phản ứng miến dịch rộng rãi, liên quan đến một loạt các kháng thể và tế bào. Do đó, biến đổi hoặc đột biến của virus sẽ không làm cho vắc-xin mất hoàn toàn tác dụng. Nhưng, việc giám sát các đột biến của virus cũng như tác động của biến thể mới đối với hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cần được tiếp tục theo dõi, cập nhật và đánh giá.

Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, chúng ta cần làm gì để bảo đảm an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng?

GS.TS Phan Trọng Lân: Để dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, cần tập trung vào 3 mắt xích: Nguồn lây nhiễm, đường lây truyền và người cảm nhiễm. Nếu mắt xích nào chưa đảm bảo thì phải nỗ lực nhiều hơn nữa ở những mắt xích còn lại.

Hiện nay, hệ thống chính trị các cấp, lực lượng y tế… của Việt Nam đã và đang vào cuộc quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, để giảm sự lây lan của virus, cần sự phối hợp chặt chẽ của người dân trong tuân thủ cách ly, đeo khẩu trang, giảm khoảng cách, cách ly kiểm dịch, khai báo y tế, cách ly y tế cho đến giãn cách xã hội.

Đối với cách ly kiểm dịch (F1, F2, cách ly tập trung, cách ly ở nhà) ở người khỏe, việc tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc cách ly, giữ khoảng cách giữa người với người là hết sức quan trọng. Nếu nguyên tắc này không đảm bảo thì sẽ gây tác dụng ngược, vì những người nguy cơ cao tiếp xúc sẽ dễ lây cho nhau.

Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 muốn lan rộng cần dựa vào “sự kiện siêu lây nhiễm”, không phải bắt đầu từ 1 người như chúng ta thường nghe giải thích, rằng họ mang một số lượng virus đặc biệt lớn và do đó lây nhiễm cho nhiều người. Đúng ra là các virus có khả năng lây lan nhanh là do có hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này.

Đơn cử, nếu tổ chức sự kiện và mời 30 người khách, những hành vi nguy cơ cao như: Giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người, ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to, tiếp xúc gần trong thời gian lâu… sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Đó có thể là sự kiện siêu lây lan. Nếu chúng ta ngăn được các sự kiện siêu lây nhiễm như vậy, các đợt dịch khó có cơ hội bùng phát.

Vì thế, mỗi người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ này. Chỉ cần mỗi người tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, thì cho dù là biến thể nào của SARS-CoV-2 cũng khó có khả năng lây lan.

- Trân trọng cảm ơn ông!

YÊN HƯNG (thực hiện)

 

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.